Trong bản báo cáo thường niên của mình, Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng Trung Quốc đã không thực hiện những lời hứa về những cải cách kinh tế mà nước này cam kết sẽ thực hiện khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang rời xa các nguyên tắc của kinh tế thị trường trong những năm gần đây.

Donald Trump muốn gây sức ép về thương mại lên Trung Quốc

01/03/2018, 16:30

Trong bản báo cáo thường niên của mình, Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng Trung Quốc đã không thực hiện những lời hứa về những cải cách kinh tế mà nước này cam kết sẽ thực hiện khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang rời xa các nguyên tắc của kinh tế thị trường trong những năm gần đây.

Tổng thống Trump bắt đầu xiết mạnh tay với Trung Quốc? - Ảnh: Internet

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra những cảnh báo rằng sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn chủ nghĩa thương mại có sự can thiệp và kiểm soát từ phía nhà nước của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến cạnh tranh toàn cầu. Đây được xem là lời cảnh báo mới nhất và gay gắt nhất mà Washington dành cho Bắc Kinh trong vấn đề gây tranh cãi này, và đây cũng được cho là sự khởi đầu cho hàng loạt các động thái thương mại mà Washington sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Trong bản báo cáo thường niên của mình, Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng Trung Quốc đã không thực hiện những lời hứa về những cải cách kinh tế mà nước này cam kết sẽ thực hiện khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001; không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang có xu hướng rời xa các nguyên tắc của kinh tế thị trường trong những năm gần đây. Theo bản báo cáo của ông Trump, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cạnh tranh kinh tế và thương mại toàn cầu, mà còn gây ra sự phân bố sai lầm đáng kể các nguồn lực toàn cầu khiến cho rất nhiều quốc gia đang trở nên nghèo hơn mức bình thường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của mình là ông Liu He đến Washington trong tuần này để gặp các quan chức cấp cao Mỹ trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Tập đã không ít lần lên tiếng kêu gọi các quốc gia tránh sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và nên gắn bó với xu hướng toàn cầu hóa. Một mặt khác, Trung Quốc cũng đang cân nhắc những biện pháp trả đũa nếu căng thẳng thương mại gia tăng, chẳng hạn như tăng mức áp thuế đối với đậu nành nhập khẩu từ Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong bản báo cáo của mình cũng đưa ra thông cáo: “Trung Quốc có thể tự do theo đuổi bất cứ chính sách thương mại nào mà họ muốn. Nhưng Mỹ với tư cách một quốc gia có chủ quyền sẽ có quyền được phản ứng nếu thấy có sự bất hợp lý.”

Những cảnh báo khá gay gắt của Tổng thống Donald Trump bắt đầu xuất hiện khi chính quyền Mỹ đang xem xét một loạt các hành động trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, và gián tiếp với các nền kinh tế châu Á khác. Ông Trump đang xem xét và cân nhắc ban hành một sắc lệnh hạn chế nhập khẩu thép và nhôm, và theo một số người bạn thân của Tổng thống Mỹ thì thậm chí có thể là một sắc lệnh áp thuế 24% cho tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu bất kể là từ quốc gia nào. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, Chính quyền Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương nếu cần thiết để chống lại các hành vi thương mại không công bằng.

Trong một diễn tiến khác, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump là Robert Lighthizer đang tiến hành điều tra xem liệu Trung Quốc có đang vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ hay không. Bản báo cáo của ông Trump đã chỉ rõ: “Nếu cần thiết chúng tôi sẽ hành động theo mục 301 để ngăn chặn Trung Quốc thu được lợi ích từ hành vi gian lận này”.

Cuộc gặp dự kiến diễn ra trong ngày thứ Năm 1.3 giữa Liu He - người đang giữ một ghế trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên của Trung Quốc - với các quan chức kinh tế cao cấp nhất của ông Trump, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Gary Cohn và Lighthizer. Liu He cũng sẽ có cuộc gặp với Susan Thornton, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Bản báo cáo thường niên của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngoài những tuyên bố cứng rắn về vấn đề thương mại với Trung Quốc, thì cũng là một sự xác nhận phương hướng và những nguyên tắc phát triển kinh tế của chính quyền mới. Bản báo cáo xác nhận rằng ông Trump đang đưa nước Mỹ vào một kỷ nguyên mới trong đó chính sách thương mại tập trung vào việc đảm bảo sự độc lập về kinh tế của nước Mỹ. Nó kêu gọi quay trở về các nguyên tắc được đặt ra bởi vị tổng thống đầu tiên là George Washington, bao gồm trọng tâm về lợi ích quốc gia và quan điểm cho rằng các thỏa thuận thương mại chỉ mang tính tạm thời và có thể được điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Nó xác nhận rằng ưu tiên trong chương trình thương mại của ông Trump là sử dụng những đòn bẩy cần thiết sẵn có để mở rộng hơn nữa những thị trường nước ngoài cho nền kinh tế Mỹ, nhằm đạt được một thị trường toàn cầu hiệu quả hơn và công bằng hơn với người lao động Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà đàm phán Mỹ đang tập trung vào thảo luận những điều chỉnh đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với những người đồng cấp Mexico và Canada sẽ diễn ra trong tuần này. Trước đó, ông Trump đã đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi NAFTA nếu hai nước còn lại không chấp thuận các biện pháp nhằm làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong khi thừa nhận rằng NAFTA đã có nhiều tác dụng hữu ích đối với nông dân và chủ trang trại Mỹ, thì bản báo cáo thường niên của ông Trump cũng cho rằng hiệp định này đem lại quá nhiều bất lợi cho nền kinh tế nước này, chẳng hạn như làm mất quá nhiều công việc của người lao động Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo.

Câu chuyện liên quan đến việc Mỹ áp thuế lên tới 24% đối với mọi mặt hàng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia trên thế giới ở thời điểm hiện tại có vẻ như mới là phần mở đầu của câu chuyện. Vào năm ngoái, ông Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại điều tra xem liệu hàng nhập khẩu có làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ theo các quy định của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 hay không. Bộ Thương mại Mỹ đã kết luận rằng nhiều mặt hàng nhập khẩu đang ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, và cho phép Tổng thống Mỹ có nhiều lựa chọn hành động. Vấn đề sẽ được quyết định vào giữa tháng Tư tới, và có thể khi đó một cuộc chiến thương mại lớn sẽ diễn ra.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Donald Trump muốn gây sức ép về thương mại lên Trung Quốc