Tất cả đều chỉ là một màn kịch trong đó diễn viên chính Donald Trump đang được hỗ trợ rất đắc lực bởi những diễn viên phụ rất am hiểu luật chơi là các nền kinh tế lớn khác. Mọi thứ, nếu phân tích sâu hơn, thì có vẻ như chỉ là một sự hù dọa của Tổng thống Mỹ.
Những lời đe dọa về việc sẽ tăng mức áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang khiến cả thế giới bất an. Những dòng tweet đầy khiêu khích về việc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump lại càng như đổ thêm dầu vào lửa, khi Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích khá dữ dội. Nhưng, nếu phân tích sâu hơn, thì có vẻ như chỉ là một sự hù dọa.
Thoạt nhìn, những kế hoạch tăng mức áp thuế mới lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump hiện nay rất giống với điều mà một người tiền nhiệm của ông là Tổng thống George W. Bush đã làm trước đây. Tổng thống Bush cũng đã tăng mức áp thuế nhập khẩu thép trong năm thứ hai nhậm chức của mình. Và một trong những lý do khiến ông Trump xem xét kế hoạch tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hiện nay là để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình hồi năm 2016.
Kết quả khá ảm đạm của chính sách tăng thuế với thép nhập khẩu của Tổng thống George W. Bush cách đây ít năm có thể gần như sẽ lặp lại với Donald Trump hiện nay nếu vị Tổng thống đương nhiệm quyết định thực hiện chính sách này. Các mức áp thuế của Bush khi đó đã gần như phản tác dụng, khi mà việc tăng thuế nhập khẩu đã khiến các ngành công nghiệp sử dụng thép của nước Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể do tăng chi phí, trong khi đây mới là các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động hơn và đóng góp nhiều cho nền kinh tế Mỹ hơn là ngành thép - đối tượng hưởng lợi chính từ động thái điều chỉnh thuế này. Nói cách khác là lợi bất cập hại. Ngoài ra, nó cũng gây ra tình trạng các nền kinh tế khác tung ra các biện pháp trả đũa thương mại với Mỹ. Tất cả những lý do này khiến cho Tổng thống Bush đã phải gỡ bỏ các quy định điều chỉnh thuế nhập khẩu thép vào năm 2003, hồi kết của một chính sách được xem là thất bại.
Kết quả tương tự sẽ xảy ra ở thời điểm hiện tại nếu Donald Trump quyết định điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm. Thậm chí hậu quả sẽ còn tai hại hơn so với thời George W. Bush. Ngành công nghiệp thép của Mỹ hiện nay có quy mô nhỏ hơn so với thời Tổng thống Bush vào năm 2002, nói cách khác lợi ích mà ngành thép Mỹ nhận được từ quyết định này sẽ rất nhỏ, trong khi thiệt hại từ các ngành công nghiệp sử dụng thép của Mỹ sẽ rất lớn. Thậm chí ông Trump còn tuyên bố các điều chỉnh về thuế nhập khẩu của mình sẽ được diễn ra trong một thời gian đủ dài chứ không phải chỉ chưa đầy 1 năm như của ông Bush.
Khác biệt lớn nhất trong câu chuyện tăng thuế nhập khẩu thép này giữa Donald Trump hiện nay và George W. Bush trước đây, là bối cảnh nền chính trị và kinh tế. Nước Mỹ vào năm 2002, thời điểm mà ông Bush đưa ra quy định tăng thuế nhập khẩu, chưa thực sự coi trọng vấn đề toàn cầu hóa và vẫn có xu hướng bảo hộ rõ rệt các ngành công nghiệp trong nước nếu bị ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Chỉ sau khi chính sách tăng thuế nhập khẩu thép đó thất bại, Mỹ mới bắt đầu tìm cách gia tăng tự do hóa thương mại toàn cầu. Một truyền thống của Mỹ là các nghị sĩ sẽ có xu hướng bảo vệ các ngành sản xuất địa phương trong khi các tổng thống lại đặt ưu tiên cho lợi ích quốc gia dựa trên trao đổi thương mại tự do. Vì vậy, các tổng thống thường có xu hướng áp đặt thuế quan và rào cản thương mại để xoa dịu Quốc hội trong khi vẫn tìm cách tự do hóa thương mại nói chung. Theo kinh nghiệm, thì ngành thép thường nhận được sự bảo vệ từ các tổng thống ưu tiên vấn đề thương mại.
George W. Bush cũng giống như người tiền nhiệm Bill Clinton, muốn thiết lập các hiệp định thương mại tự do mới. Vào tháng 12.2001, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Tổng thống Bush thương lượng các hiệp định thương mại mới, và chắc chắn điều này sẽ không diễn ra nếu như không thực hiện các biện pháp bảo hộ ngành thép để xoa dịu Quốc hội. Cố vấn thương mại của ông Bush khi đó là Robert Zoellick đã tuyên bố rằng việc tăng thuế nhập khẩu thép 2002-2003 là cần thiết để đạt được các bước tiến trong việc thương lượng các hiệp định thương mại.
Nói cách khác, việc đe dọa tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hiện nay của Donald Trump cũng đang được tiến hành với ý nghĩa tương tự như người tiền nhiệm George W. Bush trước đây, nhưng có thể với một mục đích khác. Khác với Bush, Donald Trump không hề có ý định được Quốc hội cho phép thương lượng các hiệp định thương mại mới, mà là muốn đàm phán lại các hiệp định thương mại cũ theo hướng có lợi hơn cho Mỹ. Khá nhiều nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm như Canada, Mexico và Hàn Quốc lại đang là những nước mà Mỹ đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn.
Vì vậy, có thể thấy về lý thuyết những lời đe dọa tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm, cũng như về một cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump chỉ là một bước đi mang tính nước đôi nhằm đổi lấy các quyền lợi khác cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng việc Washington tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm sẽ không diễn ra, nếu dựa trên những gì mà Tổng thống George W. Bush trước đây đã làm.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)