Hầu đồng vốn là một phong tục gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt. Nó là một lễ thức đặc trưng mà tiêu biểu nhất là tín ngưỡng Tứ Phủ. Gần đây những ông đồng, bà cốt đang có xu hướng "trẻ hóa". Rõ ràng "căn duyên" với nhà Thánh không phân biệt tuổi tác, thân phận nhưng hầu đồng hiện nay đang có rất nhiều biến tướng. Bên cạnh việc nhiều người lấy hầu đồng làm chiêu trò mê tín dị đoan, thì nhiều bạn trẻ, thậm chí là sinh viên coi phong tục hầu đồng như thể một trò chơi, một thứ để "đú" với bạn bè và thiên hạ.
Ông đồng bà cốt 9X
Đơn giản hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông đồng, bà cốt. Về bản chất nó là nghi thức giao tiếp với thần linh, người cõi âm thông qua các "cô đồng", "bà cốt” hoặc "cậu đồng". Khi các vị Thánh đã nhập đồng thì đồng chính là Thánh hiển linh để phán truyền, ban phúc cho các tín dân.
Hình ảnh ông đồng, bà cốt thường là những người có tuổi. Thế nhưng hiện nay hầu đồng đang có xu hướng trẻ hóa. Không những vậy giới sinh viên 9X hiện nay cũng có rất nhiều bạn theo "nghiệp" hầu đồng. Khi hỏi những bạn trẻ này thì ai nấy đều bảo tất cả là do chữ "duyên". Khi một người đã được Thánh "chấm", tức là có căn thì tất yếu phải ra hầu.
Đã từng có rất nhiều trường hợp được Thánh bắt đồng khiến ốm liệt giường, khám chữa khắp nơi không thuyên giảm, thậm chí có những người thành ra ngớ ngẩn. Người ta cho rằng nếu có căn mà không ra hầu Thánh có nghĩa là còn mắc nợ, không làm tròn bổn phận của người mang căn mệnh, sẽ có tội với thánh thần.
Bạn Ngô Thị Hà sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH. TL, mới chưa đầy 20 tuổi nhưng Hà đã có thâm niên nhiều năm với "nghiệp" hầu đồng. Hà kể: "Ban đầu em cũng chỉ theo bà bác họ đi xem hầu đồng. Đúng vào lần thứ 3, khi đang ngồi dự vấn hầu, em bỗng dưng thấy người khó chịu sau đó ngất lịm đi không biết gì nữa. Lúc mở mắt ra thì thấy rất đông người túm tụm xung quanh, còn chắp tay "con lạy cô…". Họ bảo là em đã được Thánh "chọn", có căn tứ phủ, phải nhanh chóng thu xếp trình các ngài".
|
Rất nhiều bạn trẻ có hứng thú hầu đồng thoát xác. |
Ngay sau lần đó bố mẹ Hà vô cùng lo lắng, thấy con gái ngày càng nhợt nhạt, xanh xao, người gày như con cá mắm. Sợ ảnh hưởng đến việc học, tương lai của con gái, bố mẹ Hà quyết định sắm đồ lễ ra trình đồng. Hà kể: "Nhà em ở Hà Nam nhưng bố mẹ phải sang tận Bắc Ninh nhờ "đồng thầy" giúp.
Ở quê em cũng có "đồng thầy", có phủ, có điện nhưng vì mọi người sợ bạn bè, thiên hạ biết là em đi hầu đồng. Bố em bảo, con gái mới lớn lại đi hầu đồng thì không thể chấp nhận được. Đồng đồng, cốt cốt sau này sợ em không lấy được chồng".
Trường hợp của bạn Lê Công Định (sinh viên năm 3 ĐH. TL) cũng cho rằng mình đến với "nghiệp" hầu đồng là do "căn duyên". Định ra Hà Nội học đại học, sau đó trình đồng mở phủ từ khi mới 18 tuổi. Ông đồng trẻ tuổi đời, già tuổi đồng nói đĩnh đạc: "Việc ra hầu đồng là cái duyên của mỗi người. Đã có căn duyên thì phải ra hầu Thánh thôi. Chẳng thể cưỡng lại được".
