Về chính sách sử dụng đất đai, Thủ tướng cho biết cần điều chỉnh theo hướng tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Ngày 2.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng để tạo ưu thế vượt trội cho các đặc khu thì dự thảo Luật cần có các quy định mang tính vượt trội, vượt trên các quy định của các luật hiện hành.
Chẳng hạn, Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế trong khi nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm. Do đó, dự thảo Luật nên quy định theo hướng dài hạn.
Các ý kiến nhấn mạnh mục tiêu là làm cho các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước.
Muốn vậy, phải tạo ra thể chế vượt trội với các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh bình đẳng, tạo dựng “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp với tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh…
Nói tại hội nghị, Thủ tướng cho rằngdự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được chuẩn bị công phu, trách nhiệm với hệ thống tổ chức rõ ràng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và trình các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để làm sao có thể trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Luật tốt nhất, bảo đảm bền vững lâu dài trong phát triển. Điểm neo Tinh thần là bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút; phải tính trước mắt và lâu dài Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những chuyện hết sức cụ thể ở từng đặc khu. Tinh thần xanh, sạch, đẹp, công nghệ cao, không trái điều ước quốc tế cần được quán triệt.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cập nhật thông tin mới nhất về đặc khu để có lợi thế so sánh, trước hết là những vấn đề về các nhà đầu tư chiến lược, bởi “đặc khu mà không có nhà đầu tư thì khó thành công”. “Trong quá trình xây dựng cần tiến hành đánh giá tác động, lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi”.
Thủ tướng cũng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…
Về chính sách sử dụng đất đai, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
“Cần quy định tính định hướng các ngành nghề, khuyến khích đầu tư vào đặc khu ở những lĩnh vực Việt Nam đang cần, phát huy lợi thế của từng đặc khu”, Thủ tướng nói.
Về phương thức quy định chính sách ưu đãi đầu tư, cần bảo đảm tính đột phá, linh hoạt trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư trên cơ sở khung chính sách ưu đãi quy định tại Luật này.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết theo thể chế kinh tế thì hiện nay chúng ta có nhiều luật cũng chỉ ở mức hội nhập chung chứ chưa đến mức cao như các nước đã có. Vì thế để thu hút các nhà đầu tư đến thì chúng ta phải có những ưu đãi vượt bậc về thể chế, mà như người ta hay ví von là “xây tổ cho phượng hoàng” đến.
“Tất nhiên, chúng ta cũng không thể vì đó mà thu hút đầu tư bằng mọi giá như trước đây. Rất cần thiết phải có cân nhắc, chọn lọc”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh
Hoài Phong