Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ tại cuộc tọa đàm với chủ đề “EVFTA: Hành trình một thập niên nỗ lực không ngừng nghỉ” vừa diễn ra.
Tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Tôi nhớ quá trình căng thẳng, hai bên chững lại quá trình ký kết này. Tôi theo Thủ tướng sang tận châu Âu và tôi có buổi làm việc riêng với ông Chủ tịch Ủy ban thương mại châu Âu. Vấn đề mà họ quan tâm nhất là quan hệ lao động, họ chia sẻ: Đây không phải là chúng tôi can thiệp vào Việt Nam, can thiệp vào tiêu chuẩn lao động của Việt Nam, nhưng nếu Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn lao động thấp hơn các nước khác, có nghĩa là cạnh tranh không bình đẳng”.
Theo ông Lộc, các nghị sĩ châu Âu không chấp nhận cạnh tranh không bình đẳng. Chính phủ Việt Nam và Nghị viện châu Âu sẽ kiểm soát được vấn đề này và sự hợp tác rất chặt chẽ giữa họ và Việt Nam.
“Về phía Việt Nam, tôi nghĩ các cơ quan của Chính phủ đã tham gia rất tích cực và đặc biệt là vai trò của Tổng Liên đoàn Lao độngtham gia vào việc phê chuẩn Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào tháng 6.2019, và thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Một trong những tác động lớn là tác động lớn đến công đoàn, hệ thống tổ chức công đoàn”, ông Lộc chia sẻ.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, một đặc trưng cơ bản của các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đó là đưa những tiêu chuẩn rất mới gắn với quyền con người với các vấn đề xã hội, và vấn đề quản trị quốc gia đưa vào hiệp định. Trong đó vấn đề tiêu chuẩn lao động cũng được xác định là một trong những vấn đề lớn kể cả CPTPP hay EVFTA đây là những điều khoản gần như là cuối cùng để thống nhất được trước khi kết thúc đàm phán.
Theo ông Hiểu, đối với điều khoản về tiêu chuẩn lao động, Tổng Liên đoàn cũng xác định một tổ chức trong hệ thống, là một thành viên tham gia tích cực chung trong quá trình đàm phán xác định sẽ có những khó khăn với những yêu cầu của Hiệp định với tổ chức mình. Tuy nhiên đặt lợi ích của một tổ chức trong lợi ích tổng thể của một quốc gia, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với việc công đoàn Việt Nam chấp nhận phải cạnh tranh với tổ chức khác ngoài công đoàn truyền thống.
“Như vậy trong hệ thống chính trị của chúng ta, công đoàn là tổ chức đầu tiên và có lẽ là duy nhất đối diện với đa tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta. Đây là một vấn đề chưa có tiền lệ trong 90 năm, nhưng vì lợi ích quốc gia chúng tôi đã thống nhất nội dung này”, ông Hiểu nói.
Theo đó, ông Hiểu cho rằng khi có sự cạnh tranh vừa là một thách thức vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực của mình. Vì vậy Tổng Liên đoàn thể hiện sự đồng ý rất cao nhất trí với cơ quan tham gia đàm phán về việc cho phép ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ, thường trong quá trình đàm phán, thời điểm khó nhất là thời điểm kết thúc đàm phán, phần nữa là lúc khởi động quá trình đàm phán đó.
Ông Thái cho biết, ở hai giai đoạn này, Việt Nam đều vượt qua được. Khi Việt Nam khởi động những viên gạch đầu tiên đặt rất sớm. Cao Ủy thương mại EU lúc đó là ông Pascal Lamy, sau này ông là Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, ôngđề xuất hướng giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu thông qua việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới.
“Nhưng lúc đó lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn rất xa, tầm nhìn quan hệ với EU là phải đến một giai đoạn bình đẳng nghĩa là thông qua quan hệ Hiệp định thương mại tự do. Khi chúng ta đặt vấn đề, ông Pascal cười và nói Việt Nam hơi lãng mạn, thời điểm đó là năm 2004, vị trí của chúng ta rất khác so với bây giờ. Nhưng chúng ta kiên trì thuyết phục, sau đó ông Pascal cười và nói tôi là người Pháp, tôi cũng lãng mạn, và chúng tôi bắt tay vào thực thi theo định hướng đó”, ông Thái nói và chia sẻ, ít ai ngờ thời điểm đó có thể cất cánh quan hệ giữa Việt Nam và EU ngay những năm đầu của thập niên 2000.
Theo chia sẻ của ông Thái, giai đoạn kết thúc là giai đoạn cực kỳ phức tạp. Khi kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do thì theo yêu cầu nội bộ từ phía EU, tách Hiệp định ra thành hai Hiệp định mới là Hiệp định thương mại tự do và một phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư để đưa về các nước thành viên phê chuẩn.
“Chúng ta như chạy một quãng đường marathon đi đến cuối chặng đường này, bây giờ phải đứng lên làm lại, tách ra thành hai hiệp định mới. Lúc đó có rất nhiều người mệt mỏi nhưng chúng ta có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành rất quyết tâm”, ông Thái nói.
Theo đại diện Bộ Công Thương, mặc dù rất mệt nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn để hoàn thành Hiệp định. Chúng ta đi các bước, qua rất nhiều bước khó khăn để vận động từ các nước thành viên thông qua, sau đó đến nghị viện châu Âu với nhiều đảng phái, ý kiến khác nhau.
“Đặc biệt hiệp định của chúng ta là hiệp định đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển ở trình độ như thế này. Và cũng là hiệp định đầu tiên mà Nghị viện mới của châu Âu thông qua. Nghị viện mới được bầu cử thông qua khung cảnh các phong trào bảo hộ thương mại ở trên thế giới đang lên rất nhiều. Chúng ta đã vận động và vượt qua được các khâu rất khó khăn và đã thành công. Đây là bước rất khó khăn những rất đáng nhớ”, ông Thái nói.
Lam Thanh