Vùng đất ấy – vùng đất với những vạt rừng đước bạt ngàn, thẳng tắp, vùng đất với đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn ngày nào giờ đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ kết cấu hạ tầng đường sá được quan tâm đầu tư đến tận chót cùng Đất Mũi.

Sức sống bên những vạt rừng đước

Trần Khải | 08/02/2022, 16:51

Vùng đất ấy – vùng đất với những vạt rừng đước bạt ngàn, thẳng tắp, vùng đất với đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn ngày nào giờ đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ kết cấu hạ tầng đường sá được quan tâm đầu tư đến tận chót cùng Đất Mũi.

Gần 10 năm trước, tôi từng có thời gian công tác trên địa bàn huyện Ngọc Hiển 5 năm. Phải nói rằng, thời điểm tôi đến địa phương thì huyện Ngọc Hiển còn rất vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là đánh bắt biển và nuôi trồng thủy sản. Những hộ đói nghèo, không có sinh kế thì vào rừng bắt ba khía, đào sâm đất, ốc len, vộp… để mưu sinh. Thời điểm đó do nằm tách biệt với đất liền, như là một huyện đảo nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hiển chưa được phát triển đúng tầm với địa thế sẵn có của mình.

3.jpg
Cánh rừng đước trên vuông tôm là hình ảnh dễ thấy khi đến với huyện Ngọc Hiển

Hồi đó, để đến được huyện Ngọc Hiển tôi phải di chuyển bằng xe gắn máy bằng đường bộ đến huyện Năm Căn, rồi thuê đò dọc để chở người và xe vào đến tận Xóm Lò (xã Tân Ân Tây) với cước phí gần 200.000 đồng mỗi lượt thì mới có lộ xe tiếp tục hành trình, sau đó tôi còn phải qua phà Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc) thì mới đến được nơi làm việc. Cuối tuần, muốn quay về trung tâm TP.Cà Mau thì phải tranh thủ sớm để cho kịp đò. Gian nan là vậy, nhưng tất cả những anh em cùng tôi về công tác tại vùng đất này đều vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về sau, nhờ được các cấp, ngành từ Trung ương, đến địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cầu Năm Căn bắt qua sông Cửa Lớn nối liền mạch bằng đường bộ về tận xã Đất Mũi – mãnh đất cuối cùng cực Nam của Tổ quốc. Thời gian sau đó, cầu Rạch Gốc, bắt qua sông Rạch Gốc cũng được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng thì hình ảnh, diện mạo của huyện Ngọc Hiển càng thêm khởi sắc. Từ đó, đường về trung tâm Cà Mau trở nên ngắn lại, nhờ không còn cảnh lụy đò như ngày trước.

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, tôi quay trở lại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) để tìm hiểu về cuộc sống, lao động sản xuất của người dân nơi mảnh đất cuối cùng của vùng cực Nam của Tổ quốc. Nơi đây, giờ thay đổi nhiều và đời sống của người dân cũng được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đến địa phương để đầu tư, xây dựng những công trình, dự án mà trước đây không ai dám nghĩ đến như, dự án xây dựng Nhà máy điện gió, các khu nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhờ đó đã tạo được việc làm, có thu nhập cho một bộ phận người lao động ở địa phương. Giúp họ từng bước ổn định kinh tế để thoát khỏi cảnh nghèo khó vốn đeo bám họ suốt thời gian dài.

Đang ngồi lọt thỏm trên chiếc xuồng bơi vòng vuông tôm để thăm rập cua (bẫy bắt cua - PV), cạnh là cánh rừng đước bạt ngàn, gió thổi vi vu mát rượi, bỗng nhiên anh Tô Trí Dũng vội la lớn "Dính, dính rồi!" tôi quay lại thì một con cua y nhất rất khủng với cặp càng to tướng đang vùng vẫy trong chiếc rập. Anh Dũng vội vàng lôi con cua ra để trói lại, miệng tươi cười: "Hôm nay có gạo vô rồi, con này tầm 1kg hiện cũng có giá 400.000 đồng là bình thường. Vô mánh rồi. Dân xứ này là vậy, suốt ngày chỉ quanh quẩn vuông tôm lao động sản xuất. Ai cũng muốn trúng mùa, được giá để có cái ăn, cái mặc và lo cho gia đình. Vậy là phấn khởi rồi".

anh-7-nhieu-mo-hinh-kinh-te-co-hieu-qua-giup-cho-doi-song-nguoi-dan-duoc-nang-len-anh-tran-khai.jpg
Người dân ở huyện Ngọc Hiển hăng hái lao động sản xuất trong những ngày đầu xuân mới 

Tôi nhớ có lần đến địa phương công tác, anh Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân đã không giấu được cảm xúc vui mừng khi trên địa bàn có nhiều nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” tại các dự án nuôi tôm công nghệ cao và điện gió. “Trên địa bàn xã được nhà đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Tân Ân 1 và rất nhiều khu nuôi tôm công nghệ cao nên đã tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Giờ đời sống của bà con ở Tân Ân đã có bước khởi sắc. Nói chung, đường sá ở địa phương nhờ được quan tâm đầu tư nên xe ô tô có thể về tới trung tâm xã”, anh Trung chia sẻ.

Còn ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc cũng vui mừng cho biết, so với những năm trước đây thì hiện nay đời sống của người dân tiến bộ hơn nhiều. Hạ tầng đường sá được quan tâm đầu tư, xe cộ đến tận nhà. Nhờ đó, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa giao thương được thuận tiện. Nhiều tuyến đường về trung tâm huyện hiện nay đã được nâng cấp, chỉnh trang khang trang, thông thoáng. Đó chính là tiền đề, là động lực để kinh tế địa phương tiếp tục phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

4.jpg
Hạ tầng giao thông ở huyện Ngọc Hiển được đầu tư khang trang, thông thoáng

Rời huyện Ngọc Hiển tôi trở lại TP.Cà Mau nhưng trong lòng lại không muốn về, ký ức xưa lại ùa về khiến tôi chưa thể dứt khoát rời đi. Xế chiều, bên những vạt rừng đước bạt ngàn dọc theo các tuyến đường về hình ảnh những người nông dân đang cặm cụi mở cống lấy nước để chuẩn bị đêm đến xổ vuông thu hoạch cá tôm như muốn níu chân tôi ở lại. Bởi cảm giác xổ vuông, được tận mắt bắt những con tôm cá còn sống, tươi roi rói thật tuyệt vời làm sao. Huyện Ngọc Hiển giờ đã chuyển mình, có một sức sống mãnh liệt đang vươn mình bên những vạt rừng đước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức sống bên những vạt rừng đước