Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp mang tính chiến lược, quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng nhân lực.
Cụ thể, tháng 12.2011, Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh đối với các Trường ĐH Văn Hiến, Đông Đô và CĐ Công nghệ Thông tin TP HCM cùng 12 ngành học của 4 trường ĐH Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trãi và Kiến trúc Đà Nẵng. Tháng 4-2012, bộ tiếp tục đình chỉ tuyển sinh 6 ngành của các trường: CĐ Bách nghệ Tây Hà, CĐ Kỹ thuật - Công nghiệp Quảng Ngãi, ĐH Phú Xuân, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Thành Tây. Nguyên nhân đình chỉ là các trường chưa bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất và tỉ lệ SV/giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 1 năm sau (tháng 1-2013), bộ cho phép các trường, ngành trên tuyển sinh trở lại. Đến tháng 1-2014, 207 ngành của 71 trường ĐH cũng bị dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, bộ cho phép gần 100 ngành đào tạo ĐH được tuyển sinh trở lại…
Tại sao chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn ngủi, các trường có thể ngay lập tức đáp ứng điều kiện để được tuyển sinh? Đây là dẫn chứng cho thấy sự thiếu quyết liệt của Bộ GD-ĐT trong việc kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH. Chính vì vậy, các trường mặc sức tuyển sinh, đào tạo mà thiếu sự hậu kiểm và chế tài của cơ quan quản lý.
Cần chiến lược cụ thể, thực hiện quyết liệt
Nhiều chuyên gia cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục ĐH phải là mối quan tâm hàng đầu của giáo dục ĐH, là yếu tố sống còn để khẳng định uy tín, trách nhiệm giải trình của ĐH đối với xã hội.
Trong chỉ thị về việc tăng cường đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT yêu cầu đến năm 2010, ít nhất 80% trường ĐH, 50% trường CĐ được kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, chỉ có 40 trường ĐH, 18 chương trình đào tạo giáo viên được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT ban hành. Đại diện các trường cho rằng chính vì bộ không có chế tài, không có hình thức xử lý các đơn vị không đạt nên đây là một việc rất hình thức. Mãi đến năm 2013-2014, Bộ GD-ĐT mới thành lập 2 trung tâm kiểm định đầu tiên thuộc ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM nhưng đến nay, 2 trung tâm này mới ở giai đoạn hình thành.
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đào tạo ĐH thời gian qua theo tính chất mì ăn liền, thiếu sự linh thoạt, thiếu chuyên môn hóa nên SV ra trường không thể sử dụng được. Các gia đình mong con đỗ ĐH để thoát nghèo nhưng cuối cùng lỗ vốn cả về tinh thần lẫn vật chất.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề trầm trọng. Bộ GD-ĐT có bao nhiêu viện nghiên cứu, tại sao không tiên liệu được ngành nào cần mở, ngành nào cần siết? Bộ phải có trách nhiệm thay đổi chương trình đào tạo, nghiên cứu nhu cầu thực tế để đào tạo gắn với xã hội, chứ không thể làm cho xong chuyện” - PGS Tống bày tỏ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp; hạn chế việc đào tạo tự phát, không bảo đảm chất lượng gây tình trạng thừa - thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp. “Việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước, cá nhân, gia đình và xã hội” - ông Tuấn nhận định.
Thùy Vinh (theo NLD)