Mấy trò đánh khăng, đánh đáo, bật tường, nhảy chồng nụ chồng hoa, thả đỉa ba ba chơi mãi cũng chán. Chỉ có đánh trận giả là khoái nhất. Không biết ông bà nào nghĩ ra cái trò này, nhưng có lẽ tại dân mình máu, thích đánh nhau, thích chiến tranh nên trẻ con từ bé tí đã ham đánh trận.
Hai lần trước tôi đã lẩn mẩn nhớ và biên lại những chuyện vặt còn nằm trong ký ức, gắn liền với tuổi thơ vất vả thiếu thốn nghèo đói của mình. Những việc vặt như châm dầu vào đèn, lau bóng đèn, rút rơm đem vào bếp để nấu ăn hoặc đưa ra chuồng cho trâu ăn đêm… thời ấy đứa trẻ nông thôn nào chả phải làm. Thời ấy tức là những năm 60 ở miền Bắc, còn nông thôn là vùng duyên hải Hải Phòng.
Tiếng là gần thành phố nhưng huyện Kiến Thụy quê tôi hồi đó nghèo lắm. Nghèo đến mức người nhớn lẫn trẻ con chỉ lo làm lụng chứ chả mấy khi dám nghĩ đến chuyện ăn mặc tươm tất một tí kéo nhau ra phố chơi. Mà nếu đi thì cũng tinh cuốc bộ chứ chẳng có xe đạp. Vậy nên dân làng chỉ quanh quẩn thôn trên xóm dưới, đồng xa đồng gần. Sáng (hoặc chiều) trẻ con đến trường học, thời gian còn lại thì cùng người nhớn đập nương, tát nước, nhổ mạ, cắt rạ, tỉa đỗ, đánh nhậy thuốc lào, đập lúa, phơi rơm, chăn trâu, đi câu, đánh dậm, băm rau lợn, quét sân, học bài… ôi giời trăm thứ việc. Ấy thế mà vẫn còn thời gian để… đánh trận giả.
Ngoài giờ học ở trường, thời gian còn lại đứa nào cũng lăn ra đồng giúp bố mẹ - Ảnh: Tư liệu
Giờ nghĩ lại thấy hồi đó mình cũng gớm thật. Mấy trò đánh khăng, đánh đáo, bật tường, nhảy chồng nụ chồng hoa, thả đỉa ba ba chơi mãi cũng chán. Chỉ có đánh trận giả là khoái nhất. Không biết ông bà nào nghĩ ra cái trò này, nhưng có lẽ tại dân mình máu, thích đánh nhau, thích chiến tranh nên trẻ con từ bé tí đã ham đánh trận. Đánh nhau sớm cho quen trận mạc, để 17 tuổi còn đi bộ đội, đi B, sống “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Đứa nào cũng được dạy dỗ, tuyên truyền nhét vào đầu tinh thần cách mạng tiến công như vậy.
Làng Trà Phương quê tôi nửa đầu những năm 60 có cái đình to lắm. Trong đình thờ thành hoàng, thờ cả bà hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (tôi ghét nhất là nhiều tờ báo viết ẩu, cứ cải tên bà thành Vũ Thị Ngọc Toản) người làng Trà, vợ vua Mạc Đăng Dung, sau này phá đình mới chuyển tượng bà về chùa Trà Phương. Đình rộng mênh mông, mái đình cao vút, sừng sững mấy chục cột gỗ lim nâu bóng to một người ôm không khít. Xung quanh đình lát tinh đá tảng xanh, mỗi hòn phải nặng cả tấn. Hai cây nhãn cổ thụ phía trước và sau đình cành lá xum xuê che phủ một vùng. Năm 1965 chính quyền xã phá đình để lấy gỗ, ngói, đá xanh xây trại chăn nuôi. Đình tồn tại mấy trăm năm, cuối cùng bị hóa kiếp thành mấy cái chuồng lợn. Giờ còn mỗi gốc nhãn cổ thụ nằm trong khuôn viên trường cấp 2, nhờ thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Trí thương binh chăm chút mà giữ được.
