Nếu tính từ lúc Khánh Ly tái ngộ với Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn sau cuộc gặp định mệnh ở hộp đêm Tulipe Rouge Đà Lạt mà Khánh Ly trong vai trò ca sĩ còn Trịnh Công Sơn là người đệm đàn thì khoảng cách thời gian đó là 3 năm. Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1) Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 2) Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 3) Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 4)

Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 5)

Một Thế Giới | 21/01/2015, 22:00

Nếu tính từ lúc Khánh Ly tái ngộ với Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn sau cuộc gặp định mệnh ở hộp đêm Tulipe Rouge Đà Lạt mà Khánh Ly trong vai trò ca sĩ còn Trịnh Công Sơn là người đệm đàn thì khoảng cách thời gian đó là 3 năm. Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1) Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 2) Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 3) Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 4)

GIẢI MÃ TÌNH YÊU CỦA KHÁNH LY &TRỊNH CÔNG SƠN
Nhưng nếu tính từ đêm Khánh Ly hát trên sân cỏ quán cà phê Văn trên bãi đất trống phía sau lưng của Trường đại học Văn Khoa Sài Gòn cho tới khi quán Văn đóng cửa làm hai người phải chia tay nhau thì sự gắn bó giữa Khánh Ly và nhạc sĩ họ Trịnh là 10 năm. Thời gian 3 năm đầu là mối tình sơ ngộ, 10 năm sau là mối lương duyên văn nghệ. Nếu như Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ca khúc bằng thơ, hình ảnh, và màu sắc thì Khánh Ly chính là người sinh ra để hát nhạc Trịnh, để đưa những ca khúc này bay lên cao. Không ai có thể phủ nhận hai người là một “cặp đôi hòan hảo” mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân gian để làm đẹp cuộc sống bằng thứ âm nhạc mang nặng nỗi niềm mà người ta cần nó để yêu thương nhau hơn, dù nghe Khánh Ly hát tình ca hay ca khúc phản chiến của họ Trịnh, đôi lúc người ta chỉ muốn khóc.
Trong 10 năm sát cánh bên nhau mà như Khánh Ly đã từng nói hát chẳng có thù lao, đôi khi phải nhịn đói, nhịn khát mà hát, nếu không có một niềm đam mê và một tình yêu lớn lao thì chắc chị không trụ vững bên cạnh Trịnh Công Sơn tới ngần ấy năm cực kỳ gian khó. Nhiều người đã thắc mắc rằng có phải Trịnh Công Sơn đã yêu Khánh Ly và ngược lại, hai người đương nhiên là một đôi bạn diễn trên sân khấu cũng như trong tình yêu trải qua mọi buồn vui, sướng khổ của cuộc đời? Về phía Trịnh Công Sơn thì đã mất, nhưng ngay lúc còn sống, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, biến chuyển của xã hội và buồn vui thuộc về số phận không ai nghe anh nói về Khánh Ly với danh phận một người yêu của Trịnh Công Sơn đúng nghĩa theo tình yêu nam, nữ. Trịnh Công Sơn đã yêu thương Khánh Ly bằng một tình yêu lớn hơn tình yêu trai gái, đó là tình yêu đối với một người bạn, một cô em gái. Quả thật họ là một đôi bạn khác phái gắn bó với nhau 10 năm giữa đời, trải qua bao gian truân, nhọc nhằn, vui buồn, đau khổ, hạnh phúc, chất ngất kỷ niệm. Và vì quá hiểu nhau, yêu thương nhau mà không thể trở thành… hai người yêu nhau được.
Sau giải phóng một vài năm, khi tôi còn công tác ở quận 4, có mời Trịnh Công Sơn qua Nhà văn hóa Q4 nói chuyện và hát. Rồi thỉnh thoảng những tối thứ bảy cuối tuần Trịnh Công Sơn, Ngụy Ngữ, Nguyễn Trọng Khôi và tôi hú nhau tụ tập lại nhà anh Nguyễn Quang Sáng lúc đó còn ở góc Ngô Thời Nhiệm-Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngồi dưới tán mận trong sân nhà anh Sáng uống rượu nói chuyện khào, tưng tưng lên Nguyễn Trọng Khôi ôm đàn hát “Như chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn. Anh chàng họa sĩ đàn hát tài tử này có chất giọng trầm, ấm từa tựa như Sĩ Phú hát “Như chiếc lá thu phai” thật buồn và được Trịnh Công Sơn khen hay. Khôi bèn cười hì hà và khiêm tốn: “tôi hát làm sao bằng Khánh Ly, bóng hồng trong tim anh”. Trịnh Công Sơn liền đính chính ngay: “ Tầm bậy, moa chỉ xem Lệ Mai như em gái, như một người…bạn trai thôi, ai nói sao mặc kệ”.
