Sơn Tây - Quảng Ngãi được xem là huyện nghèo nhất nhì nước. Chỉ cách tỉnh lỵ chừng trăm cây số nhưng bạt ngàn rừng cau. Bao bi kịch trong từng nóc nhà của người Kadong, H’re vẫn chưa hết thổn thức. Những cái chết vu vơ tưởng chỉ có ở thuở hồng hoang vẫn chợt đến trong từng bản làng. Tất cả vì nghèo...

Chuyện buồn ‘xứ ngàn cau’

Một Thế Giới | 04/11/2014, 20:39

Sơn Tây - Quảng Ngãi được xem là huyện nghèo nhất nhì nước. Chỉ cách tỉnh lỵ chừng trăm cây số nhưng bạt ngàn rừng cau. Bao bi kịch trong từng nóc nhà của người Kadong, H’re vẫn chưa hết thổn thức. Những cái chết vu vơ tưởng chỉ có ở thuở hồng hoang vẫn chợt đến trong từng bản làng. Tất cả vì nghèo...

Trấn nghèo

Huyện miền núi Sơn Tây từ lâu được mệnh danh là ‘xứ ngàn cau’. Qua những dốc Hoắc Liên, dốc Ông Phó ngoằn ngoèo nguy hiểm từ TP.Quảng Ngãi lên; bước vào phận Sơn Tây là bạt ngàn rừng cau vàng rượi, xanh ươm trên đồi, dưới thung lũng, bên mái nhà, quanh công sở…

Chuyen buon ‘xu ngan cau’
 Những thung lũng cau. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Huyện hiện có 9 xã với hơn 5.000 hộ/18.600 khẩu, hầu hết đều nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Ở đây, người dân tộc thiểu số chiếm 89,8% dân số, trong đó người Kadong là nhiều nhất rồi đến người H’re và người Kinh. Người dân tộc thiểu số chiếm gần 100% hộ nghèo toàn huyện tính cho đến cuối năm 2013.

Có thể hình dung cái huyện nghèo như thế này: trên địa bàn huyện có 1 chợ (chợ huyện Sơn Tây), quy mô thuộc loại 3 đặt ở trung tâm huyện lỵ; 2 cửa hàng bán xăng dầu ở xã Sơn Dung và Sơn Tân; hơn 367 cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ rải rác ở các xã trên địa bàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; chỉ có 2 điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động. Về sản xuất thì không có cây trồng chủ lực, chăn nuôi thì manh mún, trồng rừng chả bao nhiêu, thủy sản càng không. Giá trị sản xuất bình quân đầu người trên địa bàn năm 2014 ước đạt 6,7 triệu đồng/1 người, tăng gần 3 triệu so với năm 2009.

Chuyen buon ‘xu ngan cau’
 Trung tâm huyện lỵ Sơn Tây. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Trung tâm huyện lỵ Sơn Tây hiện đặt tại xã Sơn Dung, giữa một thung lũng nhỏ mà không cần mất đến 10 phút để chạy lên lưng chừng dốc núi. Các trụ sở cơ quan quây quần tập trung quanh tượng đài chiến thắng Tà Mực. Đếm đủ 5 con đường nhỏ chẻ ra từ trung tâm này có người dân sống hai bên, được gọi là sầm uất; buôn bán đồ ăn uống, may mặc, điện tử, nhu yếu phẩm… Những ngôi nhà nép bên đồi phần lớn đã già nua. Vài con đường bong tróc, nham nhở từ lâu không được vá lại.

Mùa này, đất Sơn Tây ủ dột cả ngày vì mưa. Đêm ở huyện nghèo, không có gì vui hơn khi nhìn ánh đèn đường vừa được cho kinh phí lắp đặt, nhìn ra dáng thị thành lắm.

Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, rất hồ hởi khi giới thiệu với tôi về điều này. Ông nói: “Năm nay mới có kinh phí lắp được 10 km điện đường với tổng giá trị 7 tỉ đồng. Kéo được điện đường, nhân dân vui lắm, mà nhìn nó ra vẻ đô thị nữa”.

Có điện đường, thanh niên “năng” đi chơi hơn; nhưng cũng chỉ là hẹn hò ở vài quán cà phê lẻ tẻ hay ở một quán nhậu lụp xụp.

