Chị Hai và chị Ba sinh ra mang hình hài con trai, nhưng lại mang tâm hồn của những cô gái. Vượt qua đòn roi của mẹ cha, định kiến của xã hội, hai chị đã dần dần tìm một cuộc sống ý nghĩa và sống với chính con người thật của mình.
"Trừ thuốc phiện ra có thứ nào trên đời chị chưa thử qua, hồi còn trẻ nông nổi cứ nghĩ vậy là hay giờ nhìn lại mới thấy mình dại", chị Hai cười nghe đắng nghét. Cách đây không lâu tôi gặp chị vào một buổi chiều muộn, hôm đó chị cười rạng rỡ nhưng sâu trong ánh mắt luôn chứa đầy những nỗi buồn vấn vương.
Chị Hai tên thật Nguyễn Văn Ngà (SN 1988), em gái của chị tên là Nguyễn Văn Châu (SN 1990), nhưng người ở khu lao động này từ lâu đã quen gọi là chị Hai và chị Ba. Ông trời thiệt biết đùa với hai chị em, sinh ra mang hình hài con trai, mang cái tên con trai nhưng suốt cuộc đời chị Hai, chị Ba mải miết đi tìm cho mình cuộc sống của một người con gái.
Cu Tí, cu Lì bỏ nhà đi tìm giấc mơ con gái trước sự bất lực của cha mẹ
Trưa hôm sau tôi tìm đến nhà chị Hai. Vừa xuống cầu ông Thìn, tôi hỏi thăm vài người dân nhà của ông Sáu bán chuối, một người đàn bà trung niên ra vẻ nhanh nhẹn chỉ:"À nhà hai đứa bê đê phải không? Ở trong này nè, đi thêm 200m nữa là tới".
Được bữa nghỉ chợ, ông Sáu (cha của chị Hai) không phải tất bật chạy ngược chạy xuôi đi lấy chuối về nấu. Ngả lưng trên chiếc ghế gỗ, ông trầm ngâm nói với tôi:"Con biết không, có bữa chú buồn, tự nhiên khóc. Vợ chồng có mỗi hai cậu con trai, đặt hết hy vọng vào hai đứa. Vậy mà... tụi nó lại muốn làm con gái!". Tiếng ông Sáu nghèn nghẹn.
Ông Sáu chỉ lên hình ngày xưa của các con rồi nói: "Hồi đó là con trai nheo nhẻo, chứ có phải con gái đâu!".
Hồi còn nhỏ, ông Sáu gọi chị Hai, chị Ba là cu Lì và cu Tí. Cu Lì khi còn bé đã không thích những trò chơi của con trai, chỉ thích điệu đà và làm đẹp. Lớn lên một chút Lì cùng với mấy đứa nhóc trong xóm đi bán vé số, vé dò để dành tiền mua son phấn, váy đầm. Ở nhà thì mặc đồ con trai, nhưng ra đường là trang điểm mặc đồ con gái.
Có hôm, ông Sáu hớt hải về nói với vợ:"Bà coi con mình nó ra đường làm bê đê kìa!". Bà Sáu xua tay:"Làm gì có, con tui tui biết mà!". "Bà cứ bênh con đi, mai mốt lớn lên nó làm bê đê rồi bà đừng có hối hận"- ông Sáu giận tím mặt.
Càng lớn, cu Lì càng thể hiện rõ xu hướng giới tính của mình, ông Sáu tức không nói thành lời. Ông đem quần áo con gái đốt sạch, son phấn giấu ở đâu cũng bị đem ra đập nát. Ông đánh con, càng thương càng đánh. Ông xích con lại, không cho giao du với tụi con nít trong xóm nữa. Ông không muốn con mình làm bê đê.
Nhưng, càng đánh cu Lì càng lì, càng khao khát trở thành con gái. Mọi chuyện gần như trở nên tuyệt vọng khi ông Sáu nhận ra cả cậu con trai út của mình - cu Tí cũng muốn làm con gái. Ông chẳng biết đã làm gì sai, mà sao ông trời thử thách gia đình mình nhiều đến thế. Ngày cu Lì bỏ nhà đi, vợ chồng ông Sáu thẫn thờ như mất đi một nửa sinh mạng.
Mất hết tất cả, nhưng vẫn còn gia đình
Từ ngày đó, chị Hai theo đoàn hát đi hát trong đám tiệc, chị tập xiếc lửa, nhai lưỡi lam... bất chấp nguy hiểm để có thể nuôi sống bản thân và giấc mơ con gái. Bước ra đời từ khi còn quá trẻ, chị Hai không ít lần dại dột nghe theo lời bạn bè lao vào những cuộc vui không lối thoát. Và rồi chị ngã, đau điếng.
Chị Hai trở về nhà, ông bà Sáu thương con đứt từng khúc ruột. Họ nuốt nước mắt bán đi ngôi nhà thân thương gắn bó bao nhiêu năm để có tiền giúp con vượt qua những khó khăn của cú vấp ngã đầu đời. Cả nhà dời về vùng ngoại ô sống một cuộc sống bình dị, không vướng bận xô bồ của thành thị.