Còn Khánh Ly khi chị kể lại những kỷ niệm của thập niên 60 cơ cực nhưng ngập tràn hạnh phúc ấy đã khẳng định giữa chị và Trịnh Công Sơn thương nhau vô cùng, trên cả tình yêu trai gái. Khánh Ly thú nhận là chị đã rất can đảm, vì chỉ mới 20 tuổi mà dám bỏ nhà ở Đà Lạt về Sài Gòn đi hát với “anh Sơn”, hát 10 năm mà không có đồng xu cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khát, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả mà vẫn thấy cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát. Và quả thật hai người đã đi bên nhau suốt cuộc hành trình 10 năm, một chặng đường dài với hình ảnh của một
”cặp đôi” văn nghệ, vượt ra ngoài mọi định kiến, phá vỡ quan niệm xưa cũ của dư luận và hồn nhiên sống, hồn nhiên ôm đàn hát giữa đời. Quả thật, Khánh Ly đã thú nhận chị xem Trịnh Công Sơn như một người anh, một người thầy và không hiếm ác trước mặt bạn bè, Trịnh Công Sơn vẫn ngang nhiên la rầy Khánh Ly như một đứa em nhỏ, chị không buồn mà còn cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
HƠN 17 NĂM XA CÁCH MỚI GẶP LẠI BÊN TRỜI TÂY
Thế rồi hơn 17 năm, tính từ ngày chia tay, Khánh Ly mới có dịp gặp lại Trịnh Công Sơn ở Canada. Khánh Ly kể rằng: “Chúng tôi đã ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, phải trong giấc mơ 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói chỉ hai chúng tôi mới hiểu, một cách nói ở bốn con mắt im lặng…Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói được bằng lời”.  Khánh Ly-Trịnh Công Sơn một “cặp đôi” ca hát ngày nào ở tuổi thanh xuân hừng hực lửa sống, đam mê, khát vọng cháy bỏng một thời tuổi trẻ, giờ đã ở ngưỡng cửa “tri thiên mệnh” lại sóng đôi bước dạo trên đường phố mùa đông không phải ở Sài gòn mà ở tận phía trời Tây. Khánh Ly đã chia sẻ thật lòng về cuộc gặp Trịnh Công Sơn năm ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không thay đổi nhiều, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi…Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.
Nhưng có lẽ Trịnh Công Sơn đã không nói với Khánh Ly điều anh cần nói vì nó đã trở nên quá vô nghĩa cũng vì giữa hai người quá hiểu nhau đến không thể nói điều gì khi trước ở Sài Gòn cũng như bây giờ ở trời Tây. Điều này cũng lý giải vì sao một con người tài hoa, đa cảm, tinh nhạy với mọi lẽ vô thường như Trịnh Công Sơn mà trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của anh có những hơn 600 ca khúc. Chỉ nói riêng về tình ca luôn thấp thoáng bóng những người con gái như “Ướt mi”, “Thương một người”, “Diễm xưa”, “ Chiều một mình qua phố”, “Tình xa”, “Tình nhớ”, “Tình sầu”, “Như cánh vạc bay”, “Ru em từng ngón xuân nồng” đã không có bóng dáng của một Khánh Ly, một Lệ Mai thậm chí một “Mai đen” tên thân mật của Khánh Ly như Trịnh Công Sơn vẫn thường gọi. Chính Khánh Ly cũng đã nhận biết điều này và chị cũng đã không thắc mắc vì đó là chuyện bình thường. “Ở đời, chỉ cần một tấm lòng”, Trịnh Công Sơn đã thường nói câu này và Khánh Ly đối với Trịnh Công Sơn hay ngược lại, chỉ cần “một tấm lòng” nghĩ về nhau là quá đủ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mất vào ngày 1-4-2001, giữa bao nhiêu bạn bè thân, sơ đến phúng viếng, đưa tiễn người nhạc sĩ tài hoa về cõi thiên thu không có mặt của Khánh Ly, chị không về được, nhưng xuất phát từ một tấm lòng, Khánh Ly đã thốt lên: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo anh Sơn”. Thiết nghĩ một câu nói ấy đã quá đủ. Và quả thật như vậy, khi có dịp gặp nhau ở nước ngoài, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở lại thành một “cặp đôi” đi biểu diễn thân mật cũng có, trên sân khấu hòanh tráng cũng có. Hai người bạn với mối lương duyên văn nghệ này đã tiếp nối một cuộc hành trình sau hơn 17 năm gián đoạn mỗi người một bờ đại dương và tưởng rằng sẽ còn “ôm đàn đi hát giữa đời” với nhau nhiều năm nữa. Nhưng giờ đây Khánh Ly đã “chết nửa cuộc đời”, chắc chắn trong nửa cuộc đời còn lại Khánh Ly vẫn là người đàn bà hát nhạc Trịnh Công Sơn hơn nghĩa của một ca sĩ khi nào chị vẫn còn đứng trên khấu. Nhưng trong giấc mộng dài của đời mình đã thiếu đi hình bóng của một người nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ra những ca khúc như dành riêng cho Khánh Ly hát. Người nhạc sĩ tài hoa đó đã không thể có được một lần thứ hai.
ĐẠI TÁ LƯU KIM CƯƠNG ĐÃ YÊU KHÁNH LY VÀ GHEN VỚI TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO?
