Theo các chuyên gia, đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar (*) thứ 10 tại Việt Nam không khó để được công nhận. Thách thức đặt ra là cách thức phát triển, bảo vệ, bảo tồn khu Ramsar này thế nào để danh hiệu ấy bền vững trong một thành phố có tốc độ đô thị hóa cao và thường xảy ra xung đột giữa bảo tồn và phát triển như TP.HCM.

Để ‘kho báu’ rừng Cần Giờ không mất mát

Theo Người Đô Thị | 07/11/2023, 22:20

Theo các chuyên gia, đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar (*) thứ 10 tại Việt Nam không khó để được công nhận. Thách thức đặt ra là cách thức phát triển, bảo vệ, bảo tồn khu Ramsar này thế nào để danh hiệu ấy bền vững trong một thành phố có tốc độ đô thị hóa cao và thường xảy ra xung đột giữa bảo tồn và phát triển như TP.HCM.

UBND TP.HCM đã có văn bản ngày 18.8.2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, thống nhất nội dung để UBND TP.HCM triển khai các bước tiếp theo đúng với trình tự thủ tục lập hồ sơ, đề cử công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar. Hiện nay TP.HCM cũng đã hoàn tất dự thảo hồ sơ đề cử. Theo đó, khu đất ngập nước là rừng phòng hộ Cần Giờ được đề cử bao gồm vùng lõi và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Hệ sinh thái ngập mặn đa dạng

Dự thảo hồ sơ đề cử cho biết rừng ngập mặn Cần Giờ hình thành và phát triển trên nền phù sa do hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai mang đến và lắng đọng tạo thành nền đất, kết hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, chế độ thủy triều bán nhật triều và mật độ sông rạch dày đặc đan xen nhau tạo thuận lợi cho phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Năm 1991, sau khi Hội đồng Bộ trưởng có quyết định phê duyệt dự án rừng phòng hộ môi trường TP.HCM, rừng ngập mặn Cần Giờ được chuyển thành rừng phòng hộ môi trường TP.HCM và từ năm 2000 đến nay, được chuyển đổi thành rừng phòng hộ huyện Cần Giờ. Hiện diện tích rừng là 34.813,64 ha, trong đó diện tích có rừng 32.483,64 ha và đất khác 2.330 ha.

Rừng ngập mặn Cần Giờ có các quần xã được hợp thành từ thực vật ngập mặn ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều. Rừng là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn; hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn của vùng cửa sông ven biển. Rừng có hai hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng hỗn giao lá rộng nhiệt đới và ẩm gió mùa; hệ sinh thái rừng ngập mặn với các kiểu quần xã điển hình cho từng thể khảm theo mức độ triều và kết cấu bùn.

8c127340-5bf2-4904-ad67-797845061aa1.jpg
Một phần xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - được đề xuất xây dựng cảng trung chuyển - Ảnh: Quỳnh Trần

Dựa vào địa hình, điều kiện tự nhiên hoặc nhân tạo có thể chia rừng ngập mặn Cần Giờ thành 8 kiểu sinh cảnh chính: sinh cảnh rừng trồng, sinh cảnh rừng tự nhiên, sinh cảnh núi đá, sinh cảnh ao nuôi tôm, sinh cảnh ruộng muối, sinh cảnh bãi bồi ven sông, sinh cảnh đầm nuôi thủy sản và sinh cảnh mặt nước tự nhiên (sông, biển). Hệ sinh thái đa dạng góp phần tạo sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, các di sản văn hóa, địa mạo ở vùng ven biển.

Hiện trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có một làng nghề truyền thống (làng nghề muối tại xã Lý Nhơn) và 7 di tích, di sản được xếp hạng: hai di tích cấp quốc gia (di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ và di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác), một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Nghinh Ông), hai di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố (đình Cần Thạnh và lăng Ông Thủy Tướng), hai di tích lịch sử (đình Dương Văn Hạnh và đình Bình Khánh - mộ tiền hiền Trần Quang Đạo)…

Nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm

Rừng ngập mặn Cần Giờ có hệ động thực vật đa dạng và phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm thuộc danh mục Sách đỏ Việt Nam; Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ...

