Bệnh Whitmore (Melioidosis) đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các tỉnh miền Trung sau mưa lũ và dự báo sẽ có thêm nhiều người mắc bệnh. Đây là bệnh thường diễn tiến nặng, có tỷ lệ tử vong rất cao.

Bệnh Whitmore cực nguy hiểm bùng phát, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn 9 tỉnh thành miền Trung

Hồ Quang | 20/11/2020, 17:00

Bệnh Whitmore (Melioidosis) đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các tỉnh miền Trung sau mưa lũ và dự báo sẽ có thêm nhiều người mắc bệnh. Đây là bệnh thường diễn tiến nặng, có tỷ lệ tử vong rất cao.

Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 10.2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh, thành miền Trung ghi nhận một số người mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Sau các trận mưa lũ, vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư miền Trung bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển nên thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mới mắc bệnh Whitmore.

Dù nhận định Whitmore không có khả năng bùng phát thành dịch, Bộ Y tế cho rằng đây là bệnh ít gặp, thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở đối tượng có nguy cơ cao.

benh-melioidosis-bung-phat-bo-y-te-chi-dao-khan-cac-tinh-mien-trung-hinh-anh(1).png
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - tác nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm Whitmore) - Ảnh: Internet 

Để chủ động có các biện pháp phòng chống hiệu quả với
Whitmore, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn Sở Y tế 9 tỉnh, thành miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, phát hiện sớm những người mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm bệnh nhân. Qua đó điều trị trên địa bàn tỉnh thành, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc Whitmore.

Song song đó, các địa phương tập trung tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong do Whitmore.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo Sở Y tế 9 tỉnh, thành trên trực tiếp chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc Whitmore, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống bệnh, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc, các biện pháp phòng chống Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện theo. Đưa các trường hợp nghi ngờ mắc Whitmore đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý với đối tượng nguy cơ cao.

Whitmore là bệnh có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Úc do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.

Bất kỳ ai đều có thể mắc Whitmore thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Con người và động vật nhiễm trùng do hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước nhiễm bẩn, uống phải nguồn nước ô nhiễm và tiếp xúc với đất ô nhiễm, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da. 

Rất hiếm khi người bị mắc bệnh do lây truyền từ người khác. Vài trường hợp đã được ghi nhận, đất và nước mặt ô nhiễm là cách thức chủ yếu mà con người mắc bệnh này.

Bên cạnh con người, nhiều loài động vật dễ bị bệnh gồm cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó,...

Có một số loại Whitmore khác nhau và mỗi loại đều gây cho người bệnh những các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Whitmore có một loạt các dấu hiệu và triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như lao hoặc viêm phổi.

+ Nhiễm trùng cục bộ: Đau hoặc sưng cục bộ; sốt; loét; áp xe

+ Nhiễm trùng phổi: Ho; đau ngực; sốt cao; đau đầu; chán ăn

+ Nhiễm trùng máu: Sốt; đau đầu; suy hô hấp; khó chịu ở bụng; đau khớp; mất phương hướng;

+ Nhiễm trùng lan truyền: Sốt; giảm cân; đau dạ dày hoặc ngực; đau cơ hoặc khớp; đau đầu; động kinh

Khoảng thời gian tiếp xúc vi khuẩn gây bệnh và lúc xuất hiện các triệu chứng của bệnh không được xác định rõ ràng, nhưng có thể từ một ngày đến nhiều năm. Nhìn chung, các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 đến 4 tuần tiếp xúc.

Dù những người khỏe mạnh có thể mắc Whitmore, một số người có bệnh nền (tiểu đường, gan, thận, thalassemia, ung thư, phổi mãn tính) dễ bị bệnh hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh Whitmore cực nguy hiểm bùng phát, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn 9 tỉnh thành miền Trung