Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách (Tổ chức Oxfam) cho rằng dự thảo Luật về Hội có quá nhiều điểm bất cập, nếu thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ là một… bước lùi.

Chuyên gia Phạm Quang Tú: ‘Dự thảo Luật về Hội là một bước lùi, nên hoãn thông qua’

Trí Lâm | 26/10/2016, 13:14

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách (Tổ chức Oxfam) cho rằng dự thảo Luật về Hội có quá nhiều điểm bất cập, nếu thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ là một… bước lùi.

Quá nhiều bất cập

- Được biết, ông là một trong những chuyên gia không ủng hộ việc thông qua dự thảo Luật về Hội lần này. Xin ông cho biết lý do?

- Ông Phạm Quang Tú: Theo tôi, dự thảo luật đề ngày 10.10.2016 còn có quá nhiều điểm bất cập, thể hiện đã không tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hộicũng như các chuyên gia trong thời gian qua, cụ thể:.

Dự thảo luật này không tuân thủ quan điểm về quyền lập hội đã được quy định tại Hiến pháp 2013. Điều 25 của Hiến pháp quy địnhcông dân Việt Nam có quyền lập hội trong khi dự thảo lại quy định người Việt Nam ở nước ngoài không có quyền lập hội.

Cần phải khẳng định lại chủ trương của Nhà nước Việt Nam rằng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn là công dân của Việt Nam. Hơn thế nữa họ còn là “máu thịt” và là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Do đó, việc không đồng ý cho họ được lập hội, tham gia hội là đi ngược với tinh thần của Hiến pháp.

Dự thảo này cũng chưa tuân thủ cam kết Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Công ước này quy định rõ ràng rằngtất cả mọi người đều có quyền được lập hội và tham gia hội. Nếu chúng ta quy định người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam không được tham gia hội và lập hội là đi ngược lại công ước mà chúng ta đã ký kết.

Dự thảo ngày 10.10 cũng không bám sát thực tiễn cuộc sống về hội của người dân. Trên thực tế hiện nay, có 2 loại hình hội, đó là các hội có đăng ký tư cách pháp nhân và hội không có đăng ký tư cách pháp nhân đang tồn tại và hoạt động trong xã hội Việt Nam.

Theo thống kê, có khoảng trên 300.000 các hội không đăng ký tư cách pháp nhân đang hoạt động. Các dự thảo trước đây, chúng ta đã công nhận các hội này nhưng trong dự thảo mới nhất lại cho rằng tất cả các hội đều phải đăng ký và chỉ hội nào đăng ký mới được công nhận tư cách pháp nhân. Điều đó không phản ánh đúng bản chất của hội cũng như đời sống hiệp hội của người dân hiện nay.

Cùng với đó, thủ tục thành lập hội vẫn theo cơ chế xin cho, mang nặng tư tưởng quản lý, siết chặt trong thành lập hội, đi ngược lại với xu hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo cơ chế tự chịu trách nhiệm của hội trong hoạt động của họ.

Ngoài ra, một điều gây phản ứng nữa là khoản 5, điều 8 trong dự thảo luật quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Điều này đã đi ngược lại với những quy định trước của chúng ta.

Với một số hạn chế như vậy nên tôi đề xuất chưa thông qua dự thảo Luật về Hội trong kỳ họp Quốc hội lần này.

- Xin ông cho ý kiến cụ thể hơn về quy định tại khoản 5, điều 8 của dự thảo luật?

- Ông Phạm Quang Tú:Tất cả các quy định từ Hiến pháp trở đi đều nói rằng Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước, huy động mọi nguồn lực để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nếu chúng ta không cho các hội nhận tài trợ thì chúng ta đã đi ngược với xu thế hội nhập mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai trong vòng 30 năm nay.

Hơn nữa, quy định này cũng mâu thuẫn với một số quy định trong chính dự thảo Luật về Hội, điển hình là quy định tại điều 5 về “nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội”, theo đó, hội phải tự trang trải kinh phí cho hoạt động của mình.

Tại rất nhiều hội thảo, cơ quan quản lý nhà nước vẫn luôn nói rằng cần giảm bao cấp cho các hội. Điều lo lắng của các địa phương là cứ mỗi hội thành lập thì lại xin kinh phí, xin biên chế nên họ rất ngại cho thành lập hội. Thế nên quy định hội phải tự trang trải kinh phí hoạt động là hoàn toàn phù hợp.

Thế nhưng, tại điều 8 lại quy định hội không được nhận tiền của các tổ chức nước ngoài thì hóa ra một mặt Nhà nước cắt giảm kinh phí, một mặt không cho họ huy động kinh phí từ bên ngoài thì rõ ràng chúng ta đang cắt đi đường sống của hội.

- Như vậy, đây là một bước lùi của dự thảo Luật về Hội?

- Ông Phạm Quang Tú:Có thể xem đây là một bước lùi của Luật về Hội. Theo thời gian, đây là dự thảo lần thứ 4 mà tôi được tiếp cận. Dự thảo đầu tiên được trình ra vào tháng 6.2015 do Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến. Sau đó, tháng 11.2015, dự thảo thứ 2 được Quốc hội thảo luận tại hội trường. Dự thảo mới vào tháng 9.2016 đã tiếp thu ý kiến của Quốc hội và đưa ra tiếp tục thảo luận. Dự thảo mới nhất là vào ngày 10.10 vừa rồi.

Trong 3 dự thảo trước, dự thảo đầu tiên có rất nhiều bất cập. Tuy nhiên, sau đó Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, nhà khoa học và nhân dân vì thế đến dự thảo tháng 9.2016 đã có những bước tiến, những độ mở rõ rệt bởi được rất nhiều tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các đại biểu quốc hội… đồng tình.

