Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

CPI 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ 2016

Lam Thanh | 29/08/2021, 11:05

Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng chủ yếu tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 2,51% so với tháng 12.2020 và tăng 2,82% so với tháng 8.2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8.2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm. Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.

Trong 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%). Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8.2021 giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.

Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

Lạm phát cơ bản tháng 8.2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm nay tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 8.2021 giảm 0,49% so với tháng trước; giảm 1,65% so với tháng 12.2020 và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7.2021 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,67% so với tháng 12.2020 và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo, bên cạnh việc tích cực triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20.8.2021, xuất cấp 130,2 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân 24 tỉnh, thành phố gặp khó khăn do COVID-19.

Riêng TP.HCM, ngân sách địa phương đã trích thêm 1.791 tỉ đồng và nhận hỗ trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông gói hỗ trợ “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” hỗ trợ thêm cho người dân trong mùa dịch.

Cũng theo báo cáo này, trên địa bàn cả nước trong 8 tháng đầu năm đã xảy ra 7.647 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 4.911 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.736 vụ va chạm giao thông, làm 3.892 người chết, 2.543 người bị thương và 2.783 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 8 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 12 người bị thương nhẹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CPI 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ 2016