Số tiền để phẫu thuật chuyển giới là rất lớn. Vì vậy, thông thường, các cô gái phải đi làm tiết kiệm tiền trong thời gian dài, hoặc vay mượn, chấp nhận trải qua nhiều tủi nhục, đắng cay để có thể thực hiện ước mơ.
Tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở quận 10 (TP.HCM) để có thể hình dung được rõ ràng hơn cuộc sống của những cô gái. Ngôi nhà chỉ khoảng 16m2, gồm 1 trệt 1 lầu. Có khoảng 8 thành viên đang ở nhà, số còn lại đã đi ra ngoài làm việc hoặc về quê. Thông thường “ngôi nhà chung” là nơi sinh sống của khoảng 12 cô gái.
Khi tôi đến nơi, các cô gái đang sửa sang, chuẩn bị phục trang cho một sự kiện sắp tới. Vừa ngồi làm việc, các cô gái vừa tâm sự sâu hơn về những góc khuất của đời mình…
Không gian sống chật hẹp của các cô gái chuyển giới. Đây cũng là địa điểm kinh doanh, chuyên cho thuê trang phục lễ hội, trang điểm… để có thêm thu nhập - Ảnh: Đức Thịnh
Tủi nhục chất chồng
Chị Jessica (tên thật Nguyễn Hữu Toàn, 32 tuổi, quê Tiền Giang) chua chát nói: “Nói đi diễn cho sang vậy thôi chứ thực ra cũng rất phức tạp và cơ cực. Nếu may mắn vào mùa lễ hội, còn được diễn ở những sự kiện, đám cưới, tiệc tùng, còn đi diễn lô tô thì rất vất vả".
Kể về chuyện đi hát đám ma, Jessica không giấu được sự xót xa: “Thời xưa, làm gì có nhiều show mà diễn nên người ta kêu pê đê đi hát đám ma. Cát-sê cho mỗi người hát từ 7 giờ tối đến 2 - 3 giờ sáng khoảng 40 - 50 ngàn đồng. Nhiều khi hát xong rã rời và không nói chuyện ra hơi. Chỗ nào thương còn cho ăn uống, đối xử đàng hoàng, còn có chỗ họ chỉ xem mình là những sinh vật mua vui vài trống canh cho đám tang bớt buồn tẻ. Hết ngày về nhà, cả bọn mua bánh mì không ngồi gặm với nhau mà nước mắt rơi lã chã, buồn cho số kiếp của mình”.
Thậm chí, nhiều cô gái còn bị hãm hiếp, cướp giật vì thường xuyên đi diễn khuya ở các vùng sâu vùng xa - Ảnh: NVCC
Những mùa thấp điểm, nhà đông thành viên, không có show, tất cả mọi người chỉ húp cháo, tàu hủ cho qua ngày. Nhiều hôm mưa trắng trời nhìn ra mà nghĩ, chắc kiếp trước mình phạm nhiều tội lỗi lắm nên kiếp này mới bị đày đoạ như thế.
“Có lần tôi còn bị mấy thanh niên kéo vào rừng cao su đè ra hãm hiếp nhưng may mắn tôi cũng vùng vẫy chạy thoát”, chị tâm sự thêm.
Một thành viên khác xin được giấu tên tâm sự: “Hiếp dâm là còn đỡ, nếu như lúc đó bạn đã thành con gái rồi thì còn đỡ. Chúng hiếp xong rồi thì thôi, nhưng nếu như chúng phát hiện bạn vẫn chưa làm phần dưới, chúng sẽ đánh bạn bán sống bán chết mới tha cho. Hoặc chúng không đánh thì cũng ngắt nhéo, giẫm đạp vùng kín. Không chỉ vậy, có lần đi diễn về khuya, mình còn bị cướp dí theo giật giỏ, cướp xe, đâm vào người và phải giả vờ đã chết để chúng làm gì làm”.
Căn phòng trọ chỉ chưa đầy 16m2 nhưng có hơn chục con người chen chúc nhau sống - Ảnh:NVCC
Còn việc bị lạm dụng tình dục, sờ nắn là chuyện bạn bắt buộc phải chấp nhận. Lan Trinh cho biết lúc cô đi diễn, thường xuyên bị nắn bóp dù rất khó chịu nhưng cũng chẳng biết làm sao. Có khi mình phản kháng lại còn bị dè bĩu “pê đê thôi mà còn làm giá!”.
Tây Hà tâm sự bản thân là người chuyển giới nhưng vẫn có những xúc cảm của một cô gái, vẫn trân trọng bản thân mình nên khi bị chà đạp cảm thấy rất buồn.
Chị Jessica kể có khi đi về nhà, ngực bị bóp đến bầm tím, tiền boa cho một buổi như vậy mỗi người vài ngàn đồng, cả đêm chia ra mỗi đứa chỉ được vài chục ngàn.
