Bà Thảo cho rằng cần làm rõ sai sót trong tất cả các cuốn sách giáo khoa (SGK) mới; xác định rõ trách nhiệm của nhóm biên soạn, nhà xuất bản, thẩm định…
Đã sai thì phải sửa
Đề cập đến chương trình SGK mới tại phiên thảo luận ở Quốc hội chiều 3.11, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của người dân.
Theo đại biểu này, năm học 2020-2021, ngành giáo dục bắt đầu đưa vào sử dụng SGK lớp 1 mới, các nhà trường được lựa chọn những bộ sách khác nhau. Sau một thời gian giảng dạy đã có những phản ánh về những hạt sạn trong một số cuốn SGK mới như thiếu trong sáng về ngôn ngữ, chưa lô-gic, chưa khai thác kho tàng ngôn ngữ Việt Nam…
Bà Thảo cho rằng đã sai thì phải sửa, cần rà soát, làm rõ những sai sót trong tất cả các cuốn sách giáo khoa mới; có phương án chỉnh sửa cụ thể; xác định rõ trách nhiệm của nhóm biên soạn, nhà xuất bản, hội đồng thẩm định…
“SGK dùng để dạy con trẻ rất quan trọng, như biểu tượng thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục”, đại biểu Thảo bày tỏ.
Tranh luận lại với bà Đặng Thị Phương Thảo, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới, việc biên soạn SGK mới có khối lượng công việc rất lớn, do vậy không tránh khỏi một số sai sót liên quan đến ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1. Tuy nhiên, đây không phải là những sai sót đến mức nghiêm trọng và có thể điều chỉnh, sửa đổi được.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, xã hội hóa việc biên soạn SGK, Bộ đã thẩm định, phê duyệt 46 cuốn SGK thuộc 5 bộ SGK lớp 1.
Thời gian qua, sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các chuyên gia, phụ huynh học sinh, và người dân.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ dạo và thành lập đoàn kiểm tra, rà soát ý kiến các nhà khoa học, người dân về những điểm chưa phù hợp trong Sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, đã yêu cầu nhóm biên soạn, nhà xuất bản lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các cuốn SGK mới.
“SGK luôn được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên phù hợp với thực tiễn. Lộ trình đổi mới SGK là 5 năm, đây là năm đầu tiên, khối lượng công việc rất lớn, dù ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng nhưng khó có thể tránh khỏi sai sót. Sau năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, để hoàn thiện các bộ SGK”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Đối với sách tham khảo, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định các nhà trường không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào, và sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các sở GD-ĐT xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lo ngại nợ công vượt 3,6 triệu tỉ đồng
ĐB Nguyễn Minh Sơn nêu ý kiến, nợ công đến cuối năm nay có thể vượt 3,6 triệu tỉ đồng, năm sau trên 4 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi năm tới khoảng 360.000 tỉ đồng.
Mặc dù tỷ lệ nợ công đến cuối năm sau mới đạt 46,1% GDP (theo con số đánh giá lại) và 56,6% GDP (chưa đánh giá lại), nghĩa là chưa vượt trần Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng nợ công khoảng 11% trong 5 năm gần đây, đã vượt xa tăng trưởng kinh tế. Nghĩa vụ trả nợ vì thế ngày càng cao, có thể vượt ngưỡng 27% thu ngân sách.
Ông Sơn nói thực trạng trên dẫn tới rủi ro thanh khoản, lãi suất tăng cao hơn. Điều này cũng làm giảm dư địa chi đầu tư hàng năm, tiềm ẩn rủi an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia. Trong khi đó, dư địa tăng thu ngân sách năm tới gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn xử lý vấn đề này.
Đang có làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ đã tập trung cải cách thể chế, cắt giảm 50% đến 60% thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Việt Nam đã lên “đường cao tốc” hội nhập với thế giới, thúc đẩy cải cách trong nước. Trong đại dịch COVID-19, tính ưu việt của thể chế chính trị và năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam lại được tỏa sáng.
"Việt Nam đã trở thành là điểm đến hàng đầu cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trong xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn. Đại sứ Nhật Bản nói với tôi trong 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch cơ sở sản xuất thì có 15 doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Cũng theo ông Lộc, Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức hội nghị lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 2.200 đại biểu từ 50 nước. Tại đây, Việt Nam đã ký được các hợp đồng trị giá 11 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng.
“Thực sự đang có một làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam”, ông Lộc cho hay.
Mặc dù Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN, song ông Vũ Tiến Lộc cho rằng những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Với diễn biến phức tạp, khó đoán định hiện nay, Chính phủ cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, bệ đỡ cho mọi khát vọng vươn lên.
5 nắm tới như cuộc đổi mới lần 2
Góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay Việ Nam đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu như đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Có người gọi là đây là đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển, vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định”, ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu, chúng ta phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện.
Đơn cử như các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang thay đổi sức mua, cách thức tiêu thụ đòi hỏi chúng ta phải thích ứng ra sao. Hay hướng phát triển du lịch khi tương lai sẽ xuất hiện thêm những dịch bệnh khác. Chúng ta cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân....
“Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thế đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn”, ĐB Nghĩa chia sẻ.
"Nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng", ông Nghĩa nhận định.
Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, ĐB Nghĩa cho rằng Chính phủ phải giải quyết hàng loạt bài toán về tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền, nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền cũng như huy động sức dân. Trong đó, một yếu tố quan trọng là Việt Nam phải xây dựng những kế hoạch, đề án khả thi trong điều kiện "giai đoạn bình thường mới" đang diễn ra.