Chuyen buon ‘xu ngan cau’
 Bức tranh huyện nghèo. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Trong một quán nhỏ ở giữa trung tâm huyện lỵ mà chưa lên nổi địa danh hành chính thị tứ này, không khó để gặp người quen. Anh bạn đi cùng tôi đang công tác ở báo Quảng Ngãi, bảo: “trung tâm huyện nhỏ xíu, buổi ngày làm việc, buổi tối không ở nhà với vợ con thì anh em cũng chạy ra làm ly rượu hàn huyên mỗi khi có khách dưới thành phố lên”.

Ăn món cá niên, đặc sản sông Đakđrinh, uống ly rượu nóng, có thể được xem là cái khoái khẩu nhất ở xứ này. Qua tối, không nghe nổi một tiếng chó sủa. Thỉnh thoảng, dưới con dốc cua gầm lên tiếng rồ ga của chiếc xe máy đi công chuyện ở xã bên về muộn. Có cảm giác cuộc sống ở đây rất bình lặng và nhẹ tưng như nước sông Đakđrinh từ khi bị chặn dòng.

Câu chuyện giữa đêm mưa của chúng tôi bắt đầu từ những rừng cau…

Điêu đứng cây chủ lực

Chuyen buon ‘xu ngan cau’
 Những bản làng Kadong dưới rừng cau. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Sơn Tây là đất sinh sống chủ yếu của đồng bào Kadong. Thời xa xưa, người Kadong lấy vườn cau làm thước đo cho sự giàu nghèo. Đây là loại cau vú bò, trái dài. Tháng 7 cau ra trái, tháng 11 chín vàng khắp sườn đồi.

Xưa, cha mẹ người Kadong sinh con đã nghĩ ngay đến chuyện lập vườn cau. Của để cho con ra riêng khi dựng vợ gả chồng là những khu vườn này. Những vườn cau non nối tiếp, thay thế những vườn cau già, bạt ngàn khắp xứ.

Những người thông thạo chuyện xưa kể lại, nhiều thế kỷ trước và đến những năm đầu của thế kỷ 20, lái buôn đã lên tận những vùng sâu Sơn Tây mua khẳm cau xuôi dòng Đakđrinh xuống để cập hàng tại thương cảng Thu Xà (một thương cảng của Quảng Ngãi). Theo sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn thì thương cảng Thu Xà chỉ xếp sau Hội An nhưng hơn hẳn Tam Quan (Bình Định) với những hiệu buôn của người Hoa kiều. Cau sau khi tập trung về đây, thông qua vai trò trung gian trao đổi buôn bán của người Minh Hương được chở đi khắp trong nam ngoài bắc và cả nước ngoài. 

Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc nhập ồ ạt cau non nên thương lái tập trung lên mua sạch rồi chở qua Trung Quốc bán làm món kẹo cau mà người xứ lạnh ưa dùng. Đó là vào khoảng những năm 2005-2007.

Trái cau đã đem lại nguồn thu cho người Sơn Tây hàng chục tỉ đồng. Chính vì thế nên người Kadong trồng rất nhiều cau và phạt vạ rất nặng những ai phá hoại cau.

Thế nhưng, xứ cau nay đã khác. Nguồn cầu từ Trung Quốc vài năm nay không còn nữa, cau rớt giá thê thảm; một kilogam cau trước đây có giá 15-20 ngàn đồng thì nay chỉ còn 2 ngàn đồng.

Chuyen buon ‘xu ngan cau’
 Cây cau mất giá trị, người dân Sơn Tây chưa tìm được cây chủ lực để làm kinh tế. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Ở huyện Sơn Tây có tất cả gần 36 lò sấy cau lớn nhỏ, rãi rác ở 9 xã trong huyện. Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, một chủ lò luộc cau lớn ở xã Sơn Dung hoạt động khoảng 10 năm nay cho biết: “Trước đây trung bình mỗi ngày thu mua khoảng 3-4 tấn cau tươi; có lúc gần 100 bếp sấy của lò phải hoạt động hết công suất mới tiêu thụ hết số cau. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, thương lái Trung Quốc không nhận hàng nữa, cau ế ẩm không bán được”.

Cau rớt giá, không ai buồn hái. Thi thoảng có vài thương lái lên thu gom để tiêu thụ trong nước. Những vườn cau già úa không còn được chăm sóc. Nhiều người đã chuyển dần sang trồng keo và các loại cây rừng khác.

Huyện Sơn Tây rất buồn phải báo cáo rằng: “Trước đây, cây cau giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống nhưng hiện nay không còn giá trị và đang bị chặt phá để trồng các loại cây khác. Hiện trên địa bàn chưa có cây chủ lực để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo mà chủ yếu chỉ biết bám vào cây lúa”...
(còn nữa)
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện buồn ‘xứ ngàn cau’