Một số ĐBQH nhất trí việc giữ quy định về giá trần và bỏ giá sàn đối với vé máy bay nội địa, đồng thời xem xét điều chỉnh thuật ngữ đối với mức giá 0 đồng của hãng hàng không.

ĐBQH đề nghị bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay và xem xét lại thuật ngữ "vé 0 đồng"

Hoài Lam | 24/05/2023, 01:18

Một số ĐBQH nhất trí việc giữ quy định về giá trần và bỏ giá sàn đối với vé máy bay nội địa, đồng thời xem xét điều chỉnh thuật ngữ đối với mức giá 0 đồng của hãng hàng không.

Bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay

Thảo luận tại Quốc hội về Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng nên bỏ khung giá, bỏ giá trần, giá sàn đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

“Nói về cơ sở pháp lý thì đặt giá trần, giá sàn như hiện nay là không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12. Nghị quyết nêu rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là một nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường. Ngoài ra, nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường thì có nêu rõ là thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường”, ông Hạ nói và cho hay việc đặt giá trần, giá sàn cũng không phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Cạnh tranh hiện hành.

ha.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Cụ thể, Điều 5 mục 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng là cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng. Luật Cạnh tranh cũng nêu rõ cấm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp hàng không nhà nước với tư nhân, giữa các doanh nghiệp hàng không với các loại hình vận tải khác.

Theo ông Hạ, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, tuyến độc quyền nay đã có tới 6 hãng hàng không và cũng không có tuyến hàng không nào độc quyền. Do đó, để đảm bảo cạnh tranh giữa vận tải hàng không và giữa các loại hình vận tải khác, hàng không phải cạnh tranh không chỉ trong lĩnh vực hàng không mà còn phải cạnh tranh với cả vận tải đường bộ, vận tải đường sắt và sẽ tính đến đường sắt cao tốc. Có như vậy mới đảm bảo được cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Ông Hạ cũng cho rằng có mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Khoản 1 Điều 21 quy định những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng được một trong bốn tiêu chuẩn. Vậy xếp dịch vụ hàng không này vào đâu?

“Vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, tỷ trọng vận tải hàng không nội địa thấp hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ hiện nay. Nếu như tới đây hoàn thành đường cao tốc và xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì điều đó lại càng chứng minh rõ hơn. Nếu nói đến yếu tố độc quyền thì trong luật vận tải đường sắt là một ngành chỉ có duy nhất một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, nhưng dự thảo hiện nay cũng không quy định giá trần, giá sàn đối với dịch vụ đường sắt. Đấy là vấn đề chưa hợp lý”, ông Hạ nêu.

Về thực tiễn, ông Hạ cho rằng theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua nếu không tính nguyên nhân ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 thì giá nhiên liệu gây sức ép nặng nề lên hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không.

Với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% trong tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động như lương thì chi phí nhiên liệu tháng 6.2022 của hãng hàng không tăng 118,5% so với tháng 12.2014 và tăng 143,5% so với tháng 9.2015, tác động làm tổng chi phí tăng lên 49,6% so với năm 12/2014 và tăng 57,7% so với tháng 9.2015.

ha-2.jpg
Quốc hội thảo luận về Luật Giá (sửa đổi)

Do vậy, vấn đề giá cao trong giai đoạn cao điểm phản ánh đúng quy định của kinh tế thị trường và quy luật cung cầu. Thông thường số lượng vé bán với mức giá cao nhất là giá trần của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Từ kinh nghiệm quốc tế, hiện nay châu Á có 3 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia là áp dụng khung giá. Hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ.

“Việc không quy định giá trần, giá sàn không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá mà ngược lại sẽ tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, tăng cường các mức giá rẻ nhằm kích khuyến khích kích cầu cũng như khuyến khích khách hàng tham gia giao thông ở lĩnh vực đường hàng không”, ông Hạ nói.

Nên bỏ giá sàn, giữ giá trần

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) lại nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ đối với mức giá 0 đồng của hãng hàng không. Thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng. Mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

“Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng trong một số ít ghế trong một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng thì rất cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ "mức giá 0 đồng" bằng những thuật ngữ phù hợp là "giá ưu đãi" hoặc "giá khuyến mại". Điều này nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện được tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh và Luật Giá”, đại biểu nêu.

ha-3.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình việc bỏ giá sàn, nhưng giá trần phải giữ.

“Nếu chúng ta không giữ được giá trần thì chức năng quản lý nhà nước không còn trong chuyện định giá. Các cơ quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quyết định giá dịch vụ, các cảng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra những giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức rất cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội”, ông Hòa nêu.

“Vừa rồi lễ 30.4 và Tết, dịch vụ hàng không lên giá lúc nào cũng được, ai quản lý vấn đề này? Nếu chúng ta không có giá trần, họ muốn lên lúc nào cũng được hay sao? Giá trần như vậy để cho người dân được hưởng giá không quá cao mà cũng không quá thấp và giá hợp lý”, ông Hòa nêu.

Bài liên quan
Từ hôm nay, ngân hàng không được khuyến mại cho người gửi tiền
Kể từ hôm nay (20.11), tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH đề nghị bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay và xem xét lại thuật ngữ "vé 0 đồng"