Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị truy tố về 2 tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn 'ẵm' hàng chục tỉ vẫn cứ chối?

Thu Anh | 02/03/2017, 06:09

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị truy tố về 2 tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề xuất khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi

Theo cáo trạng, cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thỏa thuận với ngân hàng Đại Dương (OceanBank) để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn - Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc OceanBank.

Theo lời khai của Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, đầu năm 2009, khi Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank, Sơn chủ động đề nghị Thắm hai vấn đề: để huy động được vốn từ PVN, OceanBank cần phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần trao đổi chi tiết để Sơn được chủ động giải quyết công việc.

Do OceanBank là ngân hàng mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn, Thắm đã tính toán mức chi thêm này sẽ khoảng trên dưới 1%/năm nên đã chấp nhận đề nghị trên của Sơn để OceanBank thu hút được nguồn vốn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN.

Để có nguồn thu phí “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu trên, Hà Văn Thắm đã sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam do Thắm thành lập đầu năm 2008 để thực hiện việc ký hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại OceanBankđể thu phí và làm quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc BSC, đồng thời giao cho nhiều nhân viên khác thực hiện việc chi “chăm sóc khách hàng” PVN theo yêu cầu của Sơn khi có chỉ đạo củaThắm.

Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 22.5.2009 đến ngày 31.1.2012, công ty BSC của Hà Văn Thắm đã “thu phí” hơn 69 tỉ đồng bao gồm các khoản thu chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng tín dụng, thu chênh lệch tỉ giá ngoài hợp đồng mua bán ngoại tệ, thu phí dịch vụ mua bán bất động sản/ tài sản kỳ hạn.

Phục vụ mục đích vụ lợi

Về số tiền hơn 69 tỉ đồng được xác định là đã tư túi cá nhân, trong phiên tòa chiều 1.3, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng thực tế chỉ nhận từ Thắm ba lần 2,6 tỉ đồng và một lần 1,9 tỉ đồng, còn các khoản khác bị cáo không nhận được. Và Sơn đều cho rằng đó là tiền quan hệ cá nhân chứ không liên quan gì đến OceanBank, đồng thời phủ nhận không bao giờ đề nghị Công ty BSC chuyển tiền cho bị cáo...

Nhưng theo tài liệu điều tra, việc quản lý nguồn thu của Công ty BSC từ việc ký các hợp đồng dịch vụ được Hà Văn Thắm giao cho Lê Thị Minh Nguyệt, nguyên là thành viên Ban Kiểm soát OceanBank, quản lý tài chính của một số công ty trong đó có BSC.

Từ tháng 9.2009 đến tháng 11. 2010, mỗi khi Nguyệt sử dụng nguồn thu phí của BSC chi cho Nguyễn Xuân Sơn, kế toán BSC sẽ chuyển khoản hoặc lập chứng từ chi để chi tiền mặt hoặc nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng mà Sơn yêu cầu. Thực tế, Nguyễn Xuân Sơn không trực tiếp đến BSC ký chứng từ nhận tiền nên kế toán phải ghi cụ thể nội dung chi trên các chứng từ (chi cho Sơn) để theo dõi và hạch toán.

Cụ thể, từ cuối tháng 9.2009 đến đầu tháng 11.2010, bằng nhiều cách khác nhau, BSC đã chi cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 69 tỉ đồng (28 khoản).

Cơ quan điều tra xác định, việc sử dụng công ty BSC để ký các hợp đồng dịch vụ khống và hợp đồng mua bán bất động sản có kỳ hạn đã gây hậu quả thiệt hại cho OceanBank và khách hàng gần 69 tỉ đồng để sử dụng chi cho mục đích vụ lợi của Nguyễn Xuân Sơn, nhưng trên thực tế BSC đã chi cho Sơn hơn 69 tỉ đồng - quá số tiền thu được.

Hành vi phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Nguyễn Xuân Sơn sẽ được làm rõ trong phiên xử vào ngày 2.3.

Nhã Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn 'ẵm' hàng chục tỉ vẫn cứ chối?