Trong nhà tù Hồng Sơn ở TP.Vũ Hán có một phạm nhân đặc biệt. Người đàn ông cao 1,8m này từng là tỉ phú nổi tiếng: Mâu Kỳ Trung, nguyên chủ tịch Tập đoàn kinh tế Nam Đức. Các bạn tù tin rằng ngày Mâu Kỳ Trung ra tù sẽ có hàng trăm cơ quan báo chí cùng vài chục doanh nhân săn đón. Nhưng ngày ấy có lẽ còn lâu lắm mới đến…

Chuyện trong tù của tỉ phú Mâu Kỳ Trung

10/10/2016, 06:03

Trong nhà tù Hồng Sơn ở TP.Vũ Hán có một phạm nhân đặc biệt. Người đàn ông cao 1,8m này từng là tỉ phú nổi tiếng: Mâu Kỳ Trung, nguyên chủ tịch Tập đoàn kinh tế Nam Đức. Các bạn tù tin rằng ngày Mâu Kỳ Trung ra tù sẽ có hàng trăm cơ quan báo chí cùng vài chục doanh nhân săn đón. Nhưng ngày ấy có lẽ còn lâu lắm mới đến…

Mâu Kỳ Trung bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Mâu Kỳ Trung sinh tháng 6.1941 tại huyện Vạn thuộc tỉnh Tứ Xuyên (nay là khu Vạn Châu thuộc TP.Trùng Khánh). Từ nhỏ Mâu được học hành tử tế, có tham vọng chính trị và đã tốt nghiệp đại học.

Năm 1975, khi còn là công nhân, Mâu Kỳ Trung đã tổ chức thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin” đồng thời viết một bản vạn ngôn thư “Trung Quốc đi về đâu?”. Với tội danh phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, Mâu Kỳ Trung bị kết án tử hình.

May mắn là sau đó nhà nước Trung Quốc thực hiện cải cách dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, vụ án Mâu Kỳ Trung được xét lại. Mâu được ân xá và phóng thích vào năm 1979 sau 4 năm ngồi tù. Từ đó, Mâu dẹp ảo vọng làm chính trị và bắt đầu chuyển mục tiêu sang kinh doanh thương mại.

Mâu Kỳ Trung lúc còn làm chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Đức

Từ tử tù chính trị đến ngôi vị tỉ phú

Sau khi ra tù, Mâu Kỳ Trung nhận thức rằng Trung Quốc cần phải phát triển kinh tế hàng hóa. Năm 1980, chỉ với 300 nhân dân tệ, Mâu Kỳ Trung thành lập Phòng Dịch vụ tín thác mậu dịch Giang Bắc tại Vạn Huyện. Mâu liên kết với những người có tay nghề cao chế tạo đồng hồ để đưa đến tận Thượng Hải tiêu thụ. Đây là hình thức kinh doanh mới phát triển nên Mâu kiếm được khá nhiều tiền lời, bắt đầu tích lũy vốn để phát triển lớn hơn.

Tháng 9.1988, Mâu Kỳ Trung thành lập Tập đoàn kinh tế Nam Đức tại khu Khai Phát thuộc TP.Thiên Tân.

Năm 1989, Mâu Kỳ Trung là nhà doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên được mời đi dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ). Diễn đàn Davos đã đem lại vận may cực lớn cho Mâu Kỳ Trung. Tại đây, Mâu biết được một nguồn tin cực kỳ quan trọng: Liên Xô đang đối mặt với thảm họa tan rã, dự định bán tống bán tháo một lô máy bay hàng không dân dụng Tu-154.

Mâu Kỳ Trung nghiên cứu tình hình thương mại Liên Xô một cách khá hệ thống. Lúc ấy Liên Xô đang rất thiếu các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ và thực phẩm. Trong khi đó, Trung Quốc lại tồn số lượng rất lớn sản phẩm công nghiệp nhẹ.

