Sau 3 kỳ điều chỉnh giảm mạnh, giá xăng đã tăng trở lại từ 15 giờ chiều nay (22.5).
Chiều nay (22.5), liên bộ Tài chính - Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới từ 15 giờ. Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng 350 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92 và 490 đồng/lít đối với xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.480 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 300 đồng/lít, lên 17.950 đồng/lít. Giá dầu hỏa không đổi, tiếp tục ở mức 17.900 đồng/lít, giá dầu mazut tăng 300 đồng/kg lên 15.100 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ tiếp tục trích lập 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa và trích lập 300 đồng/kg với dầu mazut. Cơ quan quản lý không chi quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, giá xăng đã tăng trở lại sau 3 lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 15 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 8 lần là tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu từ nay đến cuối năm, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trước diễn biến tình hình giá, nguồn cung xăng dầu thế giới, trong nước còn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động khó lường, trong đó có vấn đề hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) thiếu ổn định, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong quý 2/2023 và các tháng tiếp theo của năm 2023, Bộ Công Thương yêu cầu theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết sẽ quy định cụ thể về tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện.
Bộ theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.
Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng; chủ động nguồn hàng (từ nguồn trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. "Cần chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường", ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.