Mới đây, bộ kế hoạch và đầu tư đề xuất phương án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và gặp phải phản ứng trái chiều của dư luận. Xung quanh vấn đề này, duyên dáng việt nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế phạm chi lan.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Dùng ngân sách xử lý nợ xấu là không công bằng”

DDVN | 20/10/2016, 05:31

Mới đây, bộ kế hoạch và đầu tư đề xuất phương án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và gặp phải phản ứng trái chiều của dư luận. Xung quanh vấn đề này, duyên dáng việt nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế phạm chi lan.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là hơn 79.600 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỉ đồng xử lý nợ xấu năm 2014.Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua. Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỉ đồng nợ xấu. Con số này thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015. Như vậy, việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua mang lại hiệu quả không cao.

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây có thông tin rằng nhiều nước phải chi tới 10-15% GDP để xử lý nợ xấu, bà nghĩ sao về sự so sánh này?

- Chuyên gia Phạm Chi Lan:Đúng là trên thế giới có những quốc gia đã dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Ví dụ như Mỹ cũng từng có thời điểm như vậy. Tuy nhiên, bản chất việc Mỹ dùng ngân sách để giải cứu doanh nghiệp khác với của chúng ta.

Khi Mỹ có chấp nhận bỏ ra một phần ngân sách để xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, công ty để họ sống lại, Mỹ đã đưa ra các hỗ trợ đó như một khoản cho vay có điều kiện và rõ ràng về thời gian hoàn trả. Lúc đó quy định 3 năm phải hoàn trả nhưng chỉ 2 năm sau thì các công ty đã trả hết nợ cho Chính phủ. Chính phủ Mỹ đứng ra giúp họ sống lúc đó bởi quy mô của họ quá lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế quốc gia nếu họ sụp đổ. Tất nhiên là các doanh nghiệp này có đủ khả năng sống lại, phục hồi được và Chính phủ cũng có cơ chế giám sát chặt chẽ để họ có thể sớm trả lại. Còn Việt Nam thì đã có tiền lệ trong bao nhiêu năm nay là hỗ trợ giải quyết nợ nần, thua lỗ cho các doanh nghiệp Nhà nước không biết bao nhiêu lần rồi. Nào là khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ luôn chứ có doanh nghiệp nào trả lại tiền cho Nhà nước đâu.

Mặt khác, những doanh nghiệp đang thua lỗ ở Việt Nam cũng không quá quan trọng đến mức mà họ phá sản thì kinh tế điêu đứng. Cho nên hoàn toàn không nên đặt vấn đề giải cứu họ làm gì. Hơn nữa, quy mô thua lỗ, nợ nần của Việt Nam rất lớn và ở nhiều ngành khác nhau chứ không phải tập trung ở một vài đơn vị nào.

- Như vậy, có lẽ bà không ủng hộ đề xuất dùng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu như trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra?

- Đúng vậy, tôi không ủng hộ đề xuất này. Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ triền miên và được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn không thay đổi. Lẽ ra khi có cảnh báo họ phải thực hiện cải cách, cơ cấu lại nhưng họ vẫn lần chần để bám vào ngân sách mãi, vì họ biết ngân sách lúc nào cũng chìa tay ra với họ. Kinh tế hiện nay cũng đang rất khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng mà còn bỏ tiền ngân sách ra để hỗ trợ cho một số người mà bỏ qua những người khác. Như vậy là không công bằng.

- Vậy theo bà, đâu là giải pháp cho vấn đề nợ xấu hiện nay?

- Cần phải minh bạch hóa các khoản nợ ra, cho phép bán nợ xấu đó. Đã bán thì không thể bán với giá cao được nhưng phải chấp nhận. Nhà nước cũng không có tiền mà chi thêm cho VAMC đâu, ngân sách cũng rất hạn hẹp mà đủ thứ phải chi. Kênh VAMC ý tưởng ban đầu thì tốt, nhưng không thực hiện hữu hiệu được. Khi vay ngân hàng có thế chấp tài sản, nhưng khi VAMC muốn bán tài sản gắn với nợ xấu đó đi thì không bán được vì thủ tục rất lằng nhằng. Tài sản gắn với khoản nợ không thật rõ, khả năng thương mại hóa là khó tính toán nên đây cũng là một khó khăn cho VAMC. Có nợ thì anh phải bán tài sản đi mà trả nợ, bán không đủ thì chấp nhận phá sản. Đây cũng là một cách làm sòng phẳng, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp Nhà nước không đáng giữ làm gì nữa.

Chẳng qua họ muốn bám giữ là vì lợi ích riêng, cứ muốn bám mãi vào bầu sữa ngân sách Nhà nước. Họ sống gửi, sống ký thác, bắt bao nhiêu người dân è cổ ra nuôi họ. Nhà nước cũng cứ vương vấn họ, hoặc một số đơn vị liên quan cũng có lợi ích ở đó, còn thua thiệt là ngân sách thua thiệt, người dân đóng thuế thiệt. Cho các doanh nghiệp này phá sản đi và cần thiết thì truy cứu trách nhiệm đối với những người đứng đầu. Doanh nghiệp thì lỗ mà bản thân người lãnh đạo doanh nghiệp thì giàu sụ. Tham nhũng là ở đó chứ đâu. Bây giờ thì cần phải dứt khoát chứ đất nước này không thể nuôi mãi được đâu.

Hoàng Long/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Dùng ngân sách xử lý nợ xấu là không công bằng”