Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, liên quan đến công tác giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, UB Tư pháp phải gửi công văn nhiều lần mới có được kết luận thanh tra, "hỏi làm sao người dân có thể".
Hôm nay, 27.11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tiếp cận thông tin. Vấn đề về việc tiếp cận thông tin trong công tác phòng chống tham nhũng được các đại biểu quan tâm khá nhiều.
Cụ thể, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (tỉnh Bình Thuận) cho rằng vai trò của thông tin trong giai đoạn hiện nay là đặc biệt quan trọng. Có những thông tin mang tính chất như thứ hàng hóa siêu lợi nhuận, việc mua bán thông tin đang trở thành một xu thế có thực trong đời sống hiện đại.
"Bởi vậy, việc công khai, minh bạch thông tin là nhu cầu chính đáng, cấp thiết của người dân. Trong khi đó việc công khai thông tin, quy trình thủ tục về cung cấp thông tin theo yêu cầu tại các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập. Có một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, thông tin không được cung cấp chính thống, chính xác, kịp thời nên đã tạo ra cơ hội cho những thông tin không đúng sự thật gây dự luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội. Do vậy, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin là cần thiết, là cụ thể hóa đảm bảo thực hiện theo quy định của Hiến pháp, là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, luật hóa một số quy định về quyền thông tin đang được quy định trong các văn bản dưới luật và luật chuyên ngành", ông Niễn nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP.Hà Nội) nói: "Tôi nhận thấy một số dự án luật trình Quốc hội lần này như dự án Luật báo chí, dự án Luật tiếp cận thông tin, dự án Luật về hội v.v... vẫn thiên về triết lý này. Điều quan trọng các dự án luật cần tạo ra hành lang pháp lý, bình đẳng cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật phát sinh và họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, chứ không phải quản lý nhà nước bằng cung cấp xin phép theo cơ chế xin cho.
Tại Chương III của dự thảo luật đặt vấn đề cung cấp thông tin theo yêu cầu là vẫn theo lối tư duy cũ của cơ chế xin cho. Yêu cầu và cung cấp sẽ biến tướng thành xin và cho".
Ông Quyền cho rằng cần quy định trình tự, thủ tục, cách thức, hình thức, trách nhiệm của việc công khai minh bạch mọi hoạt động, mọi thông tin hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cách thức, quyền, trách nhiệm của mọi chủ thể trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin.
Việc cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đặt ra trong những trường hợp rất hãn hữu. Nếu đặt vấn đề cung cấp thông tin thì sẽ không khả thi, không bao giờ có thể đáp ứng được quyền tiếp cận thông tin của người dân và cũng không đủ nguồn lực về con người và cơ sở vật chất để làm việc này.
Vị đại biểu này cho rằng: "Cần phải xây dựng các thông tin này như một cơ sở dữ liệu của một thư viện quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, không đặt vấn đề yêu cầu của người dân và trách nhiệm cung cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có như vậy thì dự án luật này mới bảo đảm tính khả thi trên thực tế.
Lâu nay, trong các Luật tố tụng, nhất là về tố tụng hình sự, Luật thanh tra, kiểm toán, Luật phòng, chống tham nhũng đều quy định về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị, nhưng công khai minh bạch nội dung gì, như thế nào để người dân tiếp cận được thì các luật này đều chưa quy định cụ thể.
Do vậy, khi thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng các cơ quan thường công khai minh bạch trong các cuộc họp giao ban, tổng kết ngành hoặc bồi dưỡng tập huấn trong ngành thì làm sao để người dân có thể tiếp cận được những thông tin".
Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đại biểu này bày tỏ sự băn khoăn về việc không điều chỉnh thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Đây là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí liên quan đến quyền tự do thân thể, quyền về tài sản, quyền về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà không được điều chỉnh trong dự án luật này để người dân có thể tiếp cận trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật là một khiếm khuyết của dự án luật này.
"Tất cả các dự án luật về tố tụng, về thanh tra, về kiểm toán đều chưa quy định về vấn đề tiếp cận thông tin. Luật thanh tra quy định các kết luận thanh tra phải được công khai, nhưng trên thực tế khi cần một số kết luận thanh tra liên quan đến công tác giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phải có nhiều công văn cho Thanh tra Chính phủ thì mới có được những kết luận thanh tra này. Không dưới 3 lần chúng tôi gửi công văn xin về để giám sát vụ việc có liên quan đến tham nhũng.
Vậy nếu chúng ta không quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của việc công khai hỏi làm sao người dân có thể tiếp cận được các kết luận thanh tra, mặc dù Luật thanh tra quy định các kết luận đó phải được công khai", đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Theo ông Quyền, dự án luật quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Ông Nguyễn Đình Quyền nói tiếp: "Tôi cho rằng quy định này là không khả thi, bằng việc công khai minh bạch mọi hoạt động thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trừ những thông tin thuộc bí mật quốc gia thì nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để người dân có thể tiếp cận được thông tin trên mọi phương diện.
Còn việc người dân có thực hiện được quyền tiếp cận thông tin hay không bên cạnh các trách nhiệm của nhà nước còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người tiếp cận thông tin và điều này nhà nước khó có thể bảo đảm được".
Tuệ Minh