Có bạn vừa đặt túi ngực chưa lành hẳn đã phải đi làm, cũng phải cho cánh đàn ông bóp để có được tiền boa… Ai thương cho 10 ngàn, 20 ngàn, người không thương bóp xong rồi thôi, hoặc cho 2 ngàn đồng lẻ… về nhà phải chườm lạnh cho đỡ nhức.
Chị Cà cho hay thu nhập cho các show lô tô, hội chợ, hoặc đám ma tuy chân chính nhưng lại rất thấp. Có khi chỉ khoảng 50 - 100 ngàn đồng/người cho cả đêm diễn - Ảnh: FBNV
Bước chân sa ngã
Cuộc sống bấp bênh, đi xin việc làm khó khăn nên không ít người chuyển giới phải đi hành nghề mại dâm để kiếm sống và trả nợ cho cuộc đại phẫu trước đó. Đa số khách của họ là khách Tây hoặc những người đàn ông có nhu cầu “tìm của lạ”.
Nhiều em vì yêu cầu của khách hàng mà nhắm mắt làm liều không sử dụng bao cao su dẫn đến mắc phải các bệnh xã hội. Đến khi phát hiện ra thì cũng đã muộn màng. N. chia sẻ: “Bạn của em đã khóc rất nhiều khi biết mình mắc phải căn bệnh HIV. May mắn là nhờ các tổ chức phi lợi nhuận hướng dẫn, bạn ấy mới được tham gia vào chương trình điều trị miễn phí, được cấp thuốc ARV hằng tháng. Sau khi biết mình bị bệnh, bạn cũng cố gắng sống tốt hơn vì HIV hiện nay chỉ còn là bệnh mãn tính. Hiện nay, bạn vẫn sống bình thường và chăm chỉ đi làm”.
Nhiều bạn là trẻ mồ côi hoặc được sinh ra trong gia đình lao động chân tay nên ý niệm về “người chuyển giới” còn rất xa lạ. Các bạn thường xuyên bị kỳ thị, bạo hành nên phải trốn khỏi gia đình, quê hương, sống với sự giúp đỡ của “má Cà” - Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, có nhiều bạn sau khi chuyển giới xong khá xinh đẹp nhưng lại không lo chú tâm làm ăn. Sau một thời gian đi làm nghề mại dâm đã đủ tiền trả nợ cho việc chuyển giới nhưng vì quen lối sống sung sướng nên không thể thoát ra được nên vẫn tiếp tục hành nghề.
Tây Hà cho biết: “Mình biết là nói ra sẽ có thể đụng chạm nhưng mà quan điểm của mình là khi đã có đủ tiền để thực hiện ước mơ, trả nợ xong thì phải sống tử tế để người đời không nhìn vào đó mà đánh giá cả cộng đồng. Ngoài ra, đó cũng là việc làm trái pháp luật".
"Hà không định kiến về điều này bởi có cầu mới có cung. Nhưng thử nghĩ mà xem, đi rửa chén, làm lao công, công nhân không ai nhận. Đi bốc vác cũng không được vì người ta chỉ nhận nam. Đa số các bạn đều rời xa gia đình sớm, ít học và bị gia đình chối bỏ, làm gì có tiền để giải phẫu. Bất cứ lý do nào đó nếu ai trong hoàn cảnh đó mới hiểu được. Đó là cách nhanh có tiền nhưng biết khi nào dừng lại và lo cho tuơng lai như kinh doanh, buôn bán. Còn không thì sẽ không thoát ra được! Vì Hà may mắn cố gắng nỗ lực tốt nghiệp được đại học, hình thể cũng dần hoàn chỉnh nên mới có được việc làm tốt, chứ ngày xưa, Hà chỉ ăn thức ăn thừa của các tiệm cơm còn dư để dành tiền mà sống”, Tây Hà nói thêm.
Chị Jessica (tên thân mật chị Cà, cũng là người chuyển giới đang hỗ trợ cuộc sống cho các em chuyển giới có hoàn cảnh khó khăn) cho biết: “Có nhiều đứa đi khuya về là mình nghi ngờ tụi nó hành nghề mại dâm nên lúc nào cũng nhắc nhở cầm chừng. Lúc nào tôi cũng khuyên cho các em sống sao để được người khác tôn trọng, để người ta có cái nhìn bớt ác cảm với cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng. Đời tôi già rồi không học hành được nữa nhưng mình luôn khuyên tụi nhỏ ráng học chứ đừng bỏ ngang như tôi mà hối tiếc… Xã hội này chưa bao giờ coi trọng những ai làm gái, dù bất kỳ lý do hay hoàn cảnh nào đi nữa. Tụi nó hay gọi tôi là má Cà vì mình vừa là người đi trước, định hướng nhiều thứ cho các em và xem các em như thành viên trong gia đình mình, nương nhau mà sống”.
Theo Hà Thanh Phúc (TNO)