Sau khi uống hết 100ml thuốc diệt cỏ diquat, nam thanh niên 32 tuổi bị tổn thương đa cơ quan, suy thận cấp rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao.
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học kỹ thuật kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện Lê Văn Thịnh sáng 19.5, bác sĩ Lê Thị Bích Nhi - Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện cho biết, các bác sĩ ở đây vừa tiếp nhận và cứu sống thành công một nam thanh niên tự tử bằng thuốc diệt cỏ diquat.
Theo bác sĩ Nhi, nam thanh niên này 32 tuổi nhập viện nhập khoa cấp cứu sau 3 giờ uống 100ml thuốc diệt cỏ diquat với biểu hiện tổn thương đa cơ quan.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đau rát họng, thượng vị và nôn nhiều, ra dịch trắng, không máu, không khó thở, không co giật. Sinh hiệu ghi nhận: Mạch 88 lần/phút, HA: 140/100 mmHg, Sp02: 98%/khí trời. Tim đều, phổi trong, bụng mềm, ấn đau thượng vị, không đề kháng. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc diquat giờ thứ 3.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày bằng than hoạt; truyền dịch tích cực với nacl 0.9% 500ml và glucose 5% 500ml. Bệnh nhân được tiến hành đặt catheter tĩnh mạch đùi phải và lọc máu hấp phụ HA 330 trong vòng 1 giờ sau khi nhập viện. Trong ngày đầu tiên, bệnh nhân được lọc máu hấp phụ liên tục 3 lần (thời gian 3 giờ), mỗi lần cách nhau 8 giờ; sử dụng kháng sinh Cefoperazone/Sulbactam…
“Trong vòng 24 giờ đầu, bệnh nhân diễn tiến suy thận cấp rất nhanh. Bệnh nhân được điều trị tích cực với rửa dạ dày bằng than hoạt, truyền dịch và lọc máu hấp phụ sớm. Sau 18 ngày nằm viện, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn và được xuất viện”, bác sĩ Nhi chia sẻ.
Theo bác sĩ Nhi, ngộ độc diquat gây bệnh cảnh tổn thương đa cơ quan, tỷ lệ tử vong rất cao và chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Điều trị với lọc máu hấp phụ sớm ngay sau nhập viện giúp giảm đáng kể nồng độ diquat trong huyết tương.
“Hiện nay, điều trị ngộ độc diquat còn nhiều hạn chế và tranh cãi do chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Việc điều trị nhằm mục đích giảm hấp thu và tăng thải trừ diquat là cần thiết. Lọc máu hấp phụ là một trong những phương pháp điều trị hữu ích thông qua cơ”, bác sĩ Nhi nói.
Phân tích của bác sĩ Nhi cho thấy, diquat thuộc nhóm thuốc diệt cỏ bipyridyl, mang các tính chất vật lý và hóa học tương đồng với paraquat nhưng lại có nhiều triệu chứng lâm sàng cơ quan tổn thương rất khác biệt.
Chế giảm nồng độ độc chất trong huyết tương nhanh. Một số trường hợp lâm sàng được báo cáo về hiệu quả của lọc máu hấp phụ trong ngộ độc diquat.
Tuy nhiên, lọc máu hấp phụ không ngăn chặn cơ chế tổn thương tế bào của diquat thông qua hình thành các gốc oxy tự do, dẫn đến chết tế bào và rối loạn chức năng cơ quan. Do đó, các trường hợp ngộ độc diquat với lượng lớn, không được chẩn đoán kịp thời và thời gian nhập viện trễ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như gây thương tật vĩnh viễn và tỉ lệ tử vong vẫn cao dù được lọc máu hấp phụ.
“Chuyên gia Tanen (*) và cộng sự đã báo cáo 13 trường hợp liên quan đến việc uống diquat, với 9/13 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 70%, với các trường hợp tử vong liên quan đến biến chứng đường tiêu hóa, viêm phổi, nhồi máu não giữa và suy thận. Do hậu quả nặng nề, và tỷ lệ tử vong vẫn còn cao nên ngộ độc diquat cần được chẩn đoán và lọc máu kịp thời”, bác sĩ Nhi khuyến cáo.
* David Tanen - Giáo sư chuyên về lâm sàng, cấp cứu thuộc Trường Y khoa David Geffen tại UCLA, bác sĩ cao cấp Trung tâm y tế Harbor - UCLA.