Theo ông Đặng Phước Dừa - người đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 10,3 % cổ phần và nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank, đại hội nên bãi nhiệm 9 thành viên HĐQT đương nhiệm vì không tôn trọng cổ đông.
Ngày 24.5, Ngân hàng TMCP Xuất khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thườngniên năm 2016 lần 2.
Sau phần điểm qua các tờ trình và chờ kết quả từ ban kiểm phiếu, HĐQT đã cho “tâm thư” của cổ đông Đặng Hoàng Nam (ngụ huyện Nhà Bè) thay mặt nhóm cổ đông nhỏ lẻ và nhóm cổ đông sáng lập để đóng góp cho đại hội.
Theo “tâm thư”, cổ đông này nói trong đại hội lần này, có những thành phần cố tình phá hoại đại hội, đề nghị HĐQT cần xử lý. Đồng thời, ghi nhận sự cố gắng và hy vọng HĐQT mới giữ “tay chèo” để đưa Eximbank vượt qua khó khăn và ngày càng trở thành ngân hàng vững mạnh.
Tuy nhiên, ngay sau khi HĐQT cho đọc xong “tâm thư” này, một số cổ đông lại tiếp tục gây náo loạn đại hội. Một cổ đông nói tổ chức đại hội nhằm mục đích là tôn trọng lợi ích của các cổ đông, lúc đầu đại hội không trật tự nhưng đã ổn định được. Thế nhưng, việc đọc tâm thư của cổ đông trên chứng tỏ HĐQT không tôn trọng cổ đông, vì phần đọc thư này không có trong chương trình đại hội. Còn nhóm cổ đông nào phá hoại thì cần công bố ngay, không thể nói chung chung như vậy được.
Đại diện ngân hàng này cho biết ngân hàng luôn tôn trọng ý kiến của tất cả các cổ đông và mong muốn cổ đông cư xử ôn hòa, dù có khác biệt về quan điểm.
Chưa kể, việc Eximbank không chia cổ tức trong năm 2015 thay vì mức cổ tức 4,8% như ĐHĐCH đề ra trước đó đã khiến nhiều cổ đông bất bình. Một cổ đông nói mục đích họ đến tham dự ĐHĐCĐ nhằm quan tâm đến lợi nhuận mà họ đã đầu tư, thế nhưng Eximbank đã không đáp ứng được quyền lợi của cổ đông. Không những vậy, các báo cáo mà HĐQT gửi tới cổ đông còn viết quá nhiều và mang tính biểu tượng.
Một số cổ đông cũng đề nghị HĐQT hiện tại cần truy trách nhiệm của HĐQT cũ, đồng thời làm rõ mức thù lao dành cho HĐQT và Ban kiểm soát trong năm 2015.
Đặc biệt, năm 2015, nhà băng này đã chi 19,9 tỉ đồng thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát (thù lao đã chi không tính lương và phúc lợi của thành viên HĐQT đại diện đối tác chiến lược SMBC). Như vậy, tổng số chi thù lao cho lãnh đạo đã vượt 19,3 tỉ đồng, bởi Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2015 chỉ chấp thuận mức thù lao là 1,5% lợi nhuận sau thuế (tức 600 triệu đồng).
Theo một số cổ đông, nếu ĐHĐCĐ năm 2015 đã thông qua mức 1,5 % lợi nhuận sau thuế cho HĐQT và Ban Kiểm soát thì phải nhận số thù lao đó, không thể điều hành kém hiệu quả mà nhận mức thù lao vượt mức như vậy là không phù hợp.
Trả lời vướng mắc này, ông Ngô Thanh Tùng - Thành viên HĐQT thay mặt Eximbank xin lỗi toàn bộ cổ đông vì năm 2015 chưa chia cổ tức cho cổ đông.
“Chúng tôi không biết nói gì khi cổ đông bỏ tiền, đầu tư vào ngân hàng nhưng không có lãi. Hôm qua chúng tôi có nói chuyện với một công ty chia cổ tức 25%, ban lãnh đạo cảm thấy xấu hổ với các cô, các chú hưu trí, các cổ đông gắn bó với ngân hàng.
Chúng tôi cũng mong cổ đông không vội tin vào HĐQT, bởi phải nhìn vào thành tích mà chúng tôi sẽ làm được cho Eximbank rồi mới nên tin hay không. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa ngân hàng đi lên”, ông Tùng nói.
Về truy cứu trách nhiệm của HĐQT cũ, ông Tùng nói pháp luật sẽ giám sát minh bạch và công bằng. Chuyện quá khứ không quan trọng lắm mà vấn đề cần quan tâm là chuyện hiện tại và tương lai sắp tới của ngân hàng.
Đáng chú ý, trong phần thảo luận, ông Đặng Phước Dừa - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ trước cho rằng đại hội nên bãi nhiệm 9 thành viên HĐQT đương nhiệm vì không tôn trọng cổ đông. Theo ông Dừa, Nghị quyết là bầu 11 thành viên HĐQT mà bây giờ còn xin tờ trình 9 như vậy là không coi trọng cổ đông.
Được biết, ông Dừa nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ trước và mới đây ông cũng là cố vấn HĐQT cho ngân hàng này. Tuy nhiên, trước thềm đại hội lần 2 này, ông Dừa đã thôi làm công việc này vì cho rằng cơ cấu cổ đông của Eximbank có “nhóm này nhóm kia”.
Hiện tại, ông Dừa đang đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 10,3 cổ phần Eximbank.
Phan Diệu
Ảnh: PD