Cứ đêm trăng là bọn trẻ làng tôi kéo nhau ra đình đánh trận giả. Phe xóm trên đấu với phe xóm dưới. Trang bị súng đọp làm bằng ống tre bắn quả rau đay, quả xoan hoặc súng liên thanh bằng tàu lá chuối. Đứa nào không có “súng” thì lấy khúc gỗ, đoạn tre thay súng, khi bắn mồm liên tục kêu pằng pằng. Chia quân ra, núp chỗ kín, đợi thằng địch nhô đầu là bắn. Phải bắn chính xác, kêu tên đứa nào thì phải đúng đứa ấy. Tôi đang nấp sau hòn đá xanh to bằng cái bàn học mát rượi, mắt đã díp lại bởi chờ lâu quá, chợt thấy một thằng bò lại gần, tôi hô lên “pằng, Tín đại chết”. Nhưng không phải thằng Tín (con cậu Đại) mà là thằng Tịu rêu (con ông Rêu), nó bắn ngay lại tôi “tao Tịu đây, pằng, mày chết”, thế là tôi toi. Cứ thế đánh nhau suốt tối, cuối cùng bên nào còn nhiều đứa sống thì bên đó thắng, nói theo kiểu Osin Huy Đức thành “bên thắng cuộc”. Nhiều hôm mải chơi đến khuya, trăng đã chênh chếch trời tây mà không đứa nào chịu về. Có bữa chơi chán chê, mệt, mấy đứa ngả ngay xuống dãy thềm đình đá xanh đánh một giấc, khi tỉnh dậy mò về nhà đã nghe eo óc gà gáy sớm.
Kinh nhất là mấy lần chán núp ngoài đình bởi chỗ nào cũng quen, bị lộ cả rồi, cả bọn kéo nhau vào vườn chuối nhà bà In đánh tiếp. Phải công nhận bác In có vườn chuối rộng mênh mông, lá chuối xòa ra che kín lắm. Mới dàn trận chưa kịp bắn, nghe thằng Trò em (con ông Hiếm) kêu toáng lên ngứa, thì ra bù nẹt chuối cắn, cả bọn tháo chạy. Bác In giai tưởng có kẻ vào chặt trộm chuối vác gậy ra đuổi, các chiến sĩ chạy bán sống bán chết. Nhưng thế vẫn chưa phải là hãi nhất. Hình như chiến sĩ Tân ỷ (anh Tân con bác Ỷ) về khoe thế nào, bác Ỷ gái bảo may cho chúng mày đới, vườn chuối đó nhiều ma lắm, nó mà bắt chúng mày giấu đi có mà trời tìm. Nghe vậy, rợn hết cả người. Hôm sau tôi để ý đúng là chỗ góc vườn chuối có một cái miếu hoang nhưng vẫn còn bát hương, có cả chân hương mới.
Nhân chuyện bác Ỷ gái dọa, sực nhớ sao mà hồi ấy lắm ma thế. Có lẽ vừa mới đi qua cuộc chiến tranh chống Pháp, người bên ta lẫn bên địch đều chết quá nhiều, hồn vía họ cứ lảng vảng đâu đây. Xóm làng lại chưa có điện, qua tầm gà lên chuồng một lát đã tối om, làng trên xóm dưới phủ trong màn đêm, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà đã sợ cong người. Có việc phải đi đâu, vừa đi vừa nín thở, nghe như đằng sau có chân ai đó lặng lẽ bám theo mình. Gần tới nơi, chạy vụt một cái vào nhà, mặt cắt không còn hột máu. Người lớn hay kể chuyện ma, một phần sống ở nông thôn cũng chả có chuyện gì mà kể, phần để ngấm ngầm dọa trẻ con cho chúng khỏi chơi bời lêu lổng bỏ việc học hành. Có lần tôi nghe dì Được kể chuyện cu Vảng em (con chú Vạng ngoài xóm Trợ) đi đánh dậm giữa trưa nắng, bị ma giấu kín vào bụi dứa to cạnh Mả Vối (khu nghĩa địa, hồi đó gọi là bãi tha ma), cứ nằm trong đó ngủ khì ngủ khịt, ma nó bịt mồm bịt tai, ai gọi cũng không thưa, không biết tìm lối ra, mãi đến gần tối có người dắt trâu ngang qua phát hiện kéo về, tới nhà vẫn còn mơ mơ tỉnh tỉnh. Nghe chuyện đứa nào cũng sợ, cạch mấy cái ruộng gần Mả Vối, dù có nhiều cá nhiều tép mấy cũng không dám bén mảng. Nhưng anh cu Bút con ông Điếu thì cười bảo thằng Vảng nó thèm ngủ, nó trốn đi ngủ chứ có gì đâu mà rộn. (còn tiếp)
Nguyễn Thông