Tuy nhiên, đến dự thảo ngày 10.10 thì lại quay lại như ban đầu, xóa đi rất nhiều đóng góp được cho là tốt từ trước đến nay, thậm chí chất lượng còn tệ hơn cả dự thảo lần đầu tiên vào tháng 6.2015 với quy định không cho liên kết, nhận tài trợ đối với các tổ chức nước ngoài.

Tiến tới xóa bỏ bao cấp cho MTTQ và các tổ chức, đoàn thể

- Về đối tượng áp dụng, theo ông, những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên… có nên chịu điều chỉnh bởi Luật về Hội hay không? Vì sao?

- Ông Phạm Quang Tú:Đây là điều khá tế nhị trong bối cảnh chính trị của Việt Nam. Từ trước đến nay khi đi giao lưu, chia sẻ quốc tế chúng ta đều tự hào cho rằng Việt Nam có đời sống hiệp hội phát triển mạnh mà điển hình là hệ thống của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhưHội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Vì thế, theo tôi, một lần nữa chúng ta cần phải khẳng định họ là hội và nên được đưa vào là một đối tượng của luật.

Tuy nhiên, sau định nghĩa, luật nên phân ra các nhóm hội khác nhau. Đoàn thể được xếp vào loại hội được thành lập trên cơ sở đặc thù và nhu cầu của Nhà nước, có sứ mạng về chính trị.

Nhóm thứ 2 là hội do người dân thành lập và, có tư cách pháp nhân.

Nhóm thứ 3 là hội do người dân thành lập nhưng không có nhu cầu đăng ký tư cách pháp nhân. Việc tách ra 3 nhóm hội như thế này sẽ giúp cho những quy định về sau được dễ dàng hơn. Theo đó, các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể khác có luật riêng của họ nên họ không bị điều chỉnh bởi luật này, mà sẽ có luật chuyên ngành điều chỉnh. Tóm lại, khẳng định họ là hội, nhưng không bị điều chỉnh bởi các quy định cụ thể của luật này mà là những luật chuyên ngành khác.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… nếu đã xem là hội thì phải tự chủ về tài chính, ngân sách nhà nước sẽ không phải bao cấp. Trong dự thảo Luật về Hội cũng có quy định các hội phải tự chủ về tài chính. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ông Phạm Quang Tú:Về nguyên tắc thì hội phải tự trang trải tài chính. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Phát triển, mỗi năm phải dành 14.000 tỉ đồng ngân sách cho các hội. Tuy nhiên, con số này mới chỉ dành cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng với 6 tổ chức chính trị, chưa kể các hội đặc thù nên con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Ngoài chi phí trực tiếp rót từ ngân sách hàng năm như vậy còn có chi phí cơ hội, lên đến 68.000 tỉ đồng. Con số này là quá lớn trong khi chưa có ai đánh giá hiệu quả hoạt động của những tổ chức này.

Do đó, thời gian tới cần có những đánh giá trực tiếp, lượng hóa hiệu quả của những tổ chức này. Cần phải minh bạch giải trình hơn nữa. Cá nhân tôi nhận thấy việc chi ngân sách cho các tổ chức này là quá nhiều và hiệu quả chưa tương xứng, cần phải đánh giá lại một cách kỹlưỡng.

Cần thông thoáng trong thủ tục

- Thưa ông, như ông nói, có nhiều hội được rót ngân sách rất lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa có đánh giá cụ thể, trong khi đó, rất nhiều hội gặp khó khăn trong thủ tục thành lập hội. Ý kiến của ông thế nào?

- Ông Phạm Quang Tú:Tôi cũng không ủng hộ việc Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động của các hội. Người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, cơ quan chức năng chỉ cần xem điều lệ hoạt động của các hội có vi phạm pháp luật không mà thôi, nếu không vi phạm thì không cần phải cấm.

Thủ tục thành lập hội hiện nay khá rườm rà, đó là do tư tưởng quản lý. So sánh với việc thành lập doanh nghiệp trước đây, khi thành lập doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta cũng rất lo sợ rằng nếu doanh nghiệp mà không do nhà nước thành lập sẽ lũng đoạn kinh tế. Do đó, một thời kỳ dài có rào cản, kỳ thị rất lớn trong việc thành lập doanh nghiệp tư nhân. Sau này chúng ta mới nhận thức được doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất lớn cho kinh tế - xã hội, nhà nước chỉ cần tạo ra luật chơi để họ chơi thôi thì sẽ có hiệu quả rất tốt.

Đến bây giờ thì thủ tục thành lập doanh nghiệp về cơ bản đã khá thông thoáng thì chúng ta lại giẫm phải vết xe đổ trong việc thành lập hội của người dân. Chúng ta cũng lo nếu không có nhà nước thì các hội gây rối loạn nên tăng cường kiểm soát một cách không cần thiết.

Chúng ta đã có bài học và phải trả giá rất nhiều trong việc phát triển doanh nghiệp nên phải rút kinh nghiệm trong việc thành lập hội. Do đó, cần tạo hành lang pháp lý thật thông thoáng cho các hội được thành lập và hoạt động.

Theo tôi, hội chỉ cần đăng ký hoạt động là được, tự họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những hoạt động của họ. Cuộc sống của con người luôn luôn có hai khía cạnh: Vật chất và tinh thần. Ở một góc độ nào đó, cuộc sống vật chất đã được cải thiện đáng kể thông qua việc cho phép thành lập các công ty tư nhân, còn khía cạnh về tinh thần thì cần phải thông thoáng cho các hội thành lập. Chúng ta rất cần đến điều đó.

- Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Phạm Quang Tú: ‘Dự thảo Luật về Hội là một bước lùi, nên hoãn thông qua’