Theo hãng UPI, các nhà khoa học ở Đại học Washington, Mỹ, đã tổng hợp được một hợp chất mới mang tên Fluselenamyl, có thể được sử dụng như một tác nhân trong việc phát hiện các mảng bám amyloid trong não gây ra bệnh sa sút trí tuệ.
Theo các nhà khoa học, hợp chất này nhạy hơn và hiệu quả hơn các tác nhân mà Cục quản lý chất lượng thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép, vẫn được sử dụng từ trước đến nay.
Các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm trên chuột. Để phát hiện các mảng bám amyloid, hợp chất Fluselenamyl được đưa vào nguyên tử có hoạt tính phóng xạ. Sau đó, tiến hành chụp cắt lớp bức xạ positron não chuột. Nếu trong não không có các mảng amyloid thì hợp chất Fluselenamyl nhanh chóng rời khỏi não.
Hợp chất Fluselenamyl có hiệu quả mạnh gấp 2-10 lần các tác nhân hiện đang được sử dụng. Ngoài ra, các mảng amyloid được phát hiện bằng hợp chất mới cũng lộ diện khi còn rất nhỏ, giúp chẩn đoán bệnh từ rất sớm. Tiếp theo, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm hợp chất mới trên người.
Tác giả của công trình trên, nhà khoa học Vijay Sharma, bày tỏ hy vọng trong tương lai hợp chất Fluselenamyl sẽ trở thành một phần trong các xét nghiệm nhằm chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Alzheimer cũng như các bệnh thần kinh khác.
Trong khi đó, theo Zee News, các nhà khoa học ở Đại học Macau cho rằng các axit béo Omega-3 có nhiều trong cá giúp loại các chất chuyển hóa, kể cả beta-amyloid, ra khỏi não. Những peptide này gắn liền với bệnh sa sút trí tuệ. Các nhà khoa học khẳng định qua thử nghiệm trên chuột đã chứng minh được rằng các axit béo tác động tích cực tới hệ bạch huyết giúp dọn sạch “rác” khỏi não. Họ kết luận rằng Omega-3 giúp vào việc duy trì cân bằng nội môi trong não, rất hữu ích khi bị các chứng bệnh thần kinh, bị chấn thương sọ não và rối loạn giấc ngủ.
Vũ Trung Hương