Mâu quyết định hướng làm ăn là “hàng đổi hàng”. Tuy Tập đoàn Nam Đức của Mâu Kỳ Trung không có quyền mậu dịch đối ngoại và quyền kinh doanh hàng không, nhưng bằng tài miệng lưỡi của mình, Mâu đã móc nối với Cơ quan Hàng không dân dụng Tứ Xuyên, lấy danh nghĩa cơ quan hàng không quốc gia này để thực hiện phi vụ giao dịch.

Mâu Kỳ Trung cho thu gom sản phẩm đồ hộp và áo da được đến 500 xe để đổi lấy lô máy bay hàng không dân dụng T-154 của Bộ Công nghiệp hàng không Liên Xô. Mâu Kỳ Trung đã “chạy” được nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài để làm địa điểm hội kiến đối tác. Phi vụ làm ăn này đã thành công ngoài mức mong đợi, Mâu Kỳ Trung đã kiếm được gần 1 tỉ nhân dân tệ, được chọn là “Nhân tài trong thời kỳ đổi mới”.

Mâu Kỳ Trung trên Vạn lý trường thành

Tên tuổi Tập đoàn Nam Đức ngày càng vang xa, Mâu Kỳ Trung liên tiếp thực hiện nhiều phi vụ kinh doanh “nửa đen nửa trắng” thành công. Năm 1992, Mâu công bố tài sản của mình là 2 tỉ nhân dân tệ, được gọi là “Người giàu nhất Trung Quốc”.

Ngày 28.12.1993, Tập đoàn Nam Đức của Mâu hợp tác với Nga phóng thành công vệ tinh chuyển tiếp sóng truyền hình mang tên Hàng Hướng số 1. Từ đó trở đi, Tập đoàn Nam Đức bắt đầu thực hiện hàng loạt phi vụ phóng vệ tinh.

Tháng 2.1995, tạp chí Forbes bình chọn Mâu Kỳ Trung vào danh sách “Tỉ phú hàng đầu thế giới năm 1994”, “Tỉ phú xếp thứ 4 toàn Trung Hoa đại lục”. Cũng trong năm ấy, tạp chí Tài phú của Trung Quốc xếp Mâu Kỳ Trung vào hạng “Siêu tỉ phú Trung Hoa đại lục”, “Nhà doanh nghiệp dân doanh số 1 Trung Quốc”.

Những dự án điên cuồng

Mâu Kỳ Trung cũng là tác giả của nhiều dự án, kế hoạch kinh doanh “vĩ đại” mà nhiều người nghi ngờ về tính khả thi cũng như mức độ tin cậy như “Khai thác Siberia”, “Công trình cày mây gọi mưa trên Hymalaya”...

Năm 1993, Mâu Kỳ Trung cho biết sẽ đầu tư 17 triệu nhân dân tệ tại Mãn Châu gần vùng biên giới Trung - Nga. Mục tiêu là thiết lập và khai thác cửa khẩu biên mậu, xây dựng một kho hàng miễn thuế và thúc đẩy nối thông đường bộ giữa Nga và Trung Quốc.

Năm 1994, Mâu Kỳ Trung đề xuất phương án xẻ trên đỉnh dãy Himalaya một cửa thung lũng rộng 50km và sâu hơn 2.000m để dẫn lưu hơi ẩm nóng từ Ấn Độ Dương lùa tới khu vực Tây Bắc khô hạn quanh năm của Trung Quốc, biến thành nơi mưa thường xuyên (?).

Mâu Kỳ Trung còn đề xuất phương án dùng kỹ thuật nổ định hướng trong núi Hoành Đoạn xây một đập lớn chắn ngang, có thể dẫn vào một lượng nước tưới tiêu 201,7 tỉ m3, tăng bốn lần so với lượng nước sông Hoàng Hà (?).