Theo đó, thực vật quý hiếm có 2 loài: cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và chùm lé (Azima sarmentosa), động vật quý hiếm có 9 loài: rái cá thường (Lutra Lutra), rái cá vuốt bé (Aonyx cinereus), mèo cá (Prionailurus viverrinus), bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), cổ rắn (Anhinga melanogaster), choắt mỏ vàng (Tringa guttifer), rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), cá mang rồ (Toxotes chatareus). Số lượng thành phần hệ động, thực vật trong rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 1.317, trong đó 296 là loài hệ thực vật và 1.021 là loài hệ động vật.

9f681133-7e13-4104-979d-769feb49f5d0.jpg
Cóc đỏ là loại thực vật quý hiếm được phát hiện ở rừng phòng hộ Cần Giờ - Ảnh: Trầm Hương

Sự phục hồi và phát triển tốt của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã tạo cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loài sinh vật sinh sôi, phát triển. Tại tiểu khu 17 có đàn khỉ đuôi dài trên 1.000 con; tại tiểu khu 15 có đàn dơi nghệ khoảng 500 con và sân chim Vàm Sát có hơn 2.000 cá thể. Heo rừng, mèo rừng, chồn, rái cá, trăn, rắn và nhiều loài thú khác có mặt khắp các gò đất cao trong rừng ngập mặn Cần Giờ.

So với các nước Đông Nam Á, hầu hết các loài thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn đều có mặt ở rừng Cần Giờ. Mặc dù số lượng loài, họ thực vật có khác nhau qua một số nghiên cứu của nhiều tác giả nhưng so với hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các địa phương khác của Việt Nam, hoặc so với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Campuchia... thì số lượng loài ở Cần Giờ tương đương hay nhiều hơn.

Điều này cho thấy hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, trong đó có hệ thực vật sau hơn 40 năm khôi phục và phát triển, không những đạt về diện tích mà còn phong phú hơn về chủng loại so với thời kỳ trước chiến tranh.

Từ khi rừng được phục hồi, sản lượng thủy sản khai thác ngày càng tăng, trong đó nghề nuôi nghêu, sò, tôm sú phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho cư dân bản địa.

Theo khảo sát của Trung tâm rừng ngập mặn Cần Giờ (2013), hệ sinh thái rừng chia thành các nhóm: nhóm cây ngập mặn chủ yếu gồm 36 loài thuộc 15 họ, trong đó họ đước có đến 12 loài, tiếp theo họ mấm có 3 loài, họ bần 3 loài, họ xoan 3 loài, các họ khác chỉ từ 1 đến 2 loài, phân bố ở hai vùng nước mặn và lợ; nhóm cây tham gia rừng ngập mặn gồm 56 loài thuộc 30 họ, phân bố ở cả hai vùng nước mặn và lợ; nhóm cây nhập cư gồm 148 loài thuộc 47 họ, phân bố ở hai vùng nước mặn và lợ, đa phần nhập cư là dọc theo tuyến đường cao và nằm trong vùng chuyển tiếp.

Theo kết quả tổng hợp và cập nhật của Viện Sinh thái học miền Nam (2019), đến nay hệ thực vật Cần Giờ ghi nhận 68 họ, 212 chi và 316 loài, nhóm thực vật ngập mặn chủ yếu vẫn là 35 loài và nhóm thực vật tham gia rừng ngập mặn là 56 loài, không thay đổi so với các nghiên cứu trước đây.

