Thị trường ghi nhận một số nhà sản xuất đã phải chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình. Tuy nhiên, việc dịch chuyển chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam.

Đã có đơn hàng bị chuyển đi, nhưng chưa doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam

Hồ Đông | 06/10/2021, 14:16

Thị trường ghi nhận một số nhà sản xuất đã phải chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình. Tuy nhiên, việc dịch chuyển chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam.

Thị trường ảm đạm do đại dịch

Theo Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL, tập đoàn Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản), do tác động của dịch COVID-19, trong quý 3/2021, ngoài việc số lượng dự án FDI đăng ký mới có xu hướng giảm, thị trường đã ghi nhận một số doanh nghiệp sản xuất đã phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình.

“Việc dịch chuyển đơn hàng hiện chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam. Mặc dù giãn cách xã hội dài ngày đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Nếu đại dịch sớm được kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều cấp thiết nhất lúc này là các tỉnh khu vực phía nam cần sớm mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới một cách đồng bộ, để khôi phục tiềm năng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Cùng với đó, các thủ tục mở cửa trở lại nên được hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để chiến lược phục hồi được triển khai hiệu quả sau thời gian chống chọi với đại dịch”, JLL nhận định.

JLL cũng cho biết do ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4, thị trường đất công nghiệp tại phía nam không có nguồn cung mới được triển khai trong quý 3/2021. Báo cáo của JLL cho thấy trong quý này, nguồn cung bất động sản công nghiệp chỉ duy trì ở mức 25.220 ha.

Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng tương đối ảm đạm với chỉ một nguồn cung mới được tung ra. Tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 3,3 triệu mét vuông.

Trong quý 3/2021, thị trường phía nam đã hứng chịu những tác động to lớn do đại dịch. Tất cả các hoạt động giao thông bắt buộc phải tạm dừng khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Các khu công nghiệp đang hoạt động cũng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất để phục vụ công tác chống dịch.

Do vậy, thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn lần lượt duy trì ở mức 85% và 87%. Thị trường được dự báo sẽ sôi động trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và TP.HCM cùng các tỉnh lân cận được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất và các nhà đầu tư chưa thể triển khai các hoạt động mở rộng kinh doanh, song JLL nói rằng giá đất vẫn tiếp tục tăng. Giá đất công nghiệp đạt mức 114 USD/m2/kỳ hạn thuê, tăng 0,75% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thuê nhà xưởng xây sẵn được giữ ổn định, với mức 4,5 USD/m2 GFA/tháng, tăng nhẹ 1,4% so với năm trước, như là một hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ dịch bệnh.

bds-cong-nghiep-vn.jpeg
Bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh: Internet

Cơ hội nâng tầm bất động sản công nghiệp

Cũng nhận định về thị trường bất động sản công nghiệp, ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam (thuộc Tập đoàn Savills của Anh, chuyên cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới) đánh giá việc chuyển đổi sang thu hút các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Theo ông John Campbell, những công xưởng sản xuất da giày và thời trang lớn với quy mô 10.000 lao động sẽ dần dịch chuyển đến những nơi xa hơn, chi phí thấp hơn, thậm chí có thể là các nước lân cận. Các nhà phát triển bất động sản ở Việt Nam đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các nhà sản xuất giá trị cao, đơn cử như lĩnh vực linh kiện điện tử hoặc ô tô từ châu Âu và Mỹ”.

Trong 10 - 20 năm trở lại đây, các khu công nghiệp tại miền Bắc đã đón nhận sóng đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn như LG, Samsung (Hàn Quốc), Honda (Nhật Bản) và gần đây là dự án VinFast của Vingroup. Sự hiện hiện của những tên tuổi có thương hiệu đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp lân cận, bởi các nhà cung cấp phụ tùng và nguyên liệu thường có nhu cầu thuê nhà xưởng diện tích khoảng 1.000 - 2.000m2 gần các nhà sản xuất lớn.

Xu hướng thu hút đầu tư này cũng thuận chiều với những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông John Campbell cho rằng Việt Nam có thể cần nhiều thời gian để tận dụng triệt để lợi ích của EVFTA, để lợi ích về chuyển giao công nghệ cũng như kiến thức trở nên rõ nét. Chuyển giao công nghệ sẽ mang tới sự thay đổi về mặt quy trình, thiết bị cũng như máy móc chuyên dụng. Đồng thời, việc chuyển giao kiến thức sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển kỹ năng của lao động Việt Nam. Khi số lượng lao động có tay nghề cao và công nghệ phát triển, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất thuộc nhóm ngành giá trị cao.

Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang đứng trước cơ hội nâng tầm để đáp ứng nhu cầu về trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp nước ngoài. Chuyên gia Savills dự báo trong vài năm tới thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc bất động sản này, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm mặt bằng phục vụ việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu.

Bài liên quan
TP.HCM: Hàng trăm dự án nhà ở bị ‘mắc kẹt’, ngân sách thất thu
Tình trạng chậm cấp sổ hồng cho khách hàng, chậm phê duyệt, tính tiền sử dụng đất… tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM đang làm giảm nguồn thu ngân sách, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã có đơn hàng bị chuyển đi, nhưng chưa doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam