Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) đã triển khai thành công kỹ thuật vi phẫu kẹp cổ túi phình, góp phần điều trị cho nhiều trường hợp túi phình động mạch não vỡ cấp cứu.
Phương pháp phẫu thuật là một lựa chọn bên cạnh phương pháp can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh nhân có túi phình động mạch não được phẫu thuật thành công bằng đường mổ xâm lấn tối thiểu (kẹp cổ túi phình qua đường mổ tối thiểu kiểu lỗ khóa).
Bệnh nhân là ông Bùi Văn B. (57 tuổi, ngụ H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), nhập viện tại BVĐKTƯCT cách nay 2 tháng trong tình trạng cấp cứu do vỡ túi phình động mạch não giữa bên. Khảo sát CT mạch máu não phát hiện bệnh nhân có đến 3 túi phình mạch máu nội sọ gồm túi phình động mạch não giữa bên đã vỡ gây xuất huyết trong não thái dương kèm xuất huyết trong khoang dưới nhện lan tỏa. Còn 2 túi phình động mạch thông trước và túi phình động mạch não giữa bên chưa vỡ.
Trong cuộc phẫu thuật khẩn cấp cứu mạng cho bệnh nhân trước đây, các bác sĩ của khoa Ngoại thần kinh đã loại bỏ thành công túi phình động mạch não giữa bên đã vỡ và túi phình động mạch thông trước. Sau ca phẫu thuật bệnh nhân đã trở lại sinh hoạt bình thường nhưng vẫn còn tồn tại túi phình động mạch não giữa bên chưa vỡ rất nguy hiểm.
Lần nhập viện này, sự hội chẩn giữa đơn vị can thiệp nội mạch và ngoại thần kinh đã thống nhất chỉ định kẹp cổ túi phình vi phẫu. Ngày 10.6, ê kíp phẫu thuật thần kinh gồm BS.CK1 Nguyễn Quang Hưng, Ths.BS Nguyễn Duy Linh và BS Nguyễn Ngọc Hà đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân thông qua đường mổ minipterion (đường mổ vào thóp bên trước tối thiểu).
Sau 3 giờ phẫu thuật tỉ mỉ dưới kính vi phẫu, túi phình còn lại đã được loại bỏ thuận lợi. Bệnh nhân trở về phòng sinh hoạt bình thường sau 24 giờ với kết quả CT mạch máu não như mong đợi.
Bệnh nhân đã dần hồi phục sau ca mổ - Ảnh: Phong Phạm
Thuật ngữ lỗ khóa đề cập đến ý tưởng nhìn thấy toàn bộ căn phòng thông qua một lỗ khóa ở cánh cửa căn phòng đó. Trong khi chắc chắn là dễ dàng hơn để nhìn thấy toàn bộ căn phòng này bằng cách mở cửa hoặc lấy cánh cửa ra khỏi bản lề. Thế nhưng trong y khoa, nếu vậy đường mổ sẽ rất lớn.
Phẫu thuật mở sọ kiểu lỗ khóa (keyhole craniotomy) về cơ bản với kích thước nắp sọ là 3 cm x 2,5 cm, bên dưới 1 vết rạch da tuyến tính ngắn (khoảng 4,5 cm). Tính chất của phẫu thuật qua lỗ khóa là khó di chuyển. Tức là khi mở đường mổ kinh điển, nếu có khó khăn xảy ra trong mổ do định vị tổn thương chưa chính xác, ta vẫn có thể xoay sở để thực hiện tốt ca mổ. Điều này khó khăn hơn rất nhiều trong phẫu thuật lỗ khóa, đòi hỏi các bác sĩ phải có tay nghề cao.
Đường mổ vào thóp bên trước (pterion) là 1 trong những cách tiếp cận kinh điển của phẫu thuật thần kinh, và là 1 phương án hiệu quả cho nhiều tổn thương nội sọ phức tạp. Nhược điểm lớn nhất của nó là tính xâm lấn. Đường rạch da hình chữ C cổ điển với vết mổ dài và cơ thái dương được bóc tách khỏi xương thái dương gần như hoàn toàn theo cách tiếp cận tiêu chuẩn. Tình trạng teo cơ thái dương sau mổ xảy ra ở một số bệnh nhân kèm theo đau hàm, và cần nhiều thời gian để phục hồi.
Các phẫu thuật cắt sọ thóp bên trước nhỏ (minipterional approach) làm giảm tỉ lệ các triệu chứng trên bằng cách giảm đáng kể chiều dài của vết rạch da, giảm sự bóc tách thái dương và làm cho kích nước nắp sọ nhỏ nhất có thể. Theo phương pháp tiếp cận này, những sự bộc lộ bóc tách không cần thiết được giảm đi tối thiểu.
Với việc triển khai kỹ thuật chuyên sâu điều trị túi phình mạch máu não bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu giúp mang lại hiệu quả hơn về thẩm mỹ, giảm đau, giảm mất máu, rút ngắn thời gian nằm viện.
Phong Phạm