Cử tri và nhân dân bất bình, lên án cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước như vụ việc một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cấu kết với các đơn vị liên quan nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.

Cử tri bất bình việc cán bộ trục lợi vụ mua máy xét nghiệm COVID-19

20/05/2020, 12:51

Cử tri và nhân dân bất bình, lên án cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước như vụ việc một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cấu kết với các đơn vị liên quan nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ảnh: VGP

Sáng 20.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Bất bình việc nâng khống giá máy xét nghiệm

Về sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, cử tri ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên, cử tri lo lắng khi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Dịch bệnh khiến tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm tăng.

Tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, sản phẩm hàng hóa có lúc, có nơi bị ứ đọng trong thời gian diễn ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước. Người dân và doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần có giải pháp để tăng cường phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, chủ động tìm kiếm thị trường thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường mới là đối tác của Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Về giáo dục, cử tri còn băn khoăn về hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế khó khăn; nhiều phụ huynh lo lắng việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày ảnh hưởng đến chương trình, nội dung kiến thức học tập và kết quả năm học 2020-2021.

Cử tri và nhân dân bất bình, lên án cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước như vụ việc một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cấu kết với các đơn vị liên quan nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19. Một số vụ việc mua sắm thiết bị y tế có dấu hiệu vi phạm tại các địa phương như Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Thái Bình...

Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phá rừng, ô nhiễm môi trường phức tạp

Cử tri cho rằng việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có chuyển biến rõ nét; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chậm; việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thu hồi đất ở một số nơi còn bất cập; một số vụ việc khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai chưa được xem xét, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.

Tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở nhiều đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa trong các khu dân cư còn nhiều; việc xả thải, đổ trộm chất thải, hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều nơi, như vụ đổ trộm hóa chất xuống sông Hồng trên địa bàn Huyện Thanh Trì, Hà Nội trong tháng 3.2020, vụ "đầu độc" sông Hồng bởi nước thải làng nghề dệt nhuộm tại Lý Nhân, Hà Nam...

Cử tri lo lắng trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở một số nơi. Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang từng ngày diễn ra nhức nhối…

“Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở, lũ lụt, hạn hán, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân. Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương có giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm”, báo cáo nêu.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế, chế tài rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá rừng, đồng thời làm rõ những dấu hiệu làm ngơ, bao che cho các hành vi vi phạm.

Lo ngại vấn đề cướp của giết người, ma túy

Báo cáo cũng nêu, cử tri còn lo lắng về tình trạng cướp của, giết người, lừa đảo, tín dụng đen, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy diễn biến phức tạp; tình trạng băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động tại một số địa phương...

Việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục tác động tích cực, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Cử tri mong muốn việc thực hiện nghị định tiếp tục được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, vừa góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với sức khỏe của cộng đồng, vừa giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ, chú trọng đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.

Một nội dung nữa là quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm; tăng cường quản lý an ninh mạng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính…

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
15 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri bất bình việc cán bộ trục lợi vụ mua máy xét nghiệm COVID-19