“Báo chí chính là cầu nối giữa các đại biểu và cử tri. Nếu báo chí vào được, thông tin đầy đủ, đa dạng tới cử tri thì sẽ tạo được lợi ích kép, cử tri vừa giám sát lại vừa hiểu được các hoạt động của những người đại diện cho tiếng nói của mình”, ĐBQH khóa 13 Lê Như Tiến nói.

Đại biểu Lê Như Tiến: ‘Hoạt động của Quốc hội nên thông tin càng nhiều càng tốt’

Trí Lâm | 13/07/2017, 15:52

“Báo chí chính là cầu nối giữa các đại biểu và cử tri. Nếu báo chí vào được, thông tin đầy đủ, đa dạng tới cử tri thì sẽ tạo được lợi ích kép, cử tri vừa giám sát lại vừa hiểu được các hoạt động của những người đại diện cho tiếng nói của mình”, ĐBQH khóa 13 Lê Như Tiến nói.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH khóa 13 Lê Như Tiến cho rằng các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nên được thông tin càng nhiều càng tốt để cử tri hiểu hoạt động của các đại biểu, bởi vì cử tri là người bầu ra các đại biểu, giám sát hoạt động của các đại biểu.

Do đó, ông Tiến cho rằng các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội nên cởi mở và tạo điều kiện cho báo chí thông tin. Trừ những vấn đề cơ mật liên quan đến an ninh -quốc phòng, bí mật quốc gia thì cần họp kín, còn các vấn đề khác thì không cần thiết.

“Báo chí chính là cầu nối giữa các đại biểu và cử tri. Nếu báo chí vào được, thông tin đầy đủ, đa dạng tới cử tri thì sẽ tạo được lợi ích kép, cử tri vừa giám sát lại vừa hiểu được các hoạt động của những người đại diện cho tiếng nói của mình”, ông Tiến nêu.

Cũng theo vị này, cho báo chí thông tin cũng là một cách để giáo dục pháp luật cho người dân. Hơn nữa, các hoạt động lập pháp, đặc biệt là giải trình thì việc các cơ quan báo chí tham gia đưa tin có nhiều điểm tích cực.

“Với các dự án luật, các vấn đề chuẩn bị trình Quốc hội quyết định thì việc thông tin đa chiều, nêu nhiều ý kiến, phản biện khác nhau thì càng tốt bởi sẽ giúp các đại biểu nghe nhiều chiều, có nhiều thông tin để đưa ra quyết định chính xác nhất”, ông Tiến nói.

Cũng đồng tình với quan điểm này, một cựu thành viên của UBTV Quốc hội cũng cho biết: “Nhiều lãnh đạo tiền nhiệm đã cố gắng cởi mở với báo chí, xây dựng một hình ảnh Quốc hội hoạt động sôi nổi và tạo ra hiệu ứng khá tốt. Tôi nghĩ điều này nên được phát huy chứ không phải ngăn cấm báo chí”.

Theo vị này, nếu báo chí thông tin sai lệch vấn đề thì xử phạt theo Luật Báo chí, yêu cầu cải chính, còn những vấn đề cơ mật thì có thể họp kín. Để báo chí theo dõi phiên họp sẽ giúp cho cử tri và nhân dân hiểu thêm về hoạt động của các đại biểu.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ: “Ở nước ta, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, còn Quốc hội thì chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chịu trách nhiệm trước nhân dân trước hết nghĩa là phải chịu sự giám sát của nhân dân. Để nhân dân có thể giám sát, Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp công khai”.

Ông Dũng cho biết, UBTV Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, vì vậy UBTV Quốc hội đương nhiên cũng phải họp công khai. Đây là lý do tại sao Điều 4 Quy chế làm việc của UBTV Quốc hội quy định: “Hoạt động của UBTV Quốc hội được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTV Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí…”.

Cũng theo vị này, Quốc hội và UBTV Quốc hội hoàn toàn có thể họp kín khi cần thiết (ví dụ như liên quan đến bí mật quốc gia). Tuy nhiên, muốn họp kínthì vẫn phải tuân theo các thủ tục do pháp luật quy định. “Ví dụ, Quốc hội chỉ có thể họp kín “theo đề nghị của Chủ tịch nước, UBTV Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu quốc hội” (Điều 90, Luật Tổ chức Quốc hội). Thủ tục họp kín cho UBTV Quốc hội có vẻ như chưa được quy định ở đâu cả, nhưngvề nguyên tắc, những gì áp dụng cho Quốc hội thì đương nhiên phải được áp dụng cho cơ quan thường trực của Quốc hội”.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Nếu chỉ phát cho báo chí một bản thông cáo báo chí thì không đảm bảo tính phản biện thông tin, không đảm bảo tính thời sự và người đọc, có lẽ cũng không có cảm xúc. Nếu lấy lý do sợ lỡ lời khi phát biểu mà bị báo chí đưa tin thì không thuyết phục. Vì đã là chính khách, đã là đại biểu quốc hội thì phải rất cân nhắc khi phát biểu trước diễn đàn Quốc hội hay phiên họp Thường vụ Quốc hội. Đã là chính khách, là đại biểu quốc hội thì không thể chấp nhận sự lỡ lời, bất kể có sự tham dự của báo chí hay không”.

Nói trên tờ Infonet, nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết thông tin: “Quốc hội nhiều nước trên thế giới mở cửa suốt ngày, ai muốn vào nghe cũng được. Tất nhiên họ phải đăng ký trước và chấp hành những quy định (ăn mặc, tác phong…) được đặt ra. Bản chất của Quốc hội là cơ quan dân cử nên phải mở và các nước họ cũng thực hiện như vậy”.

“Trước năm 1994, sau mỗi kỳ họp Thường vụ chỉ có những thông cáo báo chí nhạt nhẽo, khô khan. Cả nước đăng theo một tin, đại biểu hoạt động cũng nhạt nhẽo kém hẳn… Từ năm 1994, lần đầu tiên có phát thanh, truyền hình trực tiếp về phiên họp Quốc hội thì khác hẳn. Không khí sôi nổi ở nghị trường được người dân quan tâm, theo dõi, bàn bạc. Người dân cũng biết được đại biểu họ bầu ra hoạt động như thế nào, làm gì”, ông Thuyết nói.

Ông Thuyết cũng nêu rõ: “Điều này càng thể hiện rõ khi ban đầu chỉ dừng ở truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, nhưng sau đó thì truyền hình trực tiếp cả những phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội… Người dân rất quan tâm, đón nhận và họ có quyền được biết về những nội dung này”.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Lê Như Tiến: ‘Hoạt động của Quốc hội nên thông tin càng nhiều càng tốt’