Không còn lạ gì những chuyện chết chóc xảy ra hằng ngày, nhưng đại dịch COVID-19 khiến nhân viên y tá gây mê Derrick Smith thấy một thực tại tàn khốc hơn.
Nhân viên Smith không thể nào quên được câu hỏi “Ai sẽ trả số tiền điều trị?” mà một người nhiễm COVID-19 thốt ra với hơi thở mệt nhọc.
“Bệnh nhân suy hô hấp nặng, nói chuyện khó khăn. Vậy mà điều ông ấy quan tâm lại là việc ai chi trả cho phương pháp y tế giúp kéo dài sự sống vốn khó có khả năng thành công với ông”, y tá tại thành phố New York chia sẻ.
Biết bệnh nhân này chẳng thể hồi phục dù được đặt nội khí quản, Smith cùng đồng nghiệp gọi cho vợ ông ta để họ từ biệt nhau lần cuối.
Bác sĩ thường chỉ định sử dụng máy thở với ca bệnh trở nặng – biện pháp hỗ trợ quá trình hô hấp đem lại thêm thời gian chống chọi bệnh tật. Tuy nhiên y tá Smith cho biết tại Mỹ tỷ lệ tử vong của những trường hợp đặt nội khí quản lên đến 80%.
Câu chuyện trên là điều tồi tệ nhất mà Smith từng chứng kiến trong 12 năm làm việc: “Tôi rất buồn và thấy sợ hãi. Chúng ta đã thất bại khi người bệnh đối mặt với cái chết lại phải lo lắng về vấn đề tài chính”, y tá Smith nói.
“COVID-19 làm bộc lộ nhiều bất cập mang tính cấu trúc ở đất nước chúng ta, không chỉ trong năng lực phản ứng với dịch bệnh mà còn trong khả năng tiếp cận vấn đề bảo hiểm y tế”, theo y tá Smith.
Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất không có hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, số liệu năm 2018 từ Cục Điều tra dân số cho thấy gần 28 triệu công dân trong độ tuổi lao động (10,4% dân số) không có bảo hiểm. Đây là thách thức lớn cho nỗ lực chống dịch COVID-19 của nước này.
Người dân ngần ngại đi khám lúc thấy không khỏe dù các công ty bảo hiểm cùng giới chức địa phương miễn phí xét nghiệm COVID-19, bởi vì họ vẫn phải trả những chi phí liên quan khác.
Đối tượng dân số có bảo hiểm nhờ công việc cũng gặp khó. Trong 3 tuần qua khoảng 16,8 triệu người (11% lực lượng lao động Mỹ) nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
“Tình hình sẽ trở nên tồi tệ nếu ta không cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Nhiều người mất việc vì đại dịch dẫn đến gia tăng tỷ lệ dân số không bảo hiểm. Một số phân tích cho thấy phí bảo hiểm tới tăng đến 40%, tạo ra gánh nặng cực kỳ lớn”, y tá Smith cho biết.
Cẩm Bình (theo CNN)