Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021.

Địa phương ứng dụng KH-CN nhìn từ câu chuyện vải thiều Lục Ngạn được cấp Chỉ dẫn địa lý

Thu Anh | 18/05/2023, 09:13

Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021.

Cách đây tròn 60 năm, vào ngày 18.5.1963, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”.

Năm 2013, ngày 18.5 hằng năm chính thức được quy định là Ngày KH-CN Việt Nam tại Luật KH-CN. Chủ đề của Ngày KH-CN Việt Nam năm nay là “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”.

Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước

Tại Lễ chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam được Bộ KH-CN tổ chức vào ngày 17.5, ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện sản phẩm vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước.

Theo ông Nam, Bắc Giang là tỉnh có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước, trong đó riêng huyện Lục Ngạn có sản lượng vải thiều chiếm hơn 50% sản lượng vải thiều toàn tỉnh. Vải thiều Lục Ngạn có chất lượng, hương vị vượt trội, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

chu-tich-ubnd-huyen-luc-ngan-bac-giang.jpg
Ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: BTC

Nhận thức được vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với việc nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, ngay từ năm 2006, Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn, các cơ quan ở địa phương đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) triển khai 2 dự án về tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Giữa năm 2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đươc cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Theo ông Nam, để mở rộng thị trường xuất khẩu, vải thiều Lục Ngạn tiếp tục được Sở KH-CN Bắc Giang đăng ký và được cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia, gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Úc và Mỹ. Vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021.

Sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

vai-thieu-luc-ngan-2-.jpg
Vải thiều Lục Ngạn - Ảnh: Sàn giao dịch TMĐT Bắc Giang

Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết diện tích vải thiều của huyện tiếp tục được duy trì ổn định khoảng 17.000 ha, sản lượng hàng năm trên 100 nghìn tấn. Trước đây, vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được tiêu thụ trong nước (ở các chợ thông thường) và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đến nay, vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ ở nhiều siêu thị, hệ thống phân phối, kênh thương mại trong nước. Ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều Lục Ngạn còn được xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...

Để gắn Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn với phát triển du lịch, năm 2023, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” lựa chọn các nhà vườn đẹp, kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm mùa vải, gắn với các điểm du lịch, thắng cảnh đẹp của huyện. Điều này góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá du lịch địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy công nghệ sau thu hoạch

Câu chuyện của vải thiều Lục Ngạn được nâng giá trị sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý đã cho thấy việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu.

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa kết quả bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của vải thiều, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết địa phương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

vai-thieu-luc-ngan-3-.jpg
Theo thông tin mô tả trên Sàn giao dịch TMĐT Bắc Giang, vải thiều có dạng quả hơi tròn, cùi trắng dày, ăn rất ngọt - Ảnh: Sàn giao dịch TMĐT Bắc Giang

Trong đó, tiếp tục duy trì diện tích sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ, vải thiều công nghệ cao. Nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (như mã số vùng trồng, mã vạch, mã QR… gắn với thông tin về sản phẩm) để khách hàng dễ dàng nhận diện, tra cứu và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm vải thiều Lục Ngạn chính hiệu.

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, để có các chỉ tiêu tốt, ông Nam nhấn mạnh cần phải có sản phẩm tốt và điểm mấu chốt vẫn là người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất; như vậy, trách nhiệm của người sản xuất phải được nâng cao, từ đó quyết định đến chất lượng sản phẩm.

Từ đó, địa phương đã đề nghị các nhà khoa học, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến quả vải thiều sau thu hoạch phù hợp, chi phí thấp; tiếp tục đàm phán mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường mới; hỗ trợ truyền thông và đa dạng hóa hình thức kết nối tiêu thụ quả vải thiều đến với thị trường quốc tế…

Bài liên quan
Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Địa phương ứng dụng KH-CN nhìn từ câu chuyện vải thiều Lục Ngạn được cấp Chỉ dẫn địa lý