Ông bà Đẹn biết các con đói khổ nhưng cũng đành chịu, chúng nó phận ngố đã đành, vả lại cả nhà đều nhịn đói chứ riêng gì chúng đâu

Chuyện ông cụ Đẹn (tiếp theo)

08/05/2017, 06:16

Ông bà Đẹn biết các con đói khổ nhưng cũng đành chịu, chúng nó phận ngố đã đành, vả lại cả nhà đều nhịn đói chứ riêng gì chúng đâu

Nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng - Ảnh: Internet

>> Chuyện ông cụ Đẹn (kỳ 1)

Sống ở nông thôn tuổi thơ ngắn lắm. Đi học vài tiếng đồng hồ tại trường thôi, thời gian còn lại lăn ra đồng. Bố mẹ làm nông, con cái đâu dám chơi bời gì. Hợp tác xã thu hết ruộng đất chỉ chừa lại cho gần sào rau xanh diện 5%, cả nhà ngoài thời gian làm công điểm thì xúm vào đó mà hành hạ đất đai. Thày tôi lớn tuổi, sức yếu, vả lại trước kia thư sinh chỉ quen sách vở chữ nghĩa, chả rành cày cấy nên nghiễm nhiên bị giao đảm trách việc nhà, họa hoằn lắm mới dính tí công chuyện hợp tác. Phần đối ngoại dường như dồn hết lên vai bu tôi, nào cấy hái, nhổ mạ, đập nương, tát nước, dỡ khoai, hái thuốc lào… để lấy công điểm, làm quần quật cả sáng lẫn chiều, cao lắm cũng chỉ được 12 điểm, chả mấy khi được công rưỡi. Bác Tư đội trưởng đội 4 chấm công làm sao ấy, cứ đàn ông thợ cày thợ bừa dù vừa làm vừa chơi cũng được bác phết những 2 công (20 điểm), còn các bà áo đẫm mồ hôi cả ngày không kịp khô vẫn chỉ hơn 1 công. Chuyện qua lâu rồi, nay nhắc lại chả phải đòi hỏi gì mà chỉ buồn một thời phụ nữ vất vả thiệt thòi. Nói thật, không có các bà, nhiều việc các ông có mà làm được khối. Tôi chả thể quên những lần cắt lúa đầm Trợ hoặc đầm cánh Bến. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, bu tôi, dì Được, bá Nữ, thím Chung, bà cụ Đẹn… dầm nước ngang lưng, cắt được bó nào, tôi và mấy đứa cùng tuổi như Dinh, Hiển, Bốn, Hữu, Bằng, Tuyên, hai anh em sinh đôi Còm - Nhớn (sau đổi là Việt - Bắc)… đẩy thuyền theo nhặt xếp đầy có ngọn, còng lưng đủn vào bờ cho đám thanh niên nhớn hơn bó lại gánh về sân hợp tác. Được hạt gạo vào mồm, cả mẹ lẫn con vất vả khổ cực trăm bề, khổ chả khác thời còn thực dân đế quốc.

Đám trẻ con chúng tôi lúc đó trên dưới 10 tuổi nhưng đứa nào đứa nấy già sớm, hốc hác, đen đủi. Mấy năm sau, anh Hiển con bác Vình, anh Hữu con bác Tư đội trưởng nhập ngũ, thời ấy gọi là đi bộ đội, học hành dở dang, vào chiến trường rồi hy sinh, chết quá trẻ chưa đầy đôi mươi. Tôi không phải khoác áo lính vì có anh tôi đi rồi, nhà cứ hai trai thì một được tạm hoãn. Nhưng mới tí tuổi mà đã già dặn phết. Cũng biết đập nương, tát nước, nhổ mạ, dỡ khoai… Nhà tôi không được chia trâu nên mấy anh chị em tôi không có tuổi thơ chăn trâu như anh em nhà Dinh, Hiển, Bốn… Nhiều lúc thèm chăn trâu, sinh ra tị nạnh. Còn nói ra mồm, đến bác Bổ, bác Quả ngố nhà cụ Đẹn cũng có trâu để chăn, cớ sao mình cứ suốt ngày phải rảo kênh trên đầm dưới, hết kiếm rau lợn, lại nấu cám, rút rơm, quét sân quét nhà…, không được đi chăn trâu.

Rồi một lần, sáng mùng 1 tết Nguyên đán, chả nhớ năm nào, rét khiếp, mấy gốc đào thày tôi trồng trong mảnh vườn trước sân chắc do lạnh quá nên chả hé được bông nào. Các chú bộ đội tên lửa trận địa Mả Đò mọi năm đều vào xin cành đào, có năm xin nhiều quá đến nỗi thày tôi khước từ thì không nỡ, cho nhiều thì tiếc nên mới lấy nước vôi kẻ chữ rõ to lên tường bao quanh sân: “Không hỏi xin cành đào!”. Năm ấy rét đậm từ đầu tháng chạp, lá đào cứ xoăn tít lại chỉ trơ khấc những cành mấu xù xì, vườn trông vắng hoe. Gió bấc thổi ù ù. Tôi và tí Ngọt em gái tôi đang xúng xính áo mới diện tết nhưng rét quá phải mặc thêm chiếc áo bông cũ trùm ngoài, bất chợt nhìn ra vườn Bỗng, cái nghĩa địa nho nhỏ phía sau nhà hợp tác, thấy bác Bổ (ít tuổi hơn nhưng chúng tôi phải gọi là bác) co ro phong phanh trong chiếc áo tơi lá te tua, quần lá tọa nâu xắn vo lên đầu gối, lầm lũi dắt trâu đi, chả biết tết nhất là gì. Giời ơi, mùng một tết mà cũng phải chăn trâu, từ bấy giờ trở đi anh em tôi không thèm trâu nữa.

