Việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN.

Đề xuất thành lập 'siêu' ủy ban quản lý doanh nghiệp nhà nước

Pháp Luật TP.HCM | 16/07/2016, 15:19

Việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN.

Trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước củaBộ KH&ĐT công bố ngày 14.7 cónội dung quan trọng nhất là: thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN (gọi tắt là ủy ban).

Theo đó, ủy ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập, giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các DN; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại DN để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Ủy ban này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn đầu tư nhà nước tại DN; chịu sự đánh giá, giám sát của Chính phủ, của Quốc hội và các cơ quan có liên quan của Quốc hội, giám sát của nhân dân, báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội,…

Tuy nhiên, ủy ban không có nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước khác đối với DN thuộc các thành phần kinh tế.

Về cơ cấu tổ chức, lãnh đạo ủy ban gồm chủ tịch và các phó chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Bộ máy tổ chức gồm các ban đầu tư tài chính, ban phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược, ban đầu tư phát triển hạ tầng và năng lượng, ban công nghệ thông tin và truyền thông, ban công nghiệp chế tác, ban đầu tư và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, văn phòng ủy ban, tổ chức Đảng, công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội khác, hội đồng tư vấn độc lập.

Như vậy, nếu ủy ban trên được thành lập, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thay vì để các bộ, ngành quản lý như hiện nay. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, ủy ban này sẽ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty, trong đó Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đầu tư tài chính.

Bộ KH&ĐT dẫn lại báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, với 781 DNNN có tổng giá trị tài sản là 3,1 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước 1,2 triệu tỉ đồng và Bộ KH&ĐT đánh giá, ở nước ta, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn rất lớn. Việc sử dụng có hiệu quả lượng vốn và tài sản quan trọng này không chỉ tác động tích cực đến tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế, mà còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước định hướng phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra.

Tuy vậy, theo cơ quan soạn thảo, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân là thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém.

Thực trạng quản lý và hoạt động của DNNN cho thấy việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước một cách chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực tất cả quyền chủ sở hữu của mình tại DN, đồng thời, không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DN.

Vì vậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN trong thời gian qua.

Danh sách dự kiến DNNN chuyển giao cho Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN:

1. Tập đoàn Dệt May Việt Nam
2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
5. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản
6. Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam
7. Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam
8. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
9. Tập đoàn Bảo Việt
10. Tổng Công ty Cà phê
11. Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
12. Tổng Công ty Đường sắt
13. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
14. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam
15. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc
16. Tổng Công ty Lương thực miền Nam
17. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam
18. Tổng Công ty Giấy Việt Nam
19. Tổng Công ty Thép Việt Nam
20. Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy
21. Tổng Công ty Sông Đà
22. Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)
23. Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện
24. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
25. Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp
26. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp
27. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam
28. Tổng Công ty Dược Việt Nam
29. Tổng Công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn
30. Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội

Trà Phương/PLO
Bài liên quan
OpenAI định phát triển trình duyệt web kết hợp với ChatGTP trước khi Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất Google bán Chrome
OpenAI gần đây đã cân nhắc phát triển trình duyệt web kết hợp với chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGTP của mình và thảo thuận về các nhà phát triển để hỗ trợ tính năng tìm kiếm, trang The Information đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất thành lập 'siêu' ủy ban quản lý doanh nghiệp nhà nước