Quá trình mở rộng điều tra vụ án xăng giả lớn nhất từ trước cho đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị nghiệp vụ đã thu giữ thu giữ phong tỏa khối tài sản "khủng" của các bị can, ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Thu lợi bất chính hàng trăm ngàn tỷ đồng
Như Một Thế Giới đã đưa tin, đường dây xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu cùng đồng phạm đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng với giá trị gần 2.900 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Riêng ông Hữu bị cho là thu lợi nhiều nhất với hơn 105 tỷ đồng.
Cụ thể, ngoài tang vật là các tàu Nhật Minh 06-09, khi khám xét nhà riêng và công ty của Hữu cùng đồng phạm, lực lượng chức năng thu giữ hơn 100 tỷ đồng, 123.000 USD; 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ở TP HCM và Sóc Trăng; phong tỏa rất nhiều tài khoản ngân hàng của cá nhân, công ty...
Trong đó Phan Lê Hoàng Anh (con gái Hữu, được cha nhờ đứng ra giao dịch tiền mua bán xăng) cũng bị kê biên 2 bất động sản ở TPHCM, 4 thẻ ngân hàng cùng nhiều điện thoại, xe máy...
Là một trong những đầu mối chính tiêu thụ xăng của Hữu, Nguyễn Hữu Tứ bị cho là thu lợi khoảng 44 tỷ đồng.
Thời điểm bị khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn một tỷ đồng tiền mặt; 5 sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng, phong toả 20 tài khoản ngân hàng; kê biên 3 tàu biển, 4 ô tô và kê biên nhiều bất động sản ở TPHCM, Đồng Tháp...
Bị can Đào Ngọc Viễn, đóng vai trò chuyên cung cấp tàu biển trọng tải lớn vận chuyển xăng lậu, bị thu giữ 5 tỷ đồng tiền mặt; 2 tàu thủy Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn), phong tỏa một tài khoản ngân hàng...
Kê biên số tài sản “khủng”
Ngoài các bị can cầm đầu đường dây, lực lượng chức năng cũng thu giữ, kê biên hàng chục bất động sản, xe bồn, tàu thủy... của nhiều chủ cây xăng tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, TPHCM.
Trong đó, vợ chồng Trần Thị Thu Vân và Lê Thanh Tú (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc) - nhánh thứ hai tiêu thụ xăng lậu của Hữu sau Tứ, bị kê biên 4 tàu chở xăng và 14 thửa đất ở Bình Dương và TP.HCM. Kết quả điều tra xác định, vợ chồng Vân và Tú thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng.
Các chủ cây xăng lớn khác như: Nguyễn Thăng Long (ngụ ở Đồng Nai) bị thu giữ 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Lê Thị Anh Thư 6 sổ đỏ, Đỗ Văn Ba 2 thửa đất, Lê Thanh Trung 6 số đỏ và hai tàu thủy...
Bị cáo buộc nhận hối lộ từ Hữu và Tứ để bỏ qua việc bắt giữ dường dây xăng lậu này, Ngô Văn Thụy (nguyên Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam - Đội 3, Cục điều tra phòng chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị thu giữ 101.000 USD và 150 triệu đồng tiền mặt khi khám xét nhà riêng.
Do vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.
Ngoài việc bị đề nghị truy tố về tội Buôn lậu, Phan Thanh Hữu và đồng phạm còn bị điều tra về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, hành vi của các bị can được tách ra ở giai đoạn hai của vụ án do đang chờ kết quả trưng cầu giám định vật chứng từ cơ quan chức năng.