UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra, xác định thiệt hại tài nguyên rừng tại dự án Đại Ninh.

Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xác định thiệt hại tài nguyên rừng tại dự án Đại Ninh

Hồ Đông | 06/10/2021, 12:07

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra, xác định thiệt hại tài nguyên rừng tại dự án Đại Ninh.

Mới đây, các sở Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án. Đồng thời, cần rà soát quá trình chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông trong doanh nghiệp này từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, việc chuyển nhượng dự án (nếu có).

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết, vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phối hợp các sở ngành và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án.

6 năm không đóng tiền sử dụng đất

Báo cáo phần việc được giao đối với dự án Đại Ninh, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết theo quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 7.2.2012, UBND tỉnh cho phép Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng hơn 166,5 ha đất sang đất ở theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Căn cứ khoản 2, điều 57, Luật Đất đai năm 2013: “Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 8.2018, Công ty Sài Gòn Đại Ninh vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, bao gồm cả tiền chậm nộp đối với phần diện tích được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án trên.

Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính ngày 9.1.2018 cho thấy tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là hơn 158 tỉ đồng. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thực hiện, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, đánh giá trên cơ sở thực tế thực hiện dự án, chuyển sang thực hiện phương thức cho thuê đất, thu tiền thuê đất hằng năm hoặc thu hồi dự án.

sai-gon-dai-ninh-da-lat-2.png
Siêu dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh diện tích gần 3.600 ha trên 4 xã của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: DKR

Liên tục cam kết nhưng vẫn chậm nộp

Tại các cuộc làm việc với sở ngành tỉnh Lâm Đồng vào tháng 4.2018 và tháng 5.2018, Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho rằng dự án có tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện dự án lớn; tiến độ dự án chia ra nhiều giai đoạn (đến năm 2018 hoàn thành). Số tiền giao quyền sử dụng đất khá lớn, trong khi cùng thời điểm công ty này đầu tư xây dựng nhiều hạng mục khác.

Do vậy, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đề nghị được xem xét, tạo điều kiện trước mắt cho chuyển hình thức giao quyền sử dụng đất đối với diện tích đất có thu tiền là 1,665 triệu mét vuông sang hình thức thuê đất trả tiền hằng năm nhưng không thay đổi quy mô, mục tiêu của dự án đã được cấp phép.

Chủ đầu tư cam kết sau khi đầu tư hạ tầng cho toàn dự án sẽ báo cáo xin chuyển lại hình thức giao quyền sử dụng đất tính theo khung giá hiện hành, sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo khung giá mới.

Như vậy, căn cứ theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường có thể thấy thời điểm UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng hơn 1,665 triệu mét vuông sang đất ở có thu tiền sử dụng đất là ngày 7.2.2012. Thế nhưng, đến năm 2018, tức là suốt 6 năm, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, bao gồm cả tiền chậm nộp đối với phần diện tích được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nêu trên.

Gần đây, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã tạm nộp số tiền sử dụng đất là 100 tỉ đồng, thể hiện doanh nghiệp có năng lực và quyết tâm thực hiện dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để triển khai dự án, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sài Gòn Đại Ninh chuẩn bị các hồ sơ thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

du-an-nam-da-lat-17.jpeg
Khu vực thực hiện dự án khu đô thị Đại Ninh - Ảnh: DKR

257 ha rừng trong dự án bị "bốc hơi"

Cũng trong văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, chính quyền tỉnh giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra, xác định thiệt hại tài nguyên rừng tại dự án Đại Ninh để Sở Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bồi thường theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo này, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư. Theo đó, báo cáo của Sở Tài chính cho thấy diện tích rừng bị mất của dự án là 257 ha. Trong đó, 140 ha được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định trữ lượng tại văn bản ngày 5.1.2016. Sở Tài chính tính toán và có quyết định số 22/QĐ-STC ngày 2.3.2017 phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là hơn 6,6 tỉ đồng, Công ty Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) đã nộp đủ.

Trong khi đó, 117 ha được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định trữ lượng tại văn bản ngày 25.2.2011. Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tính toán, được xác định giá trị hơn 12,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị. Ngày 3.6.2021, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có văn bản ngày 16.6.2021 hướng dẫn, đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh liên hệ đơn vị tư vấn chuyên ngành để kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng gửi về sở làm cơ sở đối chiếu, giải quyết. Đến ngày 26.8.2021, sở tiếp tục có văn bản đôn đốc công ty thực hiện, thế nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa cung cấp hồ sơ.

long-ho-dai-ninh-tai-du-an-nam-da-lat.jpeg
Hồ Đại Ninh tại dự án Khu đô thị Đại Ninh - Ảnh: DKR

Do vậy, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện. Sau ngày 15.10.2021, nếu công ty không cung cấp thì Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có ý kiến bằng văn bản về số rừng rà soát để Sở Tài chính tính toán và thông báo số tiền bồi thường phải nộp.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đề nghị chủ đầu tư hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt. Trường hợp Công ty Sài Gòn Đại Ninh vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tổng hợp, tham mưu chấm dứt hoạt động dự án theo chỉ đạo tại Kết luận số 1033/KL-TTCP ngày 30.6.2021 của Thanh tra Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Dự án Khu đô thị Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh vào cuối năm 2010 với diện tích khoảng 3.595 ha. Trong đó, 1.306 ha là đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 25.243 tỉ đồng.

Theo quy hoạch, dự án Khu đô thị Đại Ninh được triển khai xây dựng từ năm 2010-2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng, sau một thời gian triển khai rầm rộ, hàng loạt các hạng mục chính đến nay vẫn chưa được xây dựng.

Bài liên quan
Siêu dự án khu đô thị hoang tàn giữa đại ngàn Tây Nguyên
Siêu dự án khu đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư 25.000 tỉ đồng, sau 11 năm triển khai vẫn là đất hoang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xác định thiệt hại tài nguyên rừng tại dự án Đại Ninh