Riêng nhóm cây nhập cư đã ghi nhận bổ sung 25 loài, 10 chi và 1 họ. Ghi nhận bổ sung họ lạc tiên (Passifloraceae). Họ thực vật lớn nhất có mặt tại đây là họ đậu (50 loài), họ cỏ (32 loài), họ cói (24 loài) và họ bụp (15 loài). Chi thực vật lớn nhất hiện diện tại đây là cói (15 loài), muồng (7 loài), diệp hạ châu (5 loài).

Đối với hệ động vật, nghiên cứu của Cục Đa dạng sinh học (2012) xác định 69 loài và nhóm động vật nổi. Các nhóm loài động vật nổi trong khu vực đa phần là những loài thường gặp, phân bố rộng tại vùng cửa sông ven biển cả nước, không bắt gặp loài biển khơi điển hình; về thực vật nổi cũng xác định được 66 loài thuộc 3 ngành tảo lam, tảo silic và tảo giáp.

Kết quả điều tra của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (2012) đối với khu hệ động vật đáy ghi nhận 204 loài thuộc 56 họ, 119 giống phân bố trong và ngoài rừng ngập mặn. Kết quả khảo sát và thống kê của Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ (2014) cho biết khu hệ động vật thủy sinh không xương sống tại đây có 210 loài thuộc 95 họ.

Đa số các loài này có nguồn gốc từ biển, ruộng muối, sống ở vùng nước lợ từ hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn đến cửa sông ven biển, vùng rừng ngập mặn; gồm những nhóm động vật phiêu sinh (zooplankton), động vật đáy (zoobenthos), động vật sống trong tầng nước.

Năm 2012, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học tiến hành thu mẫu côn trùng và định loại được ở đây có 89 loài côn trùng với 46 họ và 10 bộ. Các loài côn trùng thu được phần lớn là các loài thường gặp trong các hệ sinh thái trên cạn, chủ yếu trong các hệ sinh thái nông nghiệp…

e5ac143b-b5fe-41f9-8129-0f3de86d7e31.jpg
Rừng ngập mặn và đường Rừng Sác nhìn từ trên cao - Ảnh: Lê Quân

Bồi đắp giá trị cho rừng ngập mặn

Tại hội thảo về quản lý và phát triển khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TS. Nguyễn Chí Thành (Phó chủ tịch Hội Đất ngập nước Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước) cho biết rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển Cần Giờ là vô cùng quý giá.

Cả nước có 28 tỉnh và thành phố ven biển, trong đó chỉ TP.HCM có một khu rừng phòng hộ ven biển nằm trong thành phố. Khu rừng này không chỉ tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan thiên nhiên, chống xói lở bờ biển, phòng hộ môi trường cho thành phố công nghiệp mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng và nhiệt độ tăng.

Sau hơn 40 năm được trồng khôi phục lại trên vùng “đất chết”, giờ đây TP.HCM không chỉ có một khu rừng ngập mặn xanh tươi mà hệ sinh thái đất ngập nước và sự đa dạng sinh học cũng đã phục hồi ngày càng phong phú, đa dạng.

TP.HCM là nơi hiếm hoi có một khu đất ngập nước tự nhiên nằm ngay trong thành phố, trở thành một mô hình - một biểu tượng về sự phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước cho Việt Nam và thế giới.

53d8ff8e-9b26-49fe-a661-5c82581abacb.jpg
Các loài động vật nuôi ở một khu du lịch ở rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: Trung Dũng

Để những thành quả trong quản lý khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ hơn 20 năm qua được toàn diện hơn, TS. Thành cho rằng cần xem xét hai vấn đề:

