Dù ngày 18.6 tới là hạn chót để các địa phương gửi thống kê thuốc dự trù cho gói thầu của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, nhưng đến thời điểm này rất nhiều địa phương vẫn chưa tổng hợp được thuốc dự trù của mình cho gói thầu này, vì có nhiều gói thầu trùng lắp danh mục thuốc khiến các cơ sở y tế đang gặp khốn đốn.

Đấu thầu thuốc tập trung: Các cơ sở y tế đang khốn đốn

Hồ Quang | 14/06/2018, 13:36

Dù ngày 18.6 tới là hạn chót để các địa phương gửi thống kê thuốc dự trù cho gói thầu của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, nhưng đến thời điểm này rất nhiều địa phương vẫn chưa tổng hợp được thuốc dự trù của mình cho gói thầu này, vì có nhiều gói thầu trùng lắp danh mục thuốc khiến các cơ sở y tế đang gặp khốn đốn.

          

Theo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, trong năm 2018 này, danh mục đấu thầu tập trung gồm 25 hoạt chất/thuốc, trong đó, 19 thuốc/hoạt chất phục vụ điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch như Bevacizumad, Bortezomib, Imatinib... và 6 hoạt chất/thuốc phục vụ trong điều trị tim mạch như Clopidogrel, Ivabradin, Metoprolol, Nebivolol, Rosuvastatin, Telmisartan.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết ngày 18.6 tới là hạn chót để các địa phương chốt số lượng thuốc dự trù cho gói thầu tập trung quốc gia năm 2018 gửi về trung tâm và dự kiến tổ chức đấu thầu vào ngày 15.8, nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương chưa chốt danh sách dự trù thuốc của đơn vị mình gửi về.

“Chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn nhưng với tình hình như thế này sẽ rất khó thực hiện. Điều này đang đẩy công tác đấu thầu thuốc tập trung quốc gia chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu thuốc cho các cơ sở y tế”, ông Dũng nói.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ hiện nay các địa phương chưa thể chốt số lượng thuốc dự trù để gửi về Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia là do sự chồng chéo rất nhiều gói thầu, nào là gói thầu của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, gói thầu của Bảo hiểm y tế, gói thầu riêng của địa phương…

Do có quá nhiều gói thầu của các đơn vị khác nhau nên để thống kê số lượng thuốc cần cho gói thầu tập trung quốc gia này rất khó khăn.

Theo một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang, hiện địa phương này có 20 cơ sở y tế nhưng hiện mới chỉ có 50% cơ sở gửi dự trù sử dụng thuốc về cho Sở Y tế. Trong khi đó, nhiều đơn vị dự trù không chính xác, Sở phải yêu cầu chỉnh sửa rất nhiều lần, do đó khó có thể thẩm định một cách chính xác việc dự trù thuốc của địa phương.

“Việc chậm thống kê số thuốc dự trù cho gói thầu của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia là do sự chồng chéo, trùng lắp giữa các gói thầu với nhau. Vì một cơ sở y tế phải tham gia quá nhiều gói thầu, trong đó vừa có gói thầu tập trung quốc gia, vừa có gói thầu của Bảo hiểm y tế lại vừa có gói thầu riêng của địa phương…”, vị đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang nói.

Việc “đẻ” ra thêm 1 gói thầu của Trung  tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia khiến nguồn thuốc cung cấp cho 1 cơ sở y tế đến từ nhiều nơi khác nhau, giống như một “ miếng bánh” đem chia sẻ cho nhiều người đang vô hình trung gây khó khăn, phức tạp cho việc đấu thầu thuốc cũng như dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ trong các cơ sở y tế.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết chinh việc “đẻ” ra Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia để tổ chức đấu thầu gói thầu thuốc tập trung quốc gia đang khiến cho các cơ sở y tế ở đây gặp khá nhiều rắc rối.

Nhiều loại thuốc đấu thầu riêng lẻ của địa phương trước đó đang trùng với những danh mục thuốc đấu thầu quốc gia năm 2018 nên các cơ sở y tế chưa thể tính toán được lượng thuốc dự trù cho gói thầu của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia.

“Nếu theo đấu thầu tập trung quốc gia thì chúng tôi không đảm bảo sử dụng ít nhất 80% số thuốc đã đăng ký ban đầu của gói thầu trước, còn nếu không theo đấu thầu tập trung quốc gia thì sẽ thiếu thuốc điều trị khi gói thầu riêng lẻ kết thúc vào tháng 6.2019”, vị đại diện Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho hay.

Ngay như cả TP.HCM, một địa phương có kinh nghiệm trong việc tổ chức đầu thầu tập trung, cũng đang gặp phải sự chồng chéo, bất cập từ việc đầu thầu tập trung này.

Dược Sĩ Đỗ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TP.HCM) cho biết hiện TP có hơn 5.700 cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh vẫn đang than phiền về sự chồng lấn, đan xen nhau giữa đấu thầu riêng lẻ và đấu thầu tập trung quốc gia.

“Để đấu thầu thuốc tập trung hiệu quả phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế. Mặt khác, khai thác tối đa thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần đảm bảo tiến độ đấu thầu cũng như kiểm soát được sự chênh lệch giữa dự trù thuốc và thực tế”, ông Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác trong đấu thầu tập trung hiện nay mà các cơ sở y tế đang phải đối mặt là cách tính số lượng thuốc dự trù.Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia căn cứ vào số lượng thuốc sử dụng 6 tháng đầu năm 2017 của cơ sở y tế đó để áp dụng cho công tác dự trù thuốc trong 2 năm tới trong đấu thầu thuốc tập trung.

Điều này theo các cơ sở y tế là rất bất cập, vì nhu cầu sử dụng thuốc từng thời điểm có sự biến động, đó là chưa kể việc các cơ sở y tế triển khai kỹ thuật mới, hay mô hình bệnh tật thay đổi… số lượng thuốc sẽ biến đổi rất nhiều.

Hồ Quang

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đấu thầu thuốc tập trung: Các cơ sở y tế đang khốn đốn