"Đến khi mất tất cả, chị mới nhận ra không ai thương chị nhiều bằng ba mẹ. Ba mẹ từng đánh, chửi mắng vì không muốn chị làm con gái, nhưng tất cả là vì thương con. Và dù tất cả mọi người quay lưng với chị, thì ba mẹ chưa một lần ruồng bỏ chị. Ông trời lấy đi của chị rất nhiều thứ, nhưng bù lại chị có ba mẹ luôn yêu thương vô điều kiện"- chị Hai lặng lẽ.
Năm tháng trôi qua, ông bà Sáu dần chấp nhận con người thật của chị hai, chị ba. Bởi bà Sáu nói:"Làm hết cách rồi mà anh em nó vẫn muốn làm con gái, thì biết sao bây giờ". Mấy cha con ít khi nói chuyện với nhau, nhưng có lần ông Sáu tâm sự với chị Hai:"Lì à! Anh em họ hàng người ta cưới hết rồi, chừng nào ba mới được cầm tấm thiệp cưới đi mời người ta. Chừng nào ba mới được ẵm một đứa cháu!?...".Đôi khi hỏi chỉ là để hỏi vậy thôi.
Hai chị em ít khi chia sẻ những chuyện cá nhân của nhau. Vì cùng chung một số phận, nên hiểu bản thân rất dễ tổn thương.
Nói về chuyện tình duyên, chị Hai nửa đùa nửa thật giải thích vì hồi trẻ từng phụ tấm chân tình của một người đàn ông, nên chuyện tình duyên của chị lận đận lắm. 3 lần 7 lượt chị Hai tìm đến cái chết cũng vì tình yêu. Người đàn ông mà chị hết lòng yêu thương đến cuối cùng cũng rời xa chị để đi cưới một người con gái đúng nghĩa.
"Biết tin người yêu đi lấy vợ, chị chạy ra cầu nhảy xuống sông tự tử, nhưng được mấy anh thợ hồ gần đó cứu sống. Ngồi buồn, lấy dao cắt tay, đâm điếu thuốc đang cháy lên da thịt của mình, nước mắt chị chảy nhưng tất cả những vết đau đó không bằng vết đau trong tim"- nhìn vào những vết sẹo chi chít trên da thịt, chị Hai vừa buồn vừa giận bản thân.
Chị nói:"Ông trời sinh ra nam là để đi với nữ. Còn bê đê tụi chị chỉ đi một mình trên con đường riêng, cho đến chết cũng chỉ đi một mình...".
"Nếu còn cơ hội, chị muốn làm một người phụ nữ!"
Ông Sáu đã không gọi cu Lì, cu Tí nữa mà gọi là bé Hai, bé Ba.
Đầu năm ngoái ông bà Sáu bỏ vốn ra cho chị Hai bán sữa đậu nành. Nhưng bán buôn ế ẩm, chị Hai bắt đầu nản. Nhất định không để cho con gái nản chí, ông Sáu khuyến khích chị tiếp tục cố gắng, vạn sự khởi đầu nan mà. Rồi chị Hai thử chuyển sang bán gà bó xôi, xôi chiên. Chuyển món mới thấy tình hình có vẻ khả quan hơn, cả nhà ai cũng mừng.
Sau rất nhiều thăng trầm, giờ đây cuộc sống của gia đình ông bà Sáu đã bình yên hơn. Dù không ít lần vẫn nghe người ngoài lời to tiếng nhỏ xì xầm chuyện ông bà có hai đứa con bê đê."Miệng lưỡi thế gian mà em! Miễn là ba mẹ luôn hiểu và thương hai chị em chị là đủ rồi"- chị Hai tâm sự.
Mỗi buổi chiều cả nhà lại cùng nhau vào trung tâm thành phố để buôn bán đến tối mịt. Ông bà Sáu bán chuối, chị Hai bán xôi còn chị Ba bán bánh, mỗi người một việc nhưng hễ rảnh rỗi thì ông bà Sáu lại tranh thủ phụ hai cô con gái.
Chị Hai cười bảo:"Chị chỉ mong người ta đừng nhìn vào giới tính của chị mà thương hại. Chỉ cần mọi người đến ăn xôi, thấy ngon thì lần sau ghé lại ủng hộ chị là chị vui lắm rồi".
Cả nhà cùng nhau mưu sinh giữa thành phố.
Ông bà Sáu cũng đã lớn tuổi, chị Hai chị Ba cũng chỉ mong bán buôn khá khẩm chút xíu để ba má không phải vất vả sớm hôm. Đêm xuống, bóng tối trải dài trên những con đường đông nghẹt, chị Hai ngồi lặng lẽ một góc lấy điếu thuốc đưa lên miệng:"Cuộc đời chị phạm phải nhiều sai lầm rồi. Nếu còn cơ hội chị muốn làm một người con gái! Muốn trả hiếu cho ba mẹ, nhưng... còn kịp không em?". Khói thuốc bay vô định rồi biến tan vào hư không.