Chất lượng rừng ngập mặn hiện đáng báo động: Rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng nhất, có vai trò chi phối các yếu tố khác của hệ sinh thái đất ngập nước ở Cần Giờ, đồng thời là yếu tố quan trọng nhất của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Cho đến nay rừng đước trồng ở Cần Giờ đã hơn 30 tuổi, mật độ cây bình quân ở nhiều khoảnh rừng rất cao so với quy định nhưng hầu như chưa được chính thức tỉa thưa như một biện pháp kỹ thuật lâm sinh bắt buộc. Hậu quả là mật độ cây quá dày làm cây không đủ không gian dinh dưỡng để sinh trưởng, đường kính cây nhỏ hơn nhiều so với bình thường, sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu đục thân (có những khoảnh rừng hơn 60% số cây bị sâu đục thân) và có hiện tượng đổ ngã khi gió lớn. Chưa kể một lượng sinh khối của rừng bị mất đi. Gần đây các nhà khoa học đã kết luận chất lượng rừng đước Cần Giờ đang suy giảm về sinh trưởng, tình hình sâu bệnh hại tăng theo tuổi rừng và mật độ cây rừng…

Thiếu các mô hình tiêu biểu về bảo vệ rừng gắn với sử dụng rừng và sinh kế, thu nhập của cộng đồng dân cư: Từ lâu TP.HCM đã quan tâm đến vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ rừng ngập mặn nên đã liên tục điều chỉnh đơn giá chi trả tiền khoán bảo vệ rừng cao hơn. Tuy nhiên đến nay vẫn thiếu các mô hình tiêu biểu về bảo vệ rừng gắn với sử dụng hợp lý, hợp pháp tài nguyên rừng và sinh kế ổn định của cộng đồng dân cư. Mô hình này nếu được xây dựng sẽ trở thành hình mẫu cho các khu rừng ngập mặn khác trong nước và là một sản phẩm du lịch sinh thái gắn với homestay rất hấp dẫn.

TS.Thành nêu một số kiến nghị:

Một là, cần quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của rừng ngập mặn Cần Giờ là rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ tiêu chí của 4 loại rừng phòng hộ, trong đó có loại rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Tên gọi của loại rừng này đã thể hiện chức năng cụ thể của rừng phòng hộ và nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu của rừng ngập mặn ven biển.

Quy định rõ loại rừng phòng hộ còn làm cơ sở pháp lý cho các quy hoạch khác ở vùng ven biển, trong đó các mục tiêu bảo vệ rừng gắn với phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.

eff04740-bfc0-434c-a463-d43ded72b2f2.jpg
Dân cư sinh sống trong vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: Trung Dũng

Hai là, xây dựng khu rừng ngập mặn Cần Giờ thành một trung tâm nghiên cứu về rừng ngập mặn của quốc gia, khu vực và thế giới. Với tiềm lực khoa học, kinh tế của TP.HCM và vị trí rừng ngập mặn Cần Giờ có thể gắn với thành phố phía đông của TP.HCM - có một trong các chức năng là trung tâm khoa học, do đó nên nâng tầm khu rừng ngập mặn Cần Giờ vừa trở thành hình mẫu về phục hồi một vùng đất ngập nước; vừa trở thành một trung tâm nghiên cứu, giáo dục về rừng ngập mặn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Ba là, xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một mô hình bảo vệ và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Mô hình này sẽ vừa đóng góp cho khoa học, vừa tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái hiệu quả.

Bốn là, xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một công viên giải trí, thư giãn cao cấp của TP.HCM. Rừng ngập mặn Cần Giờ cách trung tâm thành phố không xa, lại có cảnh quan thiên nhiên đẹp và không khí trong lành.

Một phần diện tích của khu rừng ngập mặn này có thể xây dựng thành một công viên cao cấp để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn của người dân thành phố, đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.

7feb7a8e-1389-4527-a2ec-b017ccd1bcbd.jpg
Cần Giờ đã và đang trở thành lá phổi của TP.HCM - Ảnh: Trung Dũng

Tránh mâu thuẫn giữa bảo tồn với phát triển kinh tế

Với kinh nghiệm từng tham gia lập hồ sơ cho một số khu Ramsar tại Việt Nam và hơn 30 năm nghiên cứu về rừng Cần Giờ, TS.Nguyễn Chí Thành cho rằng rừng phòng hộ Cần Giờ rất xứng đáng thành khu Ramsar thứ 10 tại Việt Nam. Tuy nhiên, TS. Thành lưu ý trong các hệ sinh thái tự nhiên thì hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng nhạy cảm và sẽ suy thoái rất nhanh nếu quản lý không bền vững. Công ước Ramsar có quy định cách tiếp cận gọi là “sử dụng một cách khôn khéo đất ngập nước”.

