Theo các nhà chuyên môn, trong tương lai bệnh ung thư ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng, do sự thay đổi liên quan đến tế bào. Điều đó có nghĩa số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra những áp lực lớn đối với ngành y tế.
Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, hiện nay mỗi năm số ca mắc ung thư mới tại TP.HCM là trên 5.000 trường hợp, còn cả nước có khoảng 150.000 ca mắc mới. Mỗi năm tăng thêm khoảng 5,6% ca mắc ung thu mới. Như vậy nếu tình trạng ấy kéo dài, ngành y tế sẽ đối mặt với áp lực lớn của căn bệnh này. Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với BS Phạm Xuân Dũng.
-Vậy theo ông, ngành y tế sẽ đối mặt với những vấn đề gì?
-BS Phạm Xuân Dũng: Ung thư đang là vấn đề mà cả thế giới phải đối mặt, nhất là các nước phát triển tình trạng mắc ung thư càng cao. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, thu nhập của người dân còn ở mức thấp, đất nước còn nghèo. Trong khi đó, chi phí điều trị ung thư ngày một tăng. Chỉ trong 10 năm qua, chi phí điều trị ung thư đã tăng lên đến 20 lần. Chẳng hạn ung thư đại tràng, khoảng 10 năm trước, chi phí cho một đợt điều trị chỉ khoảng 200 - 300 USD, nay lên đến hơn chục nghìn USD. Điều này đang là một gánh nặng lớn cho các gia đình; còn nếu là bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì gánh nặng cho ngành bảo hiểm.
Điều trị ung thư rất tốn kém, điều trị dài ngày, ngay cả những trường hợp đều trị thành công cũng chưa biết có khả năng lao động lại được không. Đây chính là nỗi sợ hãi, lo lắng của những người mắc ung thư. Do đó, gánh nặng ung thư không chỉ đơn thuần của ngành y tế về tài chính, nhân lực mà còn là của cả xã hội.
-Nếu tình trạng ung thư trên cứ tăng dần mỗi năm thì điều gì sẽ xảy ra, thưa bác sĩ?
-Giải quyết ung thư là giải quyết cái gốc, chứ không phải cái ngọn. Cái quan trọng là chúng ta phải phòng ngừa như thế nào?
Để phòng ngừa ung thư không chỉ có cá nhân mà còn cả tập thể, cả xã hội và cả những cơ chế, chính sách của nhà nước. Ngoài việc người dân phải chủ động tránh các chất độc hại, không hút thuốc lá, hạn chế ăn thịt đỏ, ăn nhiều rau, tăng cường tập thể dục…, những người sản xuất thực phẩm phải tuyệt đối không sử dụng những hóa chất độc hại, những hóa chất được khuyến cáo không sử dụng trong thực phẩm.
Bên cạnh đó, còn có cả cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chẳng hạn trong vấn đề xử lý môi trường, xả thải cần phải có những nghị định, quy định cụ thể và những người làm công tác quản lý phải xứ lý nghiêm vấn đề này.
|
Rất nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để tầm soát ung thư |
-Theo bác sĩ, thực tế hiện nay, đâu là tác nhân lớn gây ung thư ở Việt Nam?
-Vấn đề môi trường, cách sống hiện nay đang tác động đến sự gia tăng của căn bệnh ung thư. Chính từ thay đổi cách sống như: sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá, sử dụng nhiều thịt có màu đỏ, ít sử dụng rau sạch... khiến nguy cơ phát sinh bệnh ung thư tăng cao.
Bên cạnh đó, tuổi thọ của người Việt Nam cũng đang tăng dần (tuổi thọ trung bình hiện nay là 73 tuổi), con người càng tiếp xúc với những hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm càng nhiều khiến tế bào bị hư hỏng, không sửa chữa, gây nên tình trạng ung thư ngày càng tăng.
Tuy nhiên, hiện nay có 1/3 số trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa. Chẳng hạn như vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung, viêm gan siêu vi gây ung thư gan đều có chủng ngừa. Đối với ung thư dạ dày có liên quan đến vi rút HP cần phải điều trị sớm loại vi rút này.
Riêng đối với ung thư vú, một loại ung thư đang chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ Việt Nam hiện nay có liên quan đến béo phì nên hạn chế ăn thịt có màu đỏ, tăng cường vận động, ăn nhiều rau quả. Nếu chúng ta thực hiện tốt những điều này thì có thể phòng ngừa được ít nhất là 1/3 trường hợp mắc ung thư.
Bên cạnh đó, 1/3 trường hợp mắc ung thư có thể chẩn đoán sớm đưa đến kết quả điều trị tốt. Do đó, trong tương lai vấn đề đặt ra làm sao để phòng ngừa căn bệnh này chứ không phải làm thế để điều trị có hiệu quả.
-Bác sĩ đánh giá như thế nào về ý thức của người dân hiện nay trong việc phòng, chống căn bệnh quái ác này?
-Hiện nay truyền thông đề cập khá nhiều đến căn bệnh này đã tác động đến suy nghĩ của người dân. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận người dân đã khá lên nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình. Nhiều người chỉ cần thấy dấu hiệu khó chịu đã đi khám ngay. Đó chính là lý do hiện nay các khu khám ung thư của bệnh viện rất đông. Số bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu xin tư vấn về ung thư cũng ngày một tăng.
Một số bệnh ung thư thường gặp như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung... số bệnh nhân đến khám và điều trị sớm nhiều hơn. Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hiện có khoảng 60% bệnh nhân mắc ung thư đến khám, điều trị mới bước vào giai đoạn 1, và 2. Riêng về phòng ngừa, hiện nay Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe ( Sở Y tế TP.HCM) thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề liên quan đến bệnh ung thư. Tại Bệnh viện Ung bướu tổ chức những câu lạc bộ bệnh nhân để truyền thông phổ biến kiến thức ung thư cho bệnh nhân và người dân.
Tuy nhiên, cái khó của chúng ta hiện nay là việc ăn uống như thế nào để ngăn ngừa bệnh tật nhưng vẫn đảm bảo calorie. Nhiều nơi người dân vẫn còn nghèo, ăn uống như thế nào để đảm bảo lượng calorie như cá, rau, thịt… mà còn ngăn ngừa được bệnh tật là điều cực kỳ khó. Nhiều gia đình nghèo chỉ cần có thực phẩm để ăn là quá đủ, lấy đâu ăn để phòng ngừa bệnh tật. Dân nghèo làm sao có thể phòng ngừa ung thư. Đây là vấn đề khó trong việc phòng, phòng ngừa căn bệnh ung thư quái ác này.
-Cám ơn bác sĩ!
Hồ Quang (thực hiện)