“Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị, chúng tôi kiên quyết phản đối và bác bỏ”, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh.
Ngày 1.5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã thông tin về việc nước này bắt đầu đơn phương thực hiện quy định cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Lệnh cấm kéo dài hơn ba tháng, bắt đầu từ 12 giờ ngày 1.5 đến 16.8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, từ năm 1999, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc hàng năm vẫn ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên vùng biển có chủ quyền của Việt Nam.
Theo ông Lê, quy chế này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý liên quan. Đồng thời khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp.
“Quy chế này của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị, chúng tôi kiên quyết phản đối và bác bỏ”, ông Hà Lê nhấn mạnh.
Theo đó, ông Lê cho biết các hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân Việt Nam trên các ngư trường thuộc vùng biển của Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam sẽ tăng cường tuần tra và hỗ trợ ngư dân.
Đại diện Cục Kiểm ngư đề nghị ngư dân trang bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc trước khi cho tàu xuất bến. Khi khai thác trên biển, thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, với các đài thông tin duyên hải; mở các thiết bị kết nối với trạm bờ, thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng nhanh chóng hỗ trợ.
Ông Lê cũng khuyến cáo ngư dân nên tham gia khai thác theo tổ, đội để kịp thời hỗ trợ nhau trong trường hợp khẩn cấp. Khi có sự cố, phải ngay lập tức liên hệ với cơ quan chức năng. Cùng với đó, ông Hà Lê cũng khuyến cáongư dân phải tuân thủ các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển, không dùng các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản.
Về hành động này của Trung Quốc, ngày 4.5, nói với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốcnăm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của mối quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực”, bà Hằng nói.
Trước đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối quy định này của Trung Quốc và cho rằng quy định này vô giá trị.
Trí Lâm