Ban đầu Định được các thượng tọa của một ngôi chùa uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhìn tướng, bắt quẻ và phán là nặng căn đồng, chắc chắn phải ra hầu đồng mới mong hưởng bình yên. Định cho hay, việc có căn hay không được xác định qua xem tướng, xem bói.
Có nhiều trường hợp xuất hiện trong giấc mơ, xuất hiện các vị Thánh mang căn hiện về. Không những vậy có nhiều người bị ốp ngay tại cửa đền, cửa phủ. "Em được xác định mang căn Cô Chín Sòng, sở dĩ biết được căn là do em được thầy đồng soi qua xem bói và giấc mơ".
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Thánh không phân biệt tuổi tác, giới tính để giáng đồng. Có nhiều trường hợp do vướng bận công việc, hoặc không đủ điều kiện kinh tế sẽ làm lễ xin khất đồng, hoãn đồng. Định chia sẻ về việc này: "Những người quá nặng căn thì không hoãn được đâu. Khi mà Thánh đã ốp đồng khiến người có những biểu hiện bất thường lắm. Cuộc sống lúc nào cũng không yên ổn. Chỉ có cách hầu đồng mới được sống bình an, yên tâm làm việc, học hành".
"Đồng đú"
Có những bạn trẻ theo hầu đồng là vì họ có căn duyên thật nhưng có những người đến với giá hầu đồng chỉ để "đú", để thể hiện đẳng cấp hoặc thậm chí còn là để gây sự chú ý với người mà mình đang theo đuổi.
Trước, nhiều bạn trẻ khi theo hầu đồng họ phải giấu giếm vì sợ bạn bè biết sẽ kỳ thị nhưng hiện nay lại đang có xu hướng ngược lại. Nguyễn Thị M., sinh viên Trường Đại học Thương Mại, Hà Nội - người có 3 năm theo hầu đồng chia sẻ: "Hồi em còn học cấp III, thi thoảng đi theo mẹ dự khóa hầu đồng cũng thấy rất thích.
Hai lần đầu thì chỉ thích thôi, đến lần thứ 3 thì tự nhiên mặt mũi em tối sầm lại, mồ hôi ướt đầm rồi tự nhiên xỉu. Mọi người lúc đó bảo em đã được Thánh "chấm". Sau lần đó em phải sửa soạn để em ra trình đồng. Lúc đó ở quê em chỉ lo bạn bè biết sẽ cười chê nên giấu lắm. Nhưng sau này khi lên Hà Nội học thấy nhiều bạn công khai hầu đồng nên em cũng không ngại nữa".
M kể, trong nhóm chơi của em có tất cả 5 người thì đến nay đã có 4 người theo hầu đồng. Lý do là bởi 3 người bạn còn lại sau vài lần theo M đi hầu đồng đã rất thích thú với những bộ áo váy xênh xang và những màn múa mềm mại. Dường như cả ba người không hiểu gì về ý nghĩa của những điệu múa trong hầu đồng nhưng ai nấy đều chung cảm giác hiếu kỳ bởi những ngón tay thon thả uốn éo.
Cách gập ngón giữa, cách thu ngón cái, rồi bật ngón út, vặn tay chèo (trong động tác chèo đò của giá Chào Thác Bờ), rồi cả điệu múa song kiếm trong giá Quan lớn Đệ tam… Thế là họ nảy sinh muốn học cho kỳ được. Họ cho rằng đó là cách chơi lạ lẫm, hiếm có. Vì thế họ tự đứng ra "mượn" đền, thuê "đồng thầy", thuê đội hát văn… và bắt đầu "thú chơi" hầu đồng.
M. khoe: "Thế là nhóm bọn em cũng sắp thành nhóm hầu đồng hết rồi. Chúng nó bảo 5 đứa chơi với nhau, 4 đứa đều đã hầu đồng giờ còn một mình nó thấy lẻ loi, có vẻ chả ăn nhập gì với nhóm nữa. Bọn em định sang tháng tới sẽ dẫn con bạn đi sửa soạn rồi trình đồng".
