Ở giữa Đà Nẵng, chị Loan vẫn đang phải vạ vật từng ngày mưu sinh nuôi chồng bị bệnh, con cái nheo nhóc. Sổ hộ khẩu chị cầm cách nay một năm với số tiền 2 triệu đồng mà vẫn chưa chuộc lại được. 

Tâm sự đẫm nước mắt của người vợ cầm sổ hộ khẩu 2 triệu nuôi chồng u phổi

Một Thế Giới | 10/08/2015, 16:23

Ở giữa Đà Nẵng, chị Loan vẫn đang phải vạ vật từng ngày mưu sinh nuôi chồng bị bệnh, con cái nheo nhóc. Sổ hộ khẩu chị cầm cách nay một năm với số tiền 2 triệu đồng mà vẫn chưa chuộc lại được. 

Giữa trưa nắng trong căn phòng trọ chật chội bên sông Hàn, chị khóc trong lúc bụng đói réo rắt. Thùng đựng gạo còn mấy lon. Hai đứa con bơ phờ nhặt mớ rau muống. Chồng bệnh ngồi vật vờ…
Người đàn bà đó là Võ Thị Loan (SN 1974, hộ khẩu thường trú tổ 44, P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, Đà Nẵng).

Chị Loan đang làm cấp dưỡng cho trường mầm non Hồng Minh với lương 3 triệu đồng/tháng. Ở căn nhà trọ chật chội ở trên đường Nguyễn Thế Lộc (P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà), chồng chị và 2 đứa con đang ở nhà như trong một tổ chim.

Dựng chiếc xe máy Dream được cột chằng chịt những dây thép, tả tơi hơn cái tơi đùm chè, chị lúi húi chui vào nhà trọ lo cơm trưa cho chồng con. Bữa cơm đạm bạc với mớ rau muống và hai con cá.

Chồng chị, anh Trần Thanh Bình (SN 1970), đang bị bệnh u phổi, chỉ ở nhà chữa bệnh bằng thuốc tây. Đứa con gái lớn, Trần Thị Hòa Duyên (SN 1994), học xong lớp 12 cũng phải nghỉ học ở nhà đi làm thêm phụ giúp gia đình. Cha ngã bệnh, Duyên cũng phải nghỉ việc, ở nhà trông. Thằng út Trần Hoài Bão đang học lớp 5 trường THCS Hàm Nghi, hi vọng mong manh về một tương lai chẳng lấy làm gì xán lạn.

Từ trẻ, buôn thúng bán mủng là nghề của chị Loan. Làm thợ đụng là nghề của chồng. Đổ bệnh, anh Bình ở nhà, mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc hẳn vào người vợ.

Cam so ho khau nuoi chong bi benh-hinh-anh-1
 Gia đình chị Loan tá túc trong căn phòng trọ chật chội.

Chị Loan kể: “Mấy năm trước tui bán ở căng tin bệnh viện Bình Dân. Không có nhà nên phải thuê lại chung cư của người khác ở Vũng Thùng. Đắt quá, tháng 2,8 triệu nên ở được 2 năm thì đi thuê trọ. Thuê ở dưới Điện Ngọc (Quảng Nam), tháng 1 triệu. Rồi sau tui xin vào làm cấp dưỡng ở trường mẫu giáo. Cứ 3 giờ sáng là tui phải chạy chiếc xe ọp ẹp này lên phố làm. Xa quá nên cả nhà lại phải chuyển lên quận Sơn Trà thuê trọ, 2 triệu một tháng”.

“Giờ một mình chị đi làm à?”, tôi hỏi. “Chồng đau nằm một chỗ. Con gái trước nghỉ học đi làm thêm ở quán cà phê. Nay cũng ở nhà trông ba. Thằng út đi học, bán trú, tháng 600 ngàn. Giờ mình chị cố gắng thôi”.

“Thu nhập của chị đủ không?”. “Một tháng trường trả 3 triệu. Làm cả ngày ở trường rồi 5 giờ chiều chị cũng phải tranh thủ ra làm phụ ở quán nhậu. Hôm nào đông khách họ cho mình 50 ngàn. Hôm nào ít khách cho mình 20 ngàn. Đến khuya, còn thừa thức ăn thì quán cho mình mang về, đỡ thêm một bữa chợ”.

“Rồi chồng đau ốm thì thuốc men sao?”.