Có nghĩa là được khai thác, sử dụng tài nguyên của hệ sinh thái đất ngập nước nhưng không được đánh mất chức năng và giá trị của đất ngập nước. Do đó cần có chiến lược đối xử với vùng đất ngập nước Cần Giờ đúng đắn, để tránh mâu thuẫn giữa mục đích bảo tồn và mục đích về kinh tế.

7286d598-cff2-410d-b352-a006b2b6e506.jpg
Rừng phòng hộ Cần Giờ được đề cử khu Ramsar rộng khoảng 34.813,64 ha, bao gồm vùng lõi và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: Lê Phan

Tiếp cận từ góc độ “quan hệ giữa bảo tồn và phát triển khu Cần Giờ”, tham luận của GS-TS. Bùi Chí Bửu (Hội đồng khoa học TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) tại hội thảo về tầm nhìn kinh tế biển của TP.HCM, cho rằng Cần Giờ thực sự đã và đang trở thành lá phổi của TP.HCM.

Cần Giờ cần được đầu tư có chiều sâu, theo một quy hoạch khoa học để đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong hạn chế năng lượng tác động từ sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng… Do vậy việc xây dựng building, resort, khu dân cư… phải được thẩm định một cách thận trọng.

Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thành công là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương. Họ đã chung tay trồng rừng trong suốt giai đoạn sau 1975 đến 1980. Họ nhận khoán bảo vệ rừng mà trước đây có thể họ đã từng chặt phá rừng làm than củi đước.

Tuy nhiên, TP.HCM chưa có giải pháp tốt để cộng đồng cư dân này nâng cao sinh kế. Khi thu nhập kém ổn định họ sẽ không gắn bó với rừng ngập mặn theo hướng tích cực. Du lịch là giải pháp kéo cư dân vào một liên kết mang tính chất chiến lược. Nội dung này phải được phát triển có hoạch định từng chặng rõ ràng, đặc biệt không thể thiếu bóng dáng của cộng đồng dân cư địa phương.

“Rừng ngập mặn Cần Giờ cần được đầu tư các đề tài nghiên cứu dài hạn, kinh phí lớn về bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp với giải pháp nâng cao an sinh xã hội của cộng đồng dân cư địa phương. Khai thác tài nguyên biển phải gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là chiến lược lâu dài của đất nước. Xây dựng quy hoạch cảng biển, khu du lịch sinh thái rất cần nguồn lực đầu tư lớn, bên cạnh việc xem xét sinh thái học một cách thận trọng…”, GS.Bửu lưu ý.

Rừng phòng hộ Cần Giờ đáp ứng 4/8 tiêu chí của Ramsar

Theo báo cáo sơ bộ của UBND TP.HCM gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, rừng phòng hộ Cần Giờ có khả năng đáp ứng được 4/8 tiêu chí đề cử khu Ramsar:

Tiêu chí 1: Chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên trong vùng địa lý sinh học đặc biệt.

Tiêu chí 2: Nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Tiêu chí 5: Thường xuyên hỗ trợ (cung cấp thức ăn, nơi dừng chân) từ 20.000 cá thể chim nước trở lên.

Tiêu chí 8: Cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và, hoặc đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở tại khu đất ngập nước hay ở nơi khác tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.

Nguyễn Minh - Huỳnh Hữu

(*) Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar - công ước quốc tế về bảo tồn, sử dụng hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước. Ramsar được ký năm 1971 tại thành phố Ramsar (Iran). Hiện Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để ‘kho báu’ rừng Cần Giờ không mất mát