Giải pháp để minh bạch hóa không khó, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, cái khó là làm sao để vượt qua được thói quen cũ của bộ máy, vượt qua được những sự phản kháng của những chủ thể cục bộ vốn được lợi từ sự thiếu minh bạch”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI nói.

CPTPP chính thức có hiệu lực: Bộ máy cần vượt qua thói quen cũ

14/01/2019, 10:16

Giải pháp để minh bạch hóa không khó, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, cái khó là làm sao để vượt qua được thói quen cũ của bộ máy, vượt qua được những sự phản kháng của những chủ thể cục bộ vốn được lợi từ sự thiếu minh bạch”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI nói.

CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14.1.2019 - Ảnh: Internet

Kể từ hôm nay (14.1), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12.11.2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14.1.2019.

Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỉ USD, hơn 4 tỉ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Theo Bộ Công Thương thì về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.

20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng. Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong TPP vẫn được giữ nguyên trong CPTPP.

Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho rằng minh bạch là một cam kết lớn trong CPTPP. Mặc dù vậy, không có cam kết minh bạch chung chung, mà là những cam kết về các nghĩa vụ minh bạch cụ thể trong từng khía cạnh.

Ví dụ trong chương về doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu minh bạch thể hiện qua cam kết về việc công khai danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện điều chỉnh của CPTPP.

“Minh bạch trong mua sắm công thể hiện qua các yêu cầu về cách thức, thời gian, hồ sơ, quyền được phản hồi/khiếu nại… trong quá trình đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi CPTPP đề cập… Nghĩa vụ minh bạch cũng có trong nhiều nội dung khác của CPTPP như hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, cạnh tranh…”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, không ít yêu cầu về minh bạch chỉ phải áp dụng riêng cho một số trường hợp cụ thể. Do đó, nếu chỉ nhìn minh bạch như là một nghĩa vụ bắt buộc trong CPTPP thì có lẽ sức ép để cải cách hiện trạng có thể sẽ không lớn.

“Quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn minh bạch như là một cách thức quan trọng để cải cách thể chế nói chung, không chỉ nhằm tuân thủ CPTPP mà để gia tăng hiệu quả của bộ máy thể chế”, Giám đốc Trung tâm WTO chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng nói: “Tôi nghĩ giải pháp để minh bạch hóa không khó, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, công nghiệp 4.0 như hiện nay. Cái khó là làm sao để vượt qua được thói quen cũ của bộ máy, vượt qua được những sự phản kháng của những chủ thể cục bộ vốn được lợi từ sự thiếu minh bạch. Minh bạch hóa cần một sự thực tâm. Minh bạch hóa cần sự triển khai đồng bộ, triệt để và toàn diện”.

Trao đổi với Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng khi vào sân chơi CPTPP, việc cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia ở trong khối cũng như ngay tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Mỗi ngành, nghề lại có mức độ và thời gian hội nhập khác nhau, do đó, các doanh nghiệp phải tự mình tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình. “Nếu doanh nghiệp không nhận thức được thì doanh nghiệp chết ngay”.

Ông Thịnh cũng nêu quan điểm rằng các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới mình bằng cách cơ cấu lại sản xuất, để từ đó có được những hiệu quả sản xuất cao nhất, thì mới có thể cạnh tranh được.

Theo ông Thịnh, Chính phủ cần cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với những doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đơn giản hơn trong việc tiếp cận vốn, thị trường. Chính phủ cũng nên đứng ra gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau thông qua việc giúp đỡ các hiệp hội. Các hiệp hội nên là do doanh nghiệp đóng góp, và hiệp hội nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần đẩy mạnh chính sách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Hiện nay, mức thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn như với doanh nghiệp lớn. Chúng ta mong muốn đẩy thuế thu nhập doanh nghiệp còn khoảng 15-17% thôi nhưng mãi vẫn không làm được. Đây là bài toán chúng ta cần sớm làm để doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập”, ông Thịnh nói.

Còn ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng bắt buộc phải thay đổi về thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để cơ quan nhà nước thay đổi tư duy và hành động, thu hút được các nguồn lực từ doanh nghiệp vào nước ta.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CPTPP chính thức có hiệu lực: Bộ máy cần vượt qua thói quen cũ