Đây là một trong số những nội dung mà Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành tập trung chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 và cao điểm du lịch hè năm 2024.
Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các sở quản lý du lịch chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 11.4.2024 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm Trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân.
Ban quản lý khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị kinh doanh liên quan tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng dịch vụ; đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ công tác phòng chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra trang thiết bị PCCC & CNCH; thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; đảm bảo an toàn phương tiện giao thông, quản lý điểm đậu và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.
Các khu, điểm du lịch có dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước và phương tiện vận chuyển khách du lịch nghiêm túc thực hiện giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành không sử dụng các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn để phục vụ khách tham quan du lịch.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đồng thời yêu cầu các sở quản lý du lịch các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, quan tâm phòng tránh tai nạn giao thông. Quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch, sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, nét đặc trưng về vùng đất, con người và đặc sản ẩm thực của địa phương.
Hà Nội yêu cầu địa phương có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ du lịch
Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch thủ đô.
Sở Du lịch đề nghị, các sở, ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật tại điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử văn hóa, khu vui chơi giải trí, khu vực tập trung khách du lịch trên địa bàn thành phố.
Các quận, huyện, thị xã thường xuyên giám sát, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ động phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ; đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký kết các hợp đồng dịch vụ, chương trình tham quan du lịch, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng đợt cao điểm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các địa phương có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ du lịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tùy tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và thủ đô nói chung. Một mặt, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách; tuyên truyền rộng rãi những điểm đến hấp dẫn, các sản phẩm dịch vụ du lịch mới của địa phương để tăng trải nghiệm cho du khách…
Tại Phú Quốc, sau một vài vụ việc “chặt chém” du khách, cuối tháng 2.2024, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc đã ký ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Phú Quốc. Bộ quy tắc nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại thành phố này. Trong đó, nội dung yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch tuân thủ pháp luật và các quy định tại điểm đến, không phân biệt đối xử với khách du lịch, tích cực hỗ trợ du khách trong trường hợp xảy ra rủi ro, cần giúp đỡ; yêu cầu các dịch vụ du lịch cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa uy tín, chất lượng, an toàn; công khai giá cả, dịch vụ, hàng hóa và bán đúng theo giá niêm yết; cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín; không chèo kéo, đeo bám, tranh giành, nài ép khách du lịch; không cấu kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác để trục lợi từ khách du lịch…