Do có thói quen đi chân trần khi tập thể dục, chị L. bị vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công rồi rơi vào tình trạng hội chứng nguy kịch hô hấp cấp do viêm phổi nặng.
Thông tin Y học

Đi chân trần tập thể dục, cô gái bị vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công nguy kịch

Hồ Quang 10/10/2024 14:35

Do có thói quen đi chân trần khi tập thể dục, chị L. bị vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công rồi rơi vào tình trạng hội chứng nguy kịch hô hấp cấp do viêm phổi nặng.

Ngày 10.10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận và cứu sống kịp thời một nữ bệnh nhân bị nguy kịch do vi khuẩn “ăn thịt người” - Burkholderia pseudomallei (hay còn gọi bệnh Whitmore) tấn công.

fi-chan-tran-tap-the-duc-co-gai-vi-khuan-an-thit-nguoi-tan-cong-nguy-kich-hinh-anh.png
Phổi của bệnh nhân Đ.T.M.L. (33 tuổi, ngụ ở phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) trắng xóa sau khi bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công - Ảnh: BVCC

Theo thông tin ban đầu, chị Đ.T.M.L. (33 tuổi, ngụ ở phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe. Cách đây gần 1 tháng, chị L. bất ngờ sốt cao, khó thở kéo dài đến 3 ngày nên bệnh nhân đến khám tại một cơ sở y tế gần nhà.

Sau khi nhập viện, do diễn tiến bệnh rất nhanh, chị L. rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải thở máy xâm lấn. Sau 24 giờ nhập viện, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn.

Lập tức, bệnh nhân được hội chẩn liên viện và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào ngày 16.9 để hồi sức chuyên sâu, vì tổn thương phổi lan tỏa hai bên (gần 70% thể tích hai phổi).

ThS-BS Phó Thiên Phước - Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, lúc này, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, giảm oxy máu nặng, nguy cơ phải can thiệp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VV-ECMO). Bệnh nhân được tối ưu hô hấp bằng cách thông khí bảo vệ phổi và thông khí nằm sấp.

“Sau 48 giờ nhập viện, với kết quả cấy máu, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore). Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao”, bác sĩ Phước cho biết thêm.

Từ kết quả trên, các bác sĩ tiến hành điều trị “trúng đích” vi khuẩn của bệnh Whitmore. Sau đó, tổn thương phổi và tình trạng suy hô hấp nặng của bệnh nhân dần được cải thiện ngoạn mục.

“Chỉ sau 7 ngày thông khí xâm lấn, nữ bệnh nhân cai máy thở thành công. Sau 14 ngày điều trị bệnh nhân đã phục hồi gần như hoàn toàn”, bác sĩ Phước thông tin.

Theo ThS-BS Phó Thiên Phước, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, hay còn gọi “vi khuẩn ăn thịt người” thường sống trong đất, đặc biệt là đất ẩm và nước ô nhiễm. Khi có vết thương hở, vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng. Điển hình như trong trường hợp của bệnh nhân L. Bệnh nhân này có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe. Ban đầu, bệnh có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau cơ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.

“Bệnh Whitmore thường lây truyền qua tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn và thường xuất hiện ở bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm như: đái tháo đường, bệnh thận mạn, nghiện rượu… Chẩn đoán sớm, điều trị tích cực đúng tác nhân ngay từ đầu sẽ giúp cải thiện ngoạn mục tiên lượng của người bệnh, tránh nguy cơ phải can thiệp các phương thức hồi sức đắt tiền và xâm lấn như ECMO”, bác sĩ Phước chia sẻ.

Các chuyên gia y tế cho biết bệnh Whitmore thường được ghi nhận ở các nước khí hậu nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, Bắc Úc… Thống kê gần đây tại các nước Thái Lan hay Singapore cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm khuẩn huyết bởi tác nhân này lên đến 40 - 50%. Đặc biệt, nếu bệnh nhân bị viêm phổi nặng thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 75%.

Bài liên quan
Bệnh Whitmore cực nguy hiểm bùng phát, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn 9 tỉnh thành miền Trung
Bệnh Whitmore (Melioidosis) đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các tỉnh miền Trung sau mưa lũ và dự báo sẽ có thêm nhiều người mắc bệnh. Đây là bệnh thường diễn tiến nặng, có tỷ lệ tử vong rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi chân trần tập thể dục, cô gái bị vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công nguy kịch