Năm 1996, khi tiếp một nhà báo Mỹ, Mâu Kỳ Trung đã “nổ” là muốn đầu tư và tham gia thị trường chứng khoán Mỹ. Trong một hội nghị khác, Mâu Kỳ Trung tuyên bố sẽ thiết lập tại nước ngoài hai ngân hàng thương mại, 20 công ty chứng khoán, 30 cảng Nam Đức và tuyển dụng 250 chuyên gia thiết kế tiền tệ.

Mâu Kỳ Trung ra tòa sơ thẩm

Vua lừa đảo tín dụng

Năm 1995, nhà nước Trung Quốc thắt chặt vòng quay tiền tệ trên thị trường. Trong khi đó, Tập đoàn Nam Đức đang khai triển phóng vệ tinh thương mại nên cần số lượng vốn rất lớn. Dính một đòn quá nặng, Mâu Kỳ Trung như ngồi trên lửa, liên tiếp mở các cuộc họp nhân viên quản lý các cấp để kiếm mọi cách tìm nguồn vốn. Tình cảnh ngày càng bi đát.

Khi công việc chế tạo vệ tinh Hàng Hướng số 3 sắp hoàn thành và chuẩn bị phóng lên quỹ đạo, Tập đoàn Nam Đức phải thanh toán mấy triệu USD tiền công cho cơ quan phóng vệ tinh của nước ngoài. Lúc này, đây là số tiền quá lớn so với khả năng tài chính của Nam Đức. Mâu Kỳ Trung thực sự bị dồn vào bước đường cùng.

Tháng 8.1996, cơ quan công an khi tiến hành điều tra vụ lừa đảo tín dụng đối với công nghiệp nhẹ tỉnh Hồ Bắc đã phát hiện tiền vốn được tài trợ liên quan chặt chẽ với phi vụ lừa đảo của Mâu Kỳ Trung và Ngân hàng giao dịch Quý Dương.

Ngày 7.1.1999, Mâu Kỳ Trung bị cơ quan công an TP.Vũ Hán bắt giam vì tội lừa đảo tín dụng cùng với Mâu Thần, Mâu Ba, Diêu Hồng, Hạ Tông Vĩ.

Ngày 30.5.2000, vụ án lừa đảo tín dụng gây chấn động toàn Trung Quốc này được Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Vũ Hán đưa ra xử sơ thẩm.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 1995 đến 1996, Mâu Kỳ Trung đã lừa Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc (China Bank) chi nhánh Hồ Bắc mở 33 tờ khai tín dụng. Bằng thủ đoạn nhập khẩu khống hàng hóa thông qua ngành công nghiệp nhẹ tỉnh Hồ Bắc, Tập đoàn Nam Đức thu lợi bất chính hơn 620 triệu nhân dân tệ (75 triệu USD), gây tổn thất cho ngân hàng hơn 35,4 triệu USD. Mâu Kỳ Trung bị kết án tù chung thân và bị tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời. Tập đoàn Nam Đức bị phạt 5 triệu nhân dân tệ.

Mâu Kỳ Trung kháng cáo. Ngày 22.8.2000, Tòa án nhân dân cao cấp tỉnh Hồ Bắc xử chung thẩm vụ án Mâu Kỳ Trung đã giữ nguyên phán quyết sơ thẩm. Mâu chính thức vào tù ngày 1.9.2000.

Nhiều ý kiến cho rằng Mâu Kỳ Trung thực ra là nạn nhân của chính sách kinh tế ấu trĩ và sai lầm trong thời kỳ đổi mới và Mâu cần được xem như người anh hùng, chiến sĩ tiên phong trong nền kinh tế hàng hóa tự do. Tháng 9.2003, từ hình phạt tù chung thân, Mâu Kỳ Trung được giảm xuống mức án 18 năm tù giam.

