Vài ngày nay, người dân thủ đô Hà Nội vô cùng tiếc nuối khi thấy cảnh cả trăm cây cổ thụ bị đốn hạ không thương tiếc trên đường Nguyễn Trãi.
Đường Nguyễn Trãi ở Hà Nội đang mất đi hàng cây cổ thụ che bóng mát bao năm nay vì bị đốn hạ một cách không thương tiếc.
Theo bà Bùi Thị Tám (73 tuổi), một người dân sống tại phường Thanh Xuân Nam cho hay, từ khi sinh ra và lớn lên, bà đã thấy hàng cây xà cừ này. Giờ đây, chứng kiến việc những cây cổ thụ này bị đốn hạ, bà thấy như mất đi thứ gì đó vốn quen thuộc.
Những cây xà cừ cổ thụ với đường kính thân cả mét ngã rạp, ngổn ngang thân lá cành trên đường cùng hàng loạt thắc mắc của người dân: Những cây cổ thụ này sẽ đi đâu? Việc chặt hạ có được sự đồng ý của cơ quan nhà nước hay không bởi chúng thuộc tài sản của Nhà nước? Vì sao trước đó, đơn vị quản lý cây xanh chỉ phải cắt tỉa cành phục vụ việc thi công đường sắt trên cao mà giờ lại phải chặt hạ toàn bộ cây?...
Vài ngày nay, cả chục người với cưa máy ầm ĩ đốn hạ hàng cây cổ thụ vốn quen thuộc với người dân thủ đô hàng chục năm nay.
Họ trèo lên trên ngọn cây, dùng cưa máy đốn hạ từng phần - Ảnh Triệu Quang
Từ ngọn rồi xuống gốc...
Kẻ dưới đất thì kéo dây mỗi khi từng cành bị cưa gần đứt
Từng cây, từng cây một ngã xuống...
Từng khúc thân cây bị cắt ra, ngổn ngang cùng cành lá trên đường
Hầu hết các cây xà cừ này đều có thân cả người ôm không hết, bán kính lên đến cả mét giờ bị biến thành củi, gỗ.
Toàn bộ những cây xà cừ ở Hà Nội đã được đánh số để quản lý và thuộc sự quản lý của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: việc đốn hạ các cây xanh trên để hỗ trợ đơn vị thi công lắp đặt dầm bê tông dự án tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
Nhưng trên thực tế, việc thi công lao dầm bê tông tuyến đường sắt trên cao đã được thực hiện suốt tuyến đường Trần Phú (quận Hà Đông), đến nửa đường Nguyễn Trãi mà những cây xà cừ cổ thụ bên cạnh chỉ phải cắt tỉa những cành chìa ra gần trụ bê tông mà vẫn đảm bảo cho việc thi công.
Trả lời câu hỏi của phóng viênBáo điện tử Một Thế Giới, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay toàn bộ số cây xanh này là thuộc tài sản của Nhà nước, được quản lý lý lịch và đánh số theo dõi. Việc chặt hạ cây xanh như vậy phải có giấy phép, phải có biên bản và việc số lượng gỗ đó được sử dụng ra sao phải công khai đấu thầu, tiền đấu thầu này sẽ được xung công quỹ theo quy định. |
Nam Phong