Có nghe câu chuyện của M. kể mới hiểu, căn duyên đâu chưa biết nhưng rõ ràng là đang có một hội chứng "đú" để không kém bạn kém bè.
M. bảo chúng tôi, nếu muốn tận mắt chứng kiến một khóa hầu đồng thì sáng ngày kia đi theo M. Địa điểm là một ngôi đền trên địa bàn Hà Nội. Đến nơi, M. chỉ cho chúng tôi chủ nhân của khóa hầu đồng. Đó là một cô gái còn rất trẻ. M. bảo: "Đây là đồng "đú" thôi. Nó tên là D. học Trường Đại học Văn Hóa. D. với cái H. cùng thích một đứa bạn trai cùng lớp.
|
Một cảnh trong lớp dạy hát văn. |
Người bạn trai ấy lại thường xuyên đi theo các giá hầu đồng. Để lấy lòng bạn trai cả D. và H. đều theo hầu đồng. Mới tháng trước cái H. mở một giá hầu lớn lắm, hơn 100 triệu. Cái D. kém miếng khó chịu nên lần này mở một giá lớn hơn. Đúng là ném tiền qua cửa sổ. Giá mà hai đứa đó có căn thật thì chả nói làm gì, đằng này chỉ là muốn lấy lòng bạn trai mà phải bỏ ra cả một núi tiền. Quá là lãng phí".
Không nghe M. giới thiệu thì chỉ cần nhìn thôi cũng đủ thấy đây là một giá đồng lớn cỡ nào. Đồ lễ toàn đồ xịn, đắt tiền. Chén đũa bạc, cốc pha lê, chiếc khăn thêu cầu kỳ bằng kim tuyến phủ lên cái gương ở chính giữa. Đồ lễ mặn như ốc, cá, tôm, cua, mực, nếp cẩm được liệt vào hạng sang.
Phía ban thờ cơ man nào là đồ hàng mã và một chiếc thuyền rồng hình cánh phượng có 12 hình nhân chèo thuyền, đôi ngựa và một đôi voi có đủ yên cương khá bề thế. M. nói: "Để sắm được từng đó đồ lễ không phải chuyện đơn giản đâu ạ. Nhiều người phải đi vay mượn để sắm sửa đó. Ngày nay các đồ lễ cũng có nhiều thay đổi nhưng cơ bản vẫn phải giữ được những thứ đó. Người có tiền sẽ sắm đồ xịn, to, hoành tráng hơn".
Rất nhiều "đồng đú" còn thuê cho mình cả một chuyên gia trang điểm để vẽ mặt. Khách mời của họ toàn hàng trẻ tuổi, cậu ấm cô chiêu, lắm tiền nhiều của. Đặc biệt hơn cả là màn phát lộc của các cậu "đồng đú" này. Họ cầm cả sấp tiền có mệnh giá cao vênh váo tung ra tứ phía. Với họ nhảy đồng như thể một cách để nổi tiếng. Và, khi càng đốt nhiều tiền thì sẽ càng tăng đẳng cấp chịu chơi.
GS.TS Phạm Minh Khang (GĐ TT Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam) cho hay: Để người trẻ đến với hầu đồng theo sở thích thôi thì chưa đủ mà cần có sự định hướng, giáo dục để các cháu hiểu rõ hơn những giá trị của loại hình văn hóa tâm linh này. Đó là giá trị về thẩm mỹ và đạo đức.
Đến với hầu đồng còn rất cần phải có ý thức, cả những người làm công tác quản lý, tuyên truyền, đến những "đồng thầy" của các cháu phải làm cho thế hệ trẻ nhận biết được sự khác biệt giữa những giá trị văn hóa tâm linh với giá trị vật chất thị trường. Nếu cứ lợi dụng văn hóa tâm linh để trục lợi kinh tế là chúng ta đang hạ thấp giá trị văn hóa truyền thống, hạ thấp văn hóa dân tộc.
Theo Quang Ngọc - Ảnh: Hoàng Anh/ Cảnh sát toàn cầu