Truyền thông thế giới những ngày gần đây nói nhiều đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo sau năm 2023 – thời điểm mà theo luật chưa sửa đổi, vị chủ tịch của Trung Quốc sẽ phải về hưu sau hai nhiệm kỳ phục vụ.

Từ việc Trung Quốc tính thêm nhiệm kỳ cho chủ tịch đến câu chuyện tuổi nghỉ hưu

02/03/2018, 07:43

Truyền thông thế giới những ngày gần đây nói nhiều đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo sau năm 2023 – thời điểm mà theo luật chưa sửa đổi, vị chủ tịch của Trung Quốc sẽ phải về hưu sau hai nhiệm kỳ phục vụ.

Quy định tuổi nghỉ hưu đang tỏ ra lỗi thời đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện tại - Ảnh: Internet

Nếu điều này trở thành sự thật, đó có lẽ sẽ là một trong những sự kiện có ảnh hưởng nhất đến thế giới trong những năm sắp tới. Có lẽ chính vì thế nên mọi sự chú ý đều xoay quanh khía cạnh này của vấn đề, mà quên đi một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém: tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc. Có nhiều lý do để tin rằng, kể cả khi ông Tập không được kéo dài thời gian làm việc của mình hơn dự kiến, thì điều đó lại hoàn toàn có thể xảy ra với đa phần người dân Trung Quốc.

Có một thực tế là việc giới hạn độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc (kể cả từ các nhà lãnh đạo tối cao đến những quan chức hay người lao động bình thường) có tác động lớn đối với hoạt động của Chính phủ và nền kinh tế nước này. Nó được thiết kế để phù hợp với các điều kiện của người Trung Quốc, nhưng giờ đây đang đứng trước áp lực cần phải thay đổi.

Việc thiết lập giới hạn độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc xuất phát từ việc tuổi thọ và thời gian làm việc của người dân nước này trong quá khứ thường không quá dài. Vào năm 1978, Trung Quốc đã ban hành luật trong đó đàn ông phải nghỉ hưu khi 60 tuổi còn phụ nữ là 55 nếu là công chức, và là 50 nếu hoạt động trong các lĩnh vực sử dụng chân tay. Ở thời điểm đó, hơn 80% dân số Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và tuổi thọ trung bình của họ chỉ là trên dưới 66 một chút.

Lý do chủ yếu cho việc thiết lập giới hạn độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc vì thế xuất phát từ quan điểm thực dụng. Không chỉ vì độ tuổi trung bình của người dân chỉ dao động quanh mức 66, mà điều này còn mở ra cơ hội cho những thế hệ trẻ tuổi và tham vọng hơn trong việc thăng tiến. Nền kinh tế và quản trị của Trung Quốc vì thế sẽ được hưởng lợi từ những ý tưởng trẻ trung và tươi mới cũng như những người trẻ tuổi có khả năng lao động thể chất dồi dào hơn. Ngoài ra, nó còn tác động đến các quỹ lương và thuế hưu trí của Trung Quốc nữa.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại mọi thứ đã thay đổi. Hầu hết công nhân và người lao động Trung Quốc hiện đang sống ở các thành phố lớn, làm những công việc ít cần đến thể lực và tay chân, tuổi thọ trung bình cũng bắt đầu cao hơn. Đồng thời, số lượng lao động của Trung Quốc cũng bắt đầu có xu hướng thu hẹp lại: tính đến năm 2015 cứ một người nghỉ hưu ở Trung Quốc thì có tới 3 người đang trong độ tuổi lao động, ở một số tỉnh thì tỷ lệ này thấp hơn: 1/1,5. Khi quá trình già hóa dân số bắt đầu được đẩy nhanh, thì tỷ lệ sẽ còn thấp hơn nữa. Một thống kê ước tính thiếu hụt lương hưu của Trung Quốc có thể lên đến 190 tỉ USD vào năm 2019.

Ngoài ra, yêu cầu phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới từ 5 đến 10 năm như quy định thường được xem là khá mang tính phân biệt đối xử. Trong một số năm gần đây, điều này là lý do dẫn đến việc chi trả tiền lương thấp hơn cho lao động nữ, và cũng là lý do khiến tỷ lệ lao động nữ ở Trung Quốc đã sụt giảm khá mạnh trong nhiều năm. Điều này càng khiến cho tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là các lao động lành nghề và có kinh nghiệm, càng trở nên trầm trọng.

Hậu quả của việc nghỉ hưu sớm đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế và bộ máy điều hành của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, khi một quan chức về hưu không có nghĩa là hệ thống bảo trợ và ảnh hưởng của người đó sẽ bị xóa sổ theo. Trong một số trường hợp, về hưu lại tạo điều kiện thuận lợi cho những quan chức có ảnh hưởng khi họ sẽ không còn phải chịu trách nhiệm và bị giám sát như khi đương chức nữa, trong khi quyền lực và tầm ảnh hưởng thì vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Điều này có thể dẫn đến những hệ quả không mấy tích cực. Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người đã nghỉ hưu vào năm 2002, đã tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng của mình trong nền chính trị Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ sau đó. Vào năm 2015, một số tờ báo hàng đầu của Trung Quốc thậm chí còn đưa ra lời cảnh báo đối với các quan chức đã nghỉ hưu không nên tiếp tục dính líu đến hệ thống chính trị.

Một hệ quả khác của vấn đề này là các quan chức buộc phải nghỉ hưu khi đến tuổi thường giữa các vị trí quan trọng trong những hiệp hội về thương mại, hoặc trong các doanh nghiệp kinh tế tư nhân, và từ đó họ có thể tác động đến các quan chức thông qua các mối quan hệ cá nhân của mình. Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình lại nhắm đến cả các quan chức đã nghỉ hưu cũng như vẫn còn đang đương nhiệm.

Dù vậy, nâng cao độ tuổi về hưu hoặc loại bỏ hoàn toàn cơ chế này cũng sẽ không giải quyết được tất cả các hệ quả nêu trên. Những quan chức muốn lạm dụng quyền lực thì họ sẽ vẫn làm vậy, bất kể dù còn đương nhiệm hay đã nghỉ hưu. Có thể cải thiện dần nếu như có những cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Cũng tương tự, khoảng cách chi tiêu ở Trung Quốc sẽ không biến mất kể cả khi nam giới và nữ giới được nghỉ hưu ở cùng độ tuổi, nhưng ít nhất nó cũng cải thiện được phần nào điều này. Và cuối cùng, việc nâng cao độ tuổi nghỉ hưu là cách duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai cũng như thiếu hụt tiền lương hưu.

Những nỗ lực gần đây nhằm sửa đổi quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc đã không trở thành hiện thực do thiếu những nỗ lực và ý chí chính trị ở Bắc Kinh. Nhưng nếu như Tập Cận Bình có thể trở thành nhà lãnh đạo có nhiều quyền lực hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong hàng thập kỷ trước đó, thì đó có thể là một cơ hội để sửa đổi quy định thiếu hợp lý trên.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ việc Trung Quốc tính thêm nhiệm kỳ cho chủ tịch đến câu chuyện tuổi nghỉ hưu