Ba anh em bác Bổ (Bổ - cu nhớn, Quả - cu nhỡ, An - cu con) đều ngố. Có người bảo tại cụ Đẹn hứng chịu luật nhân quả sau cải cách ruộng đất. Mặt họ ngây ngô, nhem nhuốc, quần áo rách rưới quanh năm, ai cho cái gì cũng ăn, mà hình như lúc nào cũng đói. Họ chỉ có việc duy nhất là chăn trâu, có lúc cả ba anh em cùng dắt díu nhau đi, lúc thì Bổ hoặc Quả cầm thừng. Trâu gặm cỏ, còn họ tuốt đòng đòng (lúa non sắp trổ bông) ăn ngấu nghiến. Vào vụ dỡ khoai, cả ba lần mò trên các cánh đồng đã dỡ xong, vớ được củ nào còn sót lại là rửa quấy quá, hoặc chùi vào quần cho sạch đất, ăn ngay tại chỗ. Ông bà Đẹn biết các con đói khổ nhưng cũng đành chịu, chúng nó phận ngố đã đành, vả lại cả nhà đều nhịn đói chứ riêng gì chúng đâu. Cụ ông làm quần quật suốt ngày, hết cày lại bừa, đày nắng nhiều nên da đen bóng. Cụ bà cũng vậy, từ sáng sớm tới tối mịt lăn lóc trên đồng, không dám nghỉ buổi nào. Nghỉ sẽ không có công điểm, sẽ đói cả nhà. Hợp tác chia cho mấy tạ thóc, trăm thứ trông vào, chai mắm, chai dầu hỏa, ký muối, mét vải…, nhà 6 miệng ăn chỉ với chừng đó suốt nửa năm giời, không tằn tiện chỉ có nước đi ăn mày.

Mấy đứa trẻ nghịch ngợm chúng tôi hay trêu anh em bác Bổ, gọi họ là thằng ngố. Thày tôi bảo đừng gọi thế, phải tội, họ cũng là người, họ chịu thiệt thòi, mình đừng coi khinh bởi các bác ấy có muốn thế đâu. Thày bu tôi thỉnh thoảng có củ khoai luộc, gióng mía, quả dưa chuột... lại nhờ chúng tôi đem cho các bác. Lạ là họ chả tranh giành ăn bao giờ. Bao nhiêu, nhiều ít thế nào mặc lòng. Hình như người ngố do kém suy nghĩ nên họ ít tranh giành thứ này thứ khác về mình, cứ kệ mọi buồn vui thiên hạ.

Đận ấy, cây ổi góc vườn nhà bói mấy quả đầu mùa, thấy đã ương ương, tôi hăm hở trèo lên định vặt tất, chưa chín cũng được, chứ không lại chỉ béo lũ học trò thôn Quế Lâm thường đi học qua. Đang lấy cù nèo khều khều, nhìn xuống tôi thấy bác Quả đứng chờ dưới gốc hồi nào. Mặt bác vêu vao, da xanh lét, hai chân như ống sậy, chiếc áo nâu cũ rách hở cả rốn. Thôi, lại mất toi vài quả cho mà xem. Tôi phân vân và tiêng tiếc, dù chưa cho, định tụt xuống. Chợt nghe ông anh họ, anh Huy tôi làm giáo học hỏi đùa bác Quả: Uống rượu chửa? -Bác Quả: Uống rồi. -Bác Huy: Say không? -Bác Quả: Say đờ. Nghe hai vị nói chuyện với nhau, tôi bật cười. Bác Huy nói tôi đưa cho ông Quả hai trái ổi và bảo: Khốn nạn, cơm còn chả có mà ăn thì làm gì biết đến rượu mà say đờ. Khổ cái kiếp người. Tôi thấy anh tôi rơm rớm nước mắt, tôi cứ lạ, sao anh ấy lại khóc được nhỉ. Về sau khi nhớn lên tôi không tiện hỏi nhưng tự mình hiểu ra.

Tôi đi học xa nhà rồi nhận việc nơi xa, ít có dịp về quê. Đôi lúc cũng hỏi thăm về mấy người con bất hạnh của cụ Đẹn. Hai cụ những năm cuối đời sống hiền lành lương thiện, chăm chỉ chịu khó nhưng bôn ba không qua thời vận, làm chẳng đủ ăn, nhà cửa vẫn cũ kỹ dột nát, rồi cả hai lần lượt mất trong cảnh nghèo. Nghe kể bác Bổ - cu nhớn đi chăn trâu đạp phải sợi dây điện bị bão làm đứt, điện giật chết. Bác An - cu con cũng chết do bệnh tật, nghèo đói. Không thấy nói gì về bác Quả - cu nhỡ say đờ, nhưng tôi nghĩ rằng số phận chắc cũng chả hơn gì.

Thật tội nghiệp cho họ. Cứ tưởng rằng thời thế đổi thay thì con người cũng được mở mày mở mặt, nào ngờ. Trời kia đã bắt làm người có thân. Cũng một kiếp người vậy.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
10 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ông cụ Đẹn (tiếp theo)