Chứng nhận cổ phần của Tập đoàn Nam Đức do Mâu Kỳ Trung ký

Đời sống của “tỉ phú trong tù”

Một phần ba cuộc đời của Mâu Kỳ Trung là ở trong tù. Từ một tỉ phú từng có trong tay 2 tỉ nhân dân tệ, bây giờ trắng tay. Hai đứa con lưu lạc ở nước ngoài, người vợ thứ hai đã bỏ Mâu để sang Mỹ. Tuy vậy, Mâu Kỳ Trung vẫn rất lạc quan, dậy từ 5 giờ sáng tập chạy, dành thời gian giao lưu với bạn tù, đọc sách báo và viết lách về các vấn đề kinh tế, chính luận. Mỗi ngày Mâu viết đến 12 tiếng, bản thảo đến nay đã có đến hàng triệu chữ.

Mâu thường nói “phải đọc để giữ cho đầu óc không bị lão hóa”. Bạn tù nhận xét Mâu là “cơ thể ở tuổi 70 mà quả tim ở tuổi 30” và tôn trọng gọi là “ông Mâu”. Buổi tối, Mâu luôn tắm nước lạnh cho dù mùa đông rét lạnh lẽo. Mỗi tuần, tiêu chuẩn được ăn hai bữa thịt nhưng Mâu kiên quyết không ăn, gọi là để “nuôi dưỡng thể phách”. Cao 1,8m, trước đây có biểu hiện béo phì, 10 năm trong tù Mâu Kỳ Trung đã cố gắng giữ trọng lượng cơ thể ở mức 85kg.

Mâu Kỳ Trung tuy ở trong tù nhưng danh tiếng vẫn còn đình đám ngoài chốn “giang hồ”. Có một phạm nhân tên Đường Vạn Tân cũng từng là chủ doanh nghiệp dân doanh được xếp vào hạng lớn nhất Trung Quốc, bị bắt vào năm 2007. Cũng như nhiều nhà doanh nghiệp khác, Đường Vạn Tân rất kính nể Mâu Kỳ Trung với chiêu thức “lấy đồ hộp đổi máy bay” năm nào.

Một hôm Đường Vạn Tân xin cán bộ trại giam cho diện kiến Mâu Kỳ Trung. Khi gặp nhau, Vạn Tân niềm nở chào hỏi còn Mâu thì lạnh nhạt ra mặt, chỉ “hừ” một tiếng. Về sau, Mâu Kỳ Trung nói với mọi người rằng ông ta không ưa Đường Vạn Tân vì phương thức làm ăn của Tân trước đây là “cướp của người nghèo để làm giàu”.

Ngoài ra, nhiều nhà doanh nghiệp nổi tiếng Trung Quốc như Vương Thạch, Phùng Luân, Lan Thế Lập cũng tìm đến thăm viếng Mâu Kỳ Trung vì hâm mộ danh tiếng.

Mâu Kỳ Trung cùng đồng bọn nghe phán quyết ở tòa phúc thẩm.

Theo lời bạn tù kể thì tuy là người lạc quan, nhưng có những lúc nói chuyện điện thoại với hai người con ở nước ngoài, Mâu Kỳ Trung thường khóc.

Máu kinh doanh vẫn chưa nguội, Mâu đã viết hai bản báo cáo nhận định về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nêu ra các giải pháp tìm kiếm cơ hội việc làm, hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp.

Mâu Kỳ Trung tâm sự: “Tôi không lo Trung Quốc không đuổi kịp Mỹ. Điều tôi lo là người Trung Quốc không học được bản lĩnh để làm một người giàu có chân chính. Làm một người nghèo, có khí khái thì được, nhưng để làm một người giàu thực sự thì phải có trí tuệ lớn và quả tim nhân từ”.

Mâu nói kế hoạch ấp ủ của mình sau khi được ra tù là xây dựng một bệnh viện Nam Đức hiện đại hóa vào bậc nhất, với người giàu sẽ thực hiện chế độ dịch vụ mắc tiền nhất, còn với người nghèo thì thu phí ở mức thấp nhất.

Thượng Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện trong tù của tỉ phú Mâu Kỳ Trung