Chị khóc. Nước mắt của người khổ thấy được cả sự đắng chát. Chị kể: “Ổng đau lên đau xuống mấy năm nay rồi nhưng vẫn đi làm phụ hồ, bốc vác thuê. Đầu năm nay, bị nặng đi khám thì mới phát hiện ra bị u phổi. Nằm viện khoảng tuần thì phải lo đưa về nhà trọ, đi mua thuốc uống. Ngoài thuốc được cấp theo thẻ bảo hiểm y tế thì phải mua thêm thuốc ngoài, một tuần hết 450 ngàn”.

Có ai biết rằng, chị phải đi cầm cố sổ hộ khẩu để lấy 2 triệu đồng về mua thẻ bảo hiểm y tế cho chồng. “Lo chồng đau ốm, nên khi không còn thẻ bảo hiểm hộ nghèo nữa tui phải đi cầm sổ hộ khẩu lo trước cho ổng. May răng mà mình mua thẻ được một tháng thì ổng bị đau nặng, không có thẻ thì coi như không biết lấy tiền đâu mà đưa ổng đi viện”, chị mếu máo.

Đến giờ, gia đình này vẫn chưa chuộc lại được sổ hộ khẩu. 2 triệu đồng, gần một năm nhưng vẫn không có tiền để trả. Hàng tháng chị vẫn phải đóng lãi.

Cam so ho khau nuoi chong bi benh-hinh-anh-2
 Ước mong của chị Loan là có được một chỗ ở ổn định để chăm sóc chồng đau ốm và con cái nheo nhóc.

“Chị sống lang bạt, thuê trọ không ổn định vậy thì làm sao phường họ quản lý được, rồi chính sách này nọ nếu có thì làm sao?”. “Tui cũng muốn ổn định lắm chứ, nhưng khó quá, mình kiếm được việc nào thì phải lo kiếm chỗ ở gần đó mà làm”.

“Giờ tôi chỉ mong sao được chính quyền thương cảm mà tạo điều kiện cho được thuê một căn nhà chung cư cho người thu nhập thấp là may mắn lắm rồi. Ở trong nhà trọ chật chội thế này, nhưng cứ đến tháng là nơm nớp lo đóng tiền không bị đuổi. Tui làm tháng được chừng nớ bạc, nhiều khi hết hơi mà cũng không đủ cho cu út nó theo học”, chị Loan bày tỏ.

Ông Đoàn Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết: “Chủ trương của thành phố là người nghèo phải có chỗ ở. Tuy nhiên hiện nay cung cầu đang bất hợp lý, nhu cầu có nhà của người dân rất nhiều nên phải xét duyệt chờ thứ tự”.

Còn bà Trần Thị Kim Yến, trưởng phòng LĐ-TB-XH, Q.Hải Châu cho biết: “Do bà Loan không sống tại địa phương nơi đăng ký thường trú nên việc xét duyệt chính sách rất khó. Trước mắt, bà Loan nên làm thủ tục xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn. Còn việc xét duyệt các tiêu chí để đưa vào diện chính sách, hộ nghèo thì cần liên hệ với địa phương nơi đang cư trú để khảo sát”.

Chưa biết các thủ tục khảo sát, xét duyệt sẽ được tiến hành như thế nào. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại của gia đình chị Loan thì phải nói là khốn khó ở thành phố đáng sống này.

Cứ đi về trong căn phòng trọ chật chội bên bờ đông sông Hàn, chị Loan lại ngước sang bờ tây đối diện, nơi tòa thị chính thành phố tỏa bóng xuống những ngôi nhà thấp xung quanh, ước ao những điều rất bức thiết mà không biết kêu ai…

Lê Đình Dũng

Bài liên quan
Dòng căn hộ đa công năng ELA và UNI 'hot' nhất dự án Sun Ponte Residence Đà Nẵng
Linh hoạt công năng, tối ưu hóa tính kết nối hay có thể vừa ở vừa cho thuê, không ngạc nhiên khi hai dòng căn hộ sáng tạo và độc đáo UNI và ELA tại dự án Sun Ponte Residence bên sông Hàn được săn đón, tăng sức nóng cho phân khúc bất động sản đô thị cao cấp tại Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm sự đẫm nước mắt của người vợ cầm sổ hộ khẩu 2 triệu nuôi chồng u phổi