Các đợt mưa lũ liên tiếp làm cho vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, các tỉnh miền Trung gần đây đã ghi nhận nhiều ca bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore tăng cao ở miền Trung, 4 người tử vong ở Quảng Trị

Dạ Thảo | 25/11/2020, 20:00

Các đợt mưa lũ liên tiếp làm cho vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, các tỉnh miền Trung gần đây đã ghi nhận nhiều ca bệnh Whitmore.

Từ ngày 1.10 đến 24.11, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 30 ca bệnh Whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người). Trong số này, các ca bệnh chủ yếu đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng... Từ đầu năm đến hết tháng 9 chỉ ghi nhận có 4 ca mắc Whitmore, nhưng trong chưa đầy 2 tháng mùa mưa thì số ca bệnh đã tăng đột biến.

Ngày 24.11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, trong số các trường hợp nhiễm bệnh Whitmore tại Quảng Trị đã có 4 người tử vong, một số người được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Trong đó, bệnh nhân tử vong đầu tiên là ông N.V.B. (51 tuổi, ngụ quận Hải An, TP.Hải Phòng). Ông B. là 1 trong số những thuyền viên có mặt trên tàu Vietship 01 mắc cạn, chìm trên biển. Các bệnh nhân tiếp theo là ông H.V.V. (75 tuổi, ngụ xã Lìa, huyện Hướng Hoá), N.T.L. (62 tuổi, ngụ xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) và ông H.C.D. (47 tuổi, ngụ xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng).

benh_nhan_o_huyen_dai_loc_tinh_quang_nam(1).jpg
Bệnh nhân ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng

Bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, mỗi năm bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore. Riêng năm nay, sau nhiều đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh.

Theo bác sĩ Lâm, người bị bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng cụ thể nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán. Những trường hợp tử vong do bệnh Whitmore đa số do phát hiện quá muộn, có bệnh nền nặng. Để khỏi bệnh Whitmore, bác sĩ Lâm cho biết phải điều trị dài ngày, có thể kéo dài đến 6 tháng với liệu trình chặt chẽ.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, đến nay đã ghi nhận có tới 15 bệnh nhân tại tỉnh này nhiễm bệnh Whitmore, nhiều trường hợp vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng rất nặng, cụ thể gần 50% số trường hợp vào viện trong tình trạng cần phải hồi sức tích cực.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin, thời gian qua, bệnh viện ghi nhận nhiều ca bệnh đến từ các địa phương vùng lũ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế... Các bệnh nhân nhập viện sau khi tiếp xúc lâu với nước và trong quá trình khắc phục lũ lụt có tiếp xúc đất và nước bẩn.

Trong khoảng 30 ca bệnh đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới từ đầu năm đến nay đều là người hơn 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi... Do có biểu hiện lâm sàng đa dạng nên bệnh Whitmore rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, khiến việc điều trị không hiệu quả. Bên cạnh đó, bác sĩ Cường cũng khuyến cáo để tránh nhiễm bệnh Whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn nước, đặc biệt là những nơi ô nhiễm.

Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám để kịp thời xác định bệnh và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc xảy ra.

Để đối phó với bệnh Whitmore đang lây lan nhanh, Sở Y tế các tỉnh miền Trung đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường điều tra ca bệnh, đánh giá yếu tố dịch tễ và phân tích nguy cơ. Ngoài ra, cần chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phòng, chống bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là nơi có nguy cơ cao, nơi ô nhiễm môi trường sau bão, lũ. Trong khi đó, các bệnh viện cần lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, có nguy cơ cao để sớm phát hiện, điều trị tích cực, hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong do bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh rất ít gặp, không bùng phát thành dịch nhưng thường tiến triển nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, nhất là với những người đang mắc bệnh mạn tính. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore phức tạp như sốt với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác.

Bệnh Whitmore thường gặp vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 21 ngày. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh Whitmore tăng cao ở miền Trung, 4 người tử vong ở Quảng Trị