VCCI vừa có góp ý về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó nhấn mạnh quan điểm cần công khai, minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng ở dự án PPP.

Công khai, minh bạch ở dự án PPP sẽ giảm nguy cơ bị phản đối về sau

26/03/2019, 19:16

VCCI vừa có góp ý về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó nhấn mạnh quan điểm cần công khai, minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng ở dự án PPP.

VCCI góp ý về Dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư - Ảnh: Internet

Cần thẩm định độc lập

Theo VCCI, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng là “các bên được tự do thoả thuận những gì pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, pháp luật công lại chỉ cho phép “cơ quan, cán bộ nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Nếu việc phân quyền này lỏng lẻo, không được quy định rõ có thể dẫn đến tình trạng các cán bộ nhà nước đàm phán và ký kết những cam kết quá rộng, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, người dân và các doanh nghiệp khác, khiến các cam kết từ phía Nhà nước không được tôn trọng.

Do đó, quy trình đàm phán và ký kết các hợp đồng PPP cần phân loại mức độ rủi ro của dự án để xác định thẩm quyền đàm phán, ký kết. Ví dụ, dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ, mức độ cam kết của Nhà nước không lớn hoặc ít ảnh hưởng đến bên thứ ba (người dân, doanh nghiệp khác) thì có thể phân quyền cho cấp dưới đàm phán và ký hợp đồng.

Đối với dự án có quy mô vốn lớn, mức độ cam kết của Nhà nước cao, ảnh hưởng lớn đến người dân thì phải có quy trình đàm phán, ký kết chặt chẽ hơn, thậm chí lên cấp Quốc hội quyết định chủ trương.

Các dự án, hợp đồng PPP cần được thẩm định độc lập để cung cấp ý kiến phản biện trước khi ký, đặc biệt là về các cam kết của Nhà nước và quyền lợi của bên thứ ba. Tất cả dự án đều phải được báo cáo và công khai thông tin trước và sau khi ký hợp đồng, nội dung hợp đồng và kết quả thực hiện dự án. Cùng với đó, tất cả các dự án đều phải được lấy ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng.

Quản lý rủi ro cho các khoản bảo lãnh

Bình luận về điều khoản bảo lãnh, VCCI cho hay hiện nay, bảo lãnh hay không đối với các dự án PPP đang là tranh luận lớn. Nếu không chấp nhận bảo lãnh thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài. Tuy nhiên, nếu bảo lãnh thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn.

Do đó, giải pháp tốt nhất là Luật Đầu tư PPP vẫn chấp nhận cho phép bảo lãnh, nhưng phải thiết kế thật tốt cơ chế quản lý rủi ro của các khoản bảo lãnh. Bởi trong trường hợp dự án gặp rủi ro thì Nhà nước đều phải sử dụng tiền ngân sách để trả cho nhà đầu tư. Cần phải bảo đảm rằng việc Nhà nước cam kết bảo lãnh trong các dự án PPP phải được kết nối với việc lập kế hoạch ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công.

Các hợp đồng PPP thường có điều khoản về việc thay đổi pháp luật (change of law) hay còn gọi là điều khoản ổn định hợp đồng (stabilisation). Điều khoản này giúp các nhà đầu tư bảo đảm tránh được rủi ro thay đổi pháp luật sau khi hợp đồng đã được ký. Tuy nhiên, nếu mở rộng quá mức có thể ảnh hưởng đến quyền quản lý xã hội, thậm chí chủ quyền của Nhà nước.

Trong Luật Đầu tư 2014, Điều 13 đã xử lý vấn đề này theo hướng những quy định về ưu đãi đầu tư thì được bảo đảm ổn định, nhưng có ngoại lệ trong trường hợp Nhà nước thay đổi pháp luật vì lợi ích công cộng.

Đối với vấn đề này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đưa vào Luật đầu tư PPP một điều khoản về thay đổi pháp luật, và phân loại thành 2 nhóm quy định:

Đối với các quy định pháp luật về tài chính như mức thuế, mức phí, tiền và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thì cho phép áp dụng cơ chế ổn định hợp đồng.

Đối với các quy định pháp luật vì an toàn, an ninh, lợi ích công cộng thì không được phép áp dụng cơ chế ổn định hợp đồng, ví dụ, các tiêu chuẩn an toàn về môi trường, an ninh quốc phòng, an toàn lao động,…

Cần minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng ở dự án PPP

Theo VCCI, do quan niệm cho rằng tiền đầu tư là của tư nhân, nên cơ chế giám sát đối với đầu tư các dự án PPP lỏng lẻo hơn so với đầu tư công. Tuy nhiên, các dự án này lại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba (bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án và phải trả tiền). Do đó, việc tham vấn rộng rãi ý kiến của cộng đồng là điều hết sức cần thiết.

Có quan điểm cho rằng việc công khai, minh bạch và lấy ý kiến về các hợp đồng/dự án đầu tư sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên xét về dài hạn, khi một dự án nhận được sự đồng thuận của xã hội thì nguy cơ bị phản đối về sau này sẽ thấp hơn. Khi đó, rủi ro cho nhà đầu tư khi dự án bị đình trệ, bị mất doanh thu do phản ứng của xã hội sẽ giảm.

Hơn nữa, chính sách cần khuyến khích các nhà đầu tư, các dự án đầu tư “sạch”, minh bạch, chứ không nên chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn về công khai, minh bạch chỉ để thu hút thêm đầu tư.

Theo đó, cần bảo đảm việc đăng công khai thông tin về dự án PPP ít nhất 60 ngày trước khi ký kết. Nội dung đăng tải bao gồm: (1) tóm tắt thông tin về dự án; (2) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; (3) báo cáo nghiên cứu khả thi; (4) bản thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; (5) bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; (6) dự thảo hợp đồng.

Những nội dung thông tin thuộc về bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh, tài sản trí tuệ chưa được công bố thì được phép xoá hoặc bôi đen trong các tài liệu trên.

Đối với các dự án có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng đến bên thứ ba thì phải được tổ chức lấy ý kiến thông qua văn bản, hội thảo, họp báo. Đối tượng được lấy ý kiến gồm các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của dự án và các tổ chức đại diện của họ. Các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.

Sau khi ký hợp đồng, cần công bố toàn bộ các hợp đồng đầu tư PPP bao gồm cả phụ lục. Các nội dung thuộc về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chưa công bố thì được phép xoá hoặc bôi đen; Công bố các báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của dự án đầu tư, kết luận thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với dự án.

Đối với các dự án có nguồn thu từ bên thứ ba thì phải công bố định kỳ sản lượng và doanh thu của dự án. Bên thứ ba (người dân và doanh nghiệp khác) phải được tham gia trong quá trình giám sát nguồn thu.

Trong nhiều hợp đồng PPP hiện nay có điều khoản về bảo mật hợp đồng. Theo đó, bên nào tiết lộ thông tin cho người khác gây thiệt hại cho bên còn lại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan Nhà nước lại phải đáp ứng nguyên tắc công khai, minh bạch (Điều 28 của Hiến pháp) trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước.

Do đó, Luật đầu tư PPP cần có quy định giới hạn điều khoản bảo mật trong các hợp đồng PPP. Cụ thể, nếu các hợp đồng PPP có điều khoản về bảo mật hợp đồng, thì điều khoản này chỉ được áp dụng đối với các nội dung thông tin thuộc về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và các tài sản trí tuệ chưa được công bố.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai, minh bạch ở dự án PPP sẽ giảm nguy cơ bị phản đối về sau