Trước năm 1975, chính xác hơn là cho tới năm 1968, trước khi biến cố Tết Mậu Thân đợt 2 xảy ra, đại tá Lưu Kim Cương là một nhân vật có vai vế trong Binh chủng Không quân của Sài Gòn, thuộc nhóm thân cận của Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan (tức Sáu Lèo), Lê Nguyên Khang, Nguyễn Bảo Trị… Khi quân Giải phóng tràn vào thành phố Sài Gòn chiếm lĩnh khu vực Chợ Lớn thì Nguyễn Ngọc Loan, Thiếu tướng Tư lệnh cảnh sát chỉ huy đánh phản công ở khu vực Tân Định-Thị Nghè. Còn Bộ chỉ huy phối hợp của Lê Nguyên Khang chịu trách nhiệm đánh phản công khu vực Chợ Lớn đóng ở một ngôi trường trung học của người Hoa thuộc quận 5. Trong lúc tướng Sáu Lèo bị bắn gãy chân đang nằm trong bệnh viện cấp cứu, tại Bộ chỉ huy hành quân phối hợp phản công mặt trận Chơ Lớn lúc đó có một nhóm sĩ quan cấp tá, tướng gồm: Lê Nguyên Khang, Nguyễn Bảo Trị, Lưu Kim Cương… đang hò hét binh lính đánh phản công quân Giải phóng ở từng ngôi nhà, từng góc phố thì bất ngờ có một chiếc trực thăng Cobra của đoàn cố vấn Mỹ chẳng hiểu ở đâu bay tới bỏ mấy trái rocket thẳng xuống ngôi trường nơi Bộ chỉ huy mặt trận Chơ Lớn đang đóng. Ngôi trường thành đống gạch vụn còn các sĩ quan tay chân thân cận của Kỳ-Loan tử trận tại chỗ, trong đó có đại tá Lưu Kim Cương. Người ta đồn rằng đây là đòn Thiệu chơi Kỳ bằng việc pháo kích nhầm”quân ta” nhưng kỳ thực là để Thiệu “hốt” sạch đám tay chân thân cận của Kỳ-Loan cho rảnh nợ.
Trước đó Lưu Kim Cương là chỉ huy trưởng không đoàn Cần Thơ thuộc vùng 4 chiến thuật. Nhân một dịp lên Đà Lạt thăm người bạn, Lưu Kim Cương được ông bạn này giới thiệu và đưa đến phòng trà Tulipe Rouge chơi, nghe Khánh Ly hát. Dù được bạn giới thiệu vài nét đan thanh về cô ca sĩ nhỏ nhắn, da ngâm, có giọng hát khàn khàn làm người nghe buồn muốn nhủng tim nhưng Lưu Kim Cương không ngờ nó thu hút ông ta đến nỗi…mê luôn cô ca sĩ “Mai đen”. Ngay sau khi Khánh Ly hát xong bài “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn, gã đại tá si tình cao to, vạm vỡ như ông hộ pháp đã cầm ly rượu tiến lên mời Khánh Ly “nhấp môi” để làm quen, nhưng bị Khánh Ly từ chối. Không nản lòng, từ đó cứ mỗi cuối tuần Lưu Kim Cương lái trực thăng từ Cần Thơ bay lên Đà Lạt chỉ với mục đích duy nhất là tán tỉnh Khánh Ly mặc dù ông ta đã có vợ con đầm đìa. Thời gian này Trịnh Công Sơn đang là một nhạc công của phòng trà Tulipe Rouge, đêm đêm đệm đàn cho Khánh Ly Hát. Thấy hai người cỏ vẻ thân thiết nhau, Lưu Kim Cương nổi máu ghen nên nhờ trung tá Đường, Trưởng ty Cảnh sát Đà Lạt cho lính tới bắt nhốt Trịnh Công Sơn về tội trốn quân dịch.
May sao Nguyễn Xuân Thiệp, bạn thân của Trịnh Công Sơn là một “đại gia” có tiền lại quan hệ rộng biết được tin này nên nhờ tiền và mối quan hệ can thiệp, sau đó Trịnh Công Sơn được thả ra nếu chậm một chút có thể nhạc sĩ họ Trịnh đã bị tống vào quân trường học làm lính. Ớn cái ghen của đại tá Lưu Kim Cương, Trịnh Công Sơn bỏ công việc đệm đàn cho Khánh Ly hát về Bảo Lộc xin làm thầy giáo dạy cấp tiểu học trường Bảo An, đây là ngôi trường nhỏ, có 2 lớp học nằm trong ngôi làng của người Thượng. Trịnh Công Sơn vừa dạy vừa làm chức… Trưởng giáo chắc là ngang với Hiệu trưởng. Chính thời gian này Trịnh Công sơn đã sáng tác “tình khúc Ơ Bai”, “Chiều một mình qua phố”. Sau đó vài năm Trịnh Công Sơn bỏ dạy về Sài Gòn, Khánh Ly cũng rời Đà Lạt. Họ gặp nhau trong một chiều định mệnh tại trước góc đường Lê Thánh Tôn-Công Lý ngay trước cửa quán Văn để trở thành một “cặp đôi” du ca lừng lẫy một thời.
Từ Kế Tường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 5)