Tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến đã xác nhận bản thân có khuyết điểm thiếu sát sao quyết liệt nên dẫn đến sai sót.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ‘thiếu sát sao quyết liệt’

18/05/2020, 17:54

Tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến đã xác nhận bản thân có khuyết điểm thiếu sát sao quyết liệt nên dẫn đến sai sót.

Vì lý do sức khỏe, bị cáo Nguyễn Văn Hiến được ngồi khai báo - Ảnh: T.A

Theo cáo trạng, các khu đất số 2 (số 1-1A-2), số 7-9 (số 9), số 9-11 (số 11-13) tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân. Năm 2006, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hải quân nhất trí phương án hợp tác kinh doanh do cơ quan chức năng, doanh nghiệp đề xuất.

Tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến khai thời gian triển khai thực hiện các khu đất này, bị cáo đang là người đứng đầu Quân chủng hải quân. Tuy nhiên, sau khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới biết đó là đất chưa được chuyển mục đích sử dụng.

Theo bị cáo Hiến, việc quyết định chủ trương đưa 3 khu đất vào làm kinh tế là xuất phát từ phía Quân chủng Hải quân và TP.HCM, trong đó, TP.HCM đề nghị trước và Giám đốc Công ty Hải Thành lúc bấy giờ có đề xuất ý kiến để đưa 3 khu đất vào làm kinh tế và được Thường vụ thông qua.

Các bị cáo tại phiên tòa

Tuy nhiên, công văn số 3333/BQP ngày 4.7.2006 đã yêu cầu Quân chủng hải quân chỉ được tiến hành hợp tác liên doanh sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan về quản lý, khai thác các khu đất theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.

Ngày 6.10.2009, Văn phòng Bộ Quốc phòng có Công văn số 5371/VP-NC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP ngày 20.7.2009 của Bộ Quốc phòng, đất vẫn do Quân chủng hải quân quản lý. Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất”.

Quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hải quân, bị cáo Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003.

Cáo trạng cũng nêu rõ bị cáo Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của Công ty Yên Khánh; không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 3 khu đất; không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng; sau khi ủy quyền cho Giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng đã không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan và Công ty Hải Thành, dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba…

Phiên tòa sẽ được xét xử nhiều ngày

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái luật

Để thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hải quân, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt trên từng khu đất, Quân chủng hải quân đã giao cho các cơ quan chức năng (Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế) và Công ty Hải Thành của Quân chủng mà trực tiếp là các bị cáo Bùi Như Thiềm (Trưởng phòng Kinh tế), Đoàn Mạnh Thảo (Trưởng Phòng Tài chính), Bùi Văn Nga (Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện, các bị cáo đã đã ký các văn bản hoặc tham mưu để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ký các văn bản, làm các thủ tục không đúng quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về quản lý đất đai trong triển khai thực hiện khai thác 3 khu đất làm kinh tế; xin ghi thu, ghi chi tiền chuyển mục đích sử dụng đất không đúng theo quy định.

Trong đó, bị cáo Bùi Văn Nga trực tiếp ký và thực hiện các hợp đồng; Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo thực hiện việc đàm phán với đối tác, ký và tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng trong chỉ đạo thực hiện 3 dự án. Trần Trọng Tuấn chỉ tham gia dự án khu đất số 7-9, đã không quản lý được phần vốn góp là quyền sử dụng đất của Quân chủng hải quân, trực tiếp ký biên bản họp HĐTV, HĐQT, Điều lệ công ty Yên Khánh Hải Thành (cho phép công ty liên doanh được thế chấp quyền sử dụng đất)…

Theo lời khai của các bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”, các bị cáo đều cho rằng chỉ biết đó là hợp đồng liên doanh, nhưng đến khi làm việc với CQĐT, các bị cáo mới nhận thức được đó là hợp đồng cho thuê đất.

Cụ thể, bị cáo Bùi Như Thiềm khai đã nhận được chỉ thị về tổ chức đàm phán thương thảo ký kết hợp đồng liên quan đến 2 khu đất số 2, số 7-9 và tham gia đàm phán liên quan đến khu đất 9.11 đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Khi tham gia đàm phán với đối tác liên quan đến các khu đất trên, bị cáo đàm phán về nội dung thương mại và cơ chế thương mại. Nội dung chính trong hợp đồng liên doanh tại các khu đất trên là nội dung thương mại liên quan đến tiền, thời hạn liên doanh là 49 năm.

Với nhiệm vụ được Thường vụ và Tư lệnh giao, bị cáo Thiềm cho rằng bản thân đã nghiên cứu chức trách nhiệm vụ của phòng kinh tế Quân chủng hải quân, nghiên cứu các văn bản của Thường vụ Đảng ủy, Luật Doanh nghiệp… Tuy nhiên, trên thực tế, bị cáo không kiểm tra năng lực của đối tác.

Đặc biệt, theo lời khai tại tòa của bị cáo Bùi Văn Nga, khi ký hợp đồng liên doanh, các khu đất này chưa được chuyển mục đích sử dụng.

Nhã Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ‘thiếu sát sao quyết liệt’