Thời gian gần đây người ta nghe nói đến hai từ “giải cứu”, nào là giải cứu dưa hấu, giải cứu chuối, giải cứu lợn. Chủ nhân của phát ngôn này là các cơ quan ban ngành được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nhưng đây cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề, còn cái gốc nằm ở đâu?

Điều cần giải cứu

Từ Kế Tường | 24/10/2021, 11:52

Thời gian gần đây người ta nghe nói đến hai từ “giải cứu”, nào là giải cứu dưa hấu, giải cứu chuối, giải cứu lợn. Chủ nhân của phát ngôn này là các cơ quan ban ngành được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nhưng đây cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề, còn cái gốc nằm ở đâu?

Tất nhiên người được hô hào giải cứu là người trồng dưa hấu, trồng chuối, nuôi lợn… Những sản phẩm hàng hóa thị trường này từ tay người nuôi, trồng ra khỏi cửa nhà, cửa trang trại, ra khỏi ruộng rẫy lẽ ra được người tiêu dùng chấp nhận, đón chờ, thuận mua vừa bán theo quy luật cung cầu tại sao phải nhờ đến biện pháp “giải cứu”?

Câu trả lời ngắn gọn là sản phẩm bị ế, người tiêu dùng chê, thị trường không chấp nhận nên khâu lưu thông phân phối bị ách tắc. Ai bị thiệt? Người trực tiếp làm ra sản phẩm bị thiệt, có người trắng tay, phá sản sau một, hai vụ mùa, kinh tế gia đình khánh kiệt.

Một tế bào của toàn hệ thống hồng huyết cầu kinh tế đất nước bị nghẽn mạch nếu không nhanh chóng đặt dụng cụ thông mạch thì tất nhiên cơ thể của nền kinh tế sẽ bị đột quỵ. Biện pháp giải cứu như vừa qua chỉ là phương pháp cấp cứu, đặt “stent” thông mạch và cũng chỉ là biện pháp tình thế.

Nếu nền kinh tế một đất nước mà chỉ loay hoay với những biện pháp “giải cứu”, hết giải cứu dưa hấu, chuối, lợn, cá ba sa, tôm sú, dừa khô thậm chí cả lúa thì làm sao phát triển, làm giàu, tham gia cuộc chơi sòng phẳng với môi trường kinh tế hội nhập? Đây là điều đáng lo, là dấu hiệu báo động và không nên xem là chuyện nhỏ của trái dưa, buồng chuối hay con lợn. Muốn khuyến khích người dân sản xuất, làm giàu, góp phần phát triển kinh tế xã hội thì trong biện pháp quản lý nhà nước không nên có từ “giải cứu”.

Để làm được như thế, trước hết về mặt quản lý nhà nước nên và cần thông mạch toàn bộ sự tắc nghẽn, chồng chéo, rối rắm của những đơn vị được giao trách nhiệm thu mua sản phẩm của người sản xuất, đặt quyền lợi xã hội lên trên tư lợi cá nhân, tư lợi cục bộ, cạnh tranh quyết liệt với thương lái thời vụ, không để thương lái nhất là thương lái người Trung Quốc khuấy động thị trường theo kiểu ép người sản xuất vào tình thế được mùa rớt giá. Không gì vô lý, bất công khi quyền quản lý nhà nước nắm trong tay, tiền bạc không thiếu mà cứ để cho nông dân “trôi nổi” theo dòng đời, mùa vụ và lòng tham của thương lái.

Và điều cần giải cứu trước tiên không chỉ là hệ thống quản lý nhà nước luôn ở thế bị động như lâu nay mà còn là người sản xuất, người nông dân làm ra sản phẩm, vật nuôi trong cơ chế thị trường và thiện tâm với người tiêu dùng, tuyệt đối kinh doanh trung thực, không có lối kinh doanh chụp giựt, chỉ biết có đồng tiền mà che mờ cả lương tâm bằng các cách thức chăn nuôi, bảo quản không an toàn. Ví dụ như nuôi lợn bằng thức ăn tăng trọng, xử lý nước thải trong nuôi tôm công nghiệp bằng thuốc rầy, chích trái cây bằng hóa chất cho chín nhanh như sầu riêng, dưa hấu có màu đỏ đẹp, chuối, đu đủ, xoài có màu vàng tươi…

Chính những điều bất cập như vừa nêu là tác nhân quan trọng làm cho người tiêu dùng quay mặt với sản phẩm của người nông dân kinh doanh thiếu lương tâm. Và đó cũng là điều cần phải giải cứu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều cần giải cứu