Cuộc tập trận hải quân Kiếm sắc 2015 là dịp một đô đốcNhật lần đầu tiên chỉ huy, giúp quân đội Nhật Bản nâng cao vai trò trong bối cảnh đề phòng Trung Quốc hiện đại hóa quân sự quá nhanh.
Kiếm Sắc (Keen Sword 2015) tổ chức từ ngày 10 đến 19.11, có sự tham gia của 30.000 quân Nhật và 11.000 quân Mỹ được mở vào thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe muốn Nhật có vai trò lớn hơn trong liên minh an ninh Nhật-Mỹ.
Cuộc tập trận hai năm tổ chức một lần này nhằm nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phối hợp hiệu quả giữa hai lực lượng Nhật-Mỹ.
Việc chỉ huy 20 tàu chiến gồm tàu Mỹ được giao cho chuẩn đô đốc Hidetoshi Iwasaki, là sĩ quan hải quân Nhật đầu tiên chỉ huy Kiếm Sắc, vốn được tổ chức lần đầu tiên năm 1986, khi Nhật cần bảo vệ bờ biển, giúp Mỹ giám sát các hoạt động của Liên Xô.
Chuẩn đô đốc John Alexander, chỉ huy lực lượng chiến đấu của tàu sân bay USS George Washington, nói: “Đây là một chiến dịch lớn nhất và phức tạp nhất, mà một sĩ quan hải quân Nhật nắm vai trò chỉ huy chiến đấu”. Ông nói đồng nhiệm Iwasaki được giao toàn quyền chỉ huy cuộc tập trận, hay nói cách khác là “chơi tự do”.
Vài tháng trước, Iwasaki đã bắt đầu làm quen với quy trình thực hiện các chiến lược không-hải chiến. Nhiệm vụ chính của ông là bảo vệ tài sản quân sự giá trị của Mỹ ở châu Á, là chiếc tàu sân bay USS George Washington lớp Nimitz, khỏi mọi nỗi đe dọa từ dưới biển và trên biển.
Lực lượng chiến đấu của tàu sân bay USS George Washington là lực lượng hải quân mạnh nhất ở châu Á, và là “quả tim” của Hạm đội 7 Mỹ.
Nhưng “chơi tự do” có nghĩa đô đốc Iwasaki phải chứng tỏ được khả năng chỉ huy-điều hành, vì phía nhận vai “phe địch” sẽ tung ra nhiều đòn bất ngờ, đặt Iwasaki vào những tình huống nguy hiểm. Ông sẽ chỉ huy từ khu trục hạm Kirishima gắn tên lửa điều khiển mang lá cờ mặt trời mọc của Nhật, chạy phía trước chiếc tàu sân bay 100.000 tấn.
Nhật và Mỹ đã xem lại liên minh an ninh lần đầu tiên từ 17 năm qua, với kết luận có thể được đưa ra trong vài tháng nữa, là quân đội Nhật sẽ lãnh vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ đất nước của họ.
Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt trọng tâm là nâng cao sức mạnh của quân đội Nhật, tăng chi quốc phòng, nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, và sửa lại hiến pháp yêu chuộng hòa bình hậu Thế chiến 2, nhằm cho phép quân đội Nhật lần đầu tiên ra nước ngoài chiến đấu để bảo vệ đồng minh bị tấn công.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn cách bảo vệ an ninh Mỹ bằng chính sách “xoay trục về châu Á”, chính phủ bị thủng ngân sách của ông muốn Nhật lãnh trách nhiệm lớn trong khâu tự vệ.
"Quan hệ phòng thủ Mỹ-Nhật từng mất cân bằng, với Mỹ được yêu cầu lao động nặng hơn”, theo Grant Newsham, nhà nghiên cứu của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản. Sự gánh vác này nay không còn có thể đảm dương, nhất là Washington”.
Cựu sĩ quan hải quân Mỹ Newsham từng phụ trách liên lạc với quân đội Nhật, nói thêm: tập trận Mỹ-Nhật không có kẻ địch giả định nào.
Nhưng Kiếm Sắc 15 (hai năm tổ chức một lần) được tổ chức không xa quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền quần đảo này và đặt tên là Điếu Ngư.
Kế hoạch tập trận chung của Mỹ -Nhật cũng đều nhằm đề phòng Trung Quốc, vốn đang có một lực lượng hải quân có thể vươn ra khỏi vùng lãnh hải của họ tới những tuyến hàng hải quan trọng, vào lúc Bắc Kinh cũng đang đòi độc chiếm Biển Đông.
Vì thế, Mỹ khuyến khích Nhật nhận phần phòng thủ lớn hơn, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại hóa quân đội của họ quá nhanh.
Mai Hà (